"Không dám làm gì thì mới đi phản đối Bộ trưởng Thăng!"

02/11/2011 14:36
Thành Chung
(GDVN) - Đã là lãnh đạo thì việc gì ích nước, lợi dân, với mục đích trong sáng thì kể cả “tiền trảm hậu tấu” cũng phải làm....
Câu chuyện về lệnh cấm lãnh đạo ngành giao thông vận tải chơi golf của Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Người khen, người chê, đồng tình, phản đối… đều hết mình với quyết định cấm này.

Quyết định cấm lãnh đạo, cán bộ ngành GTVT chơi golf của Bộ trưởng Thăng vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Quyết định cấm lãnh đạo, cán bộ ngành GTVT chơi golf của Bộ trưởng Thăng vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Nhiều người đã tỏ ra lo lắng bởi khi bộ trưởng qui định như vậy sẽ can thiệp quá mức vào quyền tự do cá nhân, quyền nghỉ ngơi được qui định tại Hiến pháp rồi Luật Lao động…. Có ý kiến cho rằng văn bản trái luật, là sự nhầm lẫn trong quan hệ pháp luật, lấy quyền uy trong một quan hệ pháp luật này để điều chỉnh một quan hệ xã hội khác không thuộc thẩm quyền của mình. Nhưng nhìn trong lịch sử của đất nước đã cho thấy nhiều quyết sách mang tính chiến lược, đi trước thời đại lại hầu như chưa phù hợp với luật và khi mới là những đề án, mô hình đã gặp rất nhiều phản đối. Tuy nhiên thành công của nó đem lại thì chính những người phản đối, làm luật đã phải xem lại.“Đột phá” vì ích nước, lợi dân Câu chuyện xung quanh mô hình “khoán hộ” của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc từ những năm 60 của thế kỷ trước cho đến nay vẫn được xem là tiêu biểu cho thành công “đi ngược lại chủ trương”.
Xét cho đến cùng việc cấm lãnh đạo chơi golf cũng là thể hiện sự "đột phá" vì ích nước, lợi dân,
Xét cho đến cùng việc cấm lãnh đạo chơi golf cũng là thể hiện sự "đột phá" vì ích nước, lợi dân,
Với cái tâm của người cán bộ và từ thực tế Bí thư Kim Ngọc đã không ngần ngại “đột phá” vào sự bảo thủ, ì trệ của thành trì nông nghiệp. Mô hình “khoán hộ” của ông khi thực hiện còn được ví như “quả bom” đánh vào ý thức hệ Xã Hội Chủ Nghĩa bảo thủ lúc đó. Do nhiều lý do khác nhau nên mô hình “khoán hộ” bị cấm, Bí thư Ngọc phải viết kiểm điểm, xin nghỉ nhưng ông vẫn kiên quyết bảo lưu mô hình. Và thực tế đã chứng minh khi vì lợi ích của dân, của nước, không vì lợi ích cá nhân thì chính những thành công ban đầu của mô hình “khoán hộ” của Bí thư Kim Ngọc đã “mở đường” cho T.Ư Đảng xem xét, sửa đổi và cho ra đời khoán 100 và khoán 10 sau này. Câu chuyện về công trình đường dây 500KV Bắc Nam cũng được nhắc đến với sự “đột phá” mang tính quyết đoán, chiến lược của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi mới chỉ là một quyết sách đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí khi đưa ra Quốc hội có một vị tiến sĩ phản đối rằng, trên thế giới chẳng nước nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.000 km. Có người còn cho rằng, cố Thủ tướng Kiệt là người miền Nam nên "thiên vị" đưa điện từ Bắc và Nam. Nhưng ông đã kiên quyết bảo vệ quan điểm. Điều đó thể hiện sự quyết đoán dựa trên cơ sở tập hợp được trí tuệ của nhiều người, không phải là duy ý chí. Công trình đường dây 500KV Bắc Nam hoàn thành và những lợi ích của nó mang lại cho đến hiện nay đã chứng tỏ tầm chiến lược, dài hạn của một nhà lãnh đạo với sự phát triển của đất nước, dân tộc. Đặt quyết định của Bộ trưởng Thăng với hai quyết sách “đi trước thời đại” có phần hơi khập khiễng. Nhưng nếu nhìn vào thực tế, với thu nhập chân chính thì chẳng cán bộ công chức nào, thậm chí cả bộ trưởng, đủ tiền chơi môn thể thao xa xỉ này. Trong khi nhiều công việc của ngành đang ách tắc, thậm chí bê bối, xảy ra tiêu cực... thì việc đưa ra quyết định này đã thể hiện nên sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo vì lợi ích của nước, của dân.Cấm để cán bộ tự xem lại mình
Thực tế cũng cho thấy pháp luật lúc nào cũng đi sau thực tại xã hội nên có những cái không phải lúc nào cũng phù hợp với lý thuyết và pháp luật lạc hậu ban hành trước đó. Suy cho cùng hệ thống pháp luật là do con người làm ra và thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vậy nên, khi quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng xuất phát từ những đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống và trên thực tế đã được đông đảo người dân đồng tình thì rất cần được trân trọng và xem xét thấu đáo. Và hiểu như qui định tại luật Tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng điều hành Chính phủ ở tầm vĩ mô chứ không thể nắm tay chỉ cho các Bộ trưởng từng việc chi tiết được, mà các Bộ trưởng phải phát huy tính chủ động sáng tạo. Thủ tướng giống như một tổng chỉ huy, còn mỗi Bộ trưởng là một tư lệnh trên mặt trận, phải có tính quả đoán, chủ động, sáng tạo thực thi nhiệm vụ. Đó chính là đã là lãnh đạo thì việc gì có lợi cho dân cho nước, với động cơ trong sáng thì thậm chí “tiền trảm hậu tấu” cũng phải làm. Với văn bản này, nếu xét cho đến cùng chỉ có giá trị trong nội bộ lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải và một vị bộ trưởng (hoặc một vị đứng đầu một cơ quan nào đó) đều có quyền ra những yêu cầu, mệnh lệnh bắt cấp dưới phải thực hiện, tùy theo tình hình cụ thể mà yêu cầu người cán bộ phải như vậy. Người xưa có câu về đạo lý người làm quan: “Tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu. Hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc”. Nghĩa là người làm quan phải biết lo trước nỗi lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. Trong lúc nạn ách tắc giao thông đang trầm trọng, nhiều công trường, nhà máy đang sản xuất khó khăn  thì lẽ ra người lãnh đạo phải lăn vào cơ sở, xắn tay áo vào xử lý công việc. Đó mới là đạo lý của người cán bộ. Vĩ lẽ đó, việc cấm các quan chức, cán bộ ngành Giao thông Vận tải chơi golf  cũng là cách để họ tự xem lại mình. Nếu như các bộ, ngành khác cũng đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” mà có những việc làm như của Bộ trưởng Đinh La Thăng thì thật may cho nước, cho dân. Và như vậy, tôi cho rằng, những người không dám làm gì thì mới đi phản đối Bộ trưởng Thăng" 
Thành Chung