Nghiệm thu, bàn giao chất lượng học sinh là quá trình vô cùng quan trọng giữa giáo viên lớp dưới với giáo viên lớp trên, giữa giáo viên cấp này với giáo viên cấp khác.
Trường trung học cơ sở Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nơi có nhiều học sinh lớp 6,7 đọc, viết yếu (ảnh: Báo Hậu Giang) |
Nghiệm thu, bàn giao chất lượng “Nhằm đảm bảo tính khách quan của kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối năm học hoặc cuối cấp học và đảm bảo trách nhiệm của giáo viên dạy lớp năm học trước và giáo viên nhận lớp ở năm học sau;
Giúp giáo viên nhận lớp trong năm học tiếp theo có đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.
Nếu làm tốt việc nghiệm thu và bàn giao chất lượng một cách chặt chẽ sẽ không bao giờ còn cảnh cha mẹ học sinh níu vai thầy cô xin cho con được ở lại lớp.
Sẽ không bao giờ có chuyện một số em không thể theo kịp chương trình đành phải bỏ học giữa chừng.
Sẽ không bao giờ còn chuyện giáo viên suốt ngày kêu than nhiều học sinh của lớp không thể tiếp thu kiến thức dù thầy cô giáo đã hỗ trợ hết mình…
Thế nhưng tại các trường tiểu học hiện nay, việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng học tập đang bị xem nhẹ, làm một cách hình thức. Dẫn đến học sinh yếu kém vẫn mỗi năm lên một lớp.
Học sinh không biết đọc, biết viết cũng được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình bậc học.
Học sinh lớp 6, lớp 7 không biết đọc, biết viết trách nhiệm của ai? |
Gây nên bao nỗi thất vọng cho nhiều phụ huynh.
Giáo viên bị vô hiệu hóa chức năng quyền hạn của mình
Theo quy định của Thông tư 30: Đối với học sinh lớp 1 (một), 2 (hai), 3 (ba), 4 (bốn), hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng dạy trong lớp và giáo viên sẽ nhận lớp vào năm học tiếp theo:
- Cùng ra đề kiểm tra định kì cuối năm học và cùng tham gia coi, chấm bài kiểm tra;
- Bàn giao hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy định này; trao đổi các nhận xét về những nét nổi bật hoặc hạn chế cần khắc phục về mức độ nhận thức, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; ghi biên bản nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh;
Thông tư quy định rõ ràng như thế, nhưng nhiều trường học hiện nay ra đề kiểm tra là Ban Giám hiệu nhà trường.
Học sinh làm bài kiểm tra, nếu bị điểm yếu sẽ được làm lại lần 1, lần 2, thậm chí lần 3 cho đến khi nào đạt được 5 điểm mới thôi (trừ một vài trường hợp thật sự cá biệt).
Giáo viên nhận bàn giao chất lượng học sinh từ đồng nghiệp cũng không được phép nhận xét em A học yếu, em B học kém, em C không biết đọc, biết viết…
Vì theo lời của Ban Giám hiệu, học yếu và kém là phải ở lại lớp nên giáo viên chỉ được ghi các em học còn chậm hay hơi chậm...
Thế nên, việc bàn giáo chất lượng học tập chỉ thể hiện bằng việc 2 giáo viên trao cho nhau tờ giấy ghi tên học sinh và vài lời nhận xét chung chung để cùng ký vào biên bản, nộp cho nhà trường kẹp hồ sơ là xong.
Việc bàn giao chất lượng của giáo viên bậc trung học cơ sở cũng không lấy gì làm chặt chẽ nếu không muốn nói chỉ là kiểm tra cho có.
Giáo viên bậc trung học vì sao cũng thỏa hiệp?
Nhiều học sinh lớp 7 một trường chuẩn quốc gia ở Hậu Giang đọc viết không thạo |
Thông tư 30 số: 30/2014/TT-BGDĐTcũng quy định rất rõ:
b) Đối với học sinh khối lớp 5 (năm):
- Hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học chung cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở sẽ nhận học sinh lớp 5 (năm) vào học lớp 6 (sáu).
Đến ngày học sinh lớp 5 kiểm tra, một số giáo viên dạy môn Toán, Anh văn và Văn của trường trung học cơ sở (sẽ nhận học sinh vào học) xuống các trường tiểu học và vào phòng học sinh đang làm bài mươi phút, kí giấy xác nhận cho đúng thủ tục rồi ra về.
Việc coi hoặc chấm bài kiểm tra hầu như phó mặc cho giáo viên tiểu học muốn làm gì thì làm.
Vì cách giám sát, kiểm tra cho có như thế, trường tiểu học đã có cơ hội công nhận 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học dù trong đó có cả những em kiến thức còn thua một học sinh lớp 1.
Thế nên mới xảy ra tình trạng, không ít học sinh vào lớp 6 chưa làm nỗi bài toán lớp 2, chưa đọc nỗi một câu của học sinh lớp 1.
Nghiệm thu dễ dãi sản phẩm bị lỗi, bị kém chất lượng vẫn đưa lên lớp thì chính giáo viên bậc học này phải gánh chịu chất lượng bê bết ấy.
Nhiều thầy cô giáo tiểu học thắc mắc “Giáo viên tiểu học không dám phản đối việc học sinh yếu, kém được đẩy lên lớp vì thành tích của lớp, của nhà trường.
Nhưng giáo viên bậc trung học cơ sở sao lại phải làm thế?
Câu trả lời dành cho những đồng nghiệp của chúng tôi.