Việc công khai hay không công khai thí sinh gian lận điểm thi đã gây nhiều ý kiến dư luận trái chiều trong suốt một thời gian dài.
Trong khi các cơ quan chức năng còn đang lúng túng trong việc xử lý việc có công bố hay không thì danh sách các thí sinh được nâng điểm vẫn đang xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngày 17/4, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải một bản danh sách “Thí sinh gian lận là con đồng chí nào”.
Bản danh sách đã gây xôn xao dự luận của cả nước khi nghề nghiệp, vị trí việc làm của bố mẹ cùng với các điểm số của các thí sinh được liệt kê rất đầy đủ.
Nhìn vào bản danh sách mà báo Tuổi trẻ đăng tải dễ thấy các thí sinh được nâng điểm toàn “trâm anh, thế phiệt cả”, chẳng thấy con nhà nông dân, công nhân đâu cả.
Báo Tuổi trẻ cũng liệt kê đầy đủ, cụ thể từng trường hợp một.
Bản danh sách "Con đồng chí nào" của Báo Tuổi trẻ đăng tải. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Đáng lưu ý là trong các trường hợp thí sinh là con em cán bộ, công chức tại tỉnh Sơn La, có ít nhất ba trường hợp là con cán bộ chủ chốt Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Đó là trường hợp thí sinh số báo danh 14001319 - là con ông Nguyễn Duy Hoàng - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Thí sinh này được nâng tổng cộng 3 điểm.
Thí sinh số báo danh 14001415 là con ông Phan Ngọc Sơn - chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Thí sinh này được nâng tổng cộng 8,7 điểm.
Phải trả lại trong sạch cho những lãnh đạo có con bị nâng điểm chứ nhỉ? |
Thí sinh số báo danh 14001479 là con ông Nguyễn Ngọc Hà - trưởng Phòng giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Em này được nâng tổng cộng 4,8 điểm.[1]
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã từng đặt câu hỏi:
“Có con em nông dân được nâng đỡ như vậy không? hay chỉ những người được nâng điểm đa phần là con đại gia hoặc con em của những người có quyền lực?”.[2]
Có lẽ nhìn vào bản danh sách do báo Tuổi trẻ đăng tải thì có lẽ câu trả lời không chỉ cho ông Lê Văn Cuông và cho dư luận cả nước biết:
Không có những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, những người làm nông nghiệp trong điệp khúc “được mùa mất giá”.
Không có con em công nhân trong các khu công nghiệp nhu nhập dăm bảy triệu đồng mỗi tháng.
Toàn con cán bộ, con “quan” cấp phòng, cấp sở, cấp huyện cả. Nghĩa là toàn người có điều kiện, toàn nhà trâm anh, thế phiệt cả.
Nói về danh sách này, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhận xét rằng: “Quá thảm hại và không còn gì để nói. Gian lận điểm thi càng ngày càng lộ ra sự hư hỏng, suy đồi của nhiều cán bộ.
Những người được báo chí đề cập đều là các cán bộ cốt cán, ở những vị trí quan trọng trong hệ thống bộ máy nhà nước”.[3]
Nhìn vào bản danh sách các thí sinh là “con đồng chí nào” có lẽ dư luận sẽ cảm thấy tiếc cho các em.
Bởi, nhà có điều kiện như thế, cơ hội được tiếp xúc với các điều kiện học tập của các em sẽ tốt hơn rất nhiều bạn khác.
Và với xuất thân “thượng lưu” như các em sẽ là một điều kiện tốt để tạo đà cho tài năng phát triển toàn diện và đạt đến những thành công nhất định.
Những điều kiện mà các bạn đồng trang lứa với các em có mơ cũng khó mà đạt được bởi những gánh nặng cơm áo, gạo tiền.
Ngành Giáo dục quyết tâm xử lý sai phạm để tránh lặp lại hay Trăm ngàn đổ một trận cười xót xa? (Ảnh: Vietnamnet) |
Tuy nhiên, thay vì tận dụng những lợi thế gia đình để vươn lên trong học tập, các em lại nằm trong danh sách gian lận nâng điểm.
Càng đáng buồn hơn khi từ là “niềm tự hào của gia đình”, các việc nâng điểm của các em đã khiến bố mẹ các em mất hết danh dự.
Đã có những lời giải thích đã được đưa ra, nhiều phụ huynh tại Sơn La có con bị nâng điểm đã lên tiếng giải thích rằng họ không hề biết việc con mình bị nâng điểm.
Gian lận điểm thi ngày càng lộ ra sự hư hỏng, suy đồi của nhiều cán bộ |
Thế nhưng, cho dù có giải thích thế nào đi chăng nữa khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, dư luận dễ tính nhất cũng không thể tin các vị phụ huynh này hoàn toàn “trong sáng” trong việc con họ bị nâng điểm được.
Bây giờ, dù muộn...
Nhưng, đã đến lúc, cần công khai và xử lý nghiêm những quan ông, quan bà có những hành vi tiêu cực để tác động đến điểm thi của các con.
Tuy vậy, việc này phụ thuộc vào độ quyết liệt, cần công khai minh bạch, dám đối diện với sự thật của các cơ quan chức năng và ngành Giáo dục.
Bởi, chỉ có công khai, minh bạch chính là biện pháp hữu hiệu trong công cuộc ngăn chặn tham nhũng tiêu cực.
Ngược lại, sự bao che, mập mờ chính là mảnh đất ươm mầm cho cái xấu, cái ác nảy sinh lúc đó chẳng tích... cũng dịch nên tuồng, nhân dân sẽ mất niềm tin vào sự quyết tâm của ngành giáo dục.
Để rồi những khẩu hiệu, quyết tâm ngăn chặn tiêu cực của ngành Giáo dục lại thành ra “trăm ngàn đổ một trận cười xót xa”.
Tài liệu tham khảo
[1] https://tuoitre.vn/diem-danh-lanh-dao-co-con-duoc-nang-diem-20190417185906389.htm
[2] https://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Co-em-nao-con-nha-ngheo-o-Ha-Giang-duoc-nang-diem-khong-post188208.gd?
[3] https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Gian-lan-diem-thi-ngay-cang-lo-ra-su-hu-hong-suy-doi-cua-nhieu-can-bo-post197556.gd