Con không học dốt, chỉ tại thầy trông thi khó!

23/04/2019 06:30
Đăng Bình
(GDVN) - Một số thầy cô giáo được trò liệt kê vào nhóm “sát thủ’ bước ngang lớp nào thì lớp ấy hồi hộp, nín thở.Tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng “de” vang trời...

Đem xấp bài kiểm tra cuối kỳ về cho mẹ ký, chị Mai giật mình thảng thốt khi trên tay chị là những bài làm của con chỉ đạt điểm 0, điểm 1 cho các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Giận run người, chị Mai quát lớn “Con học làm sao thế này hả Dũng? Đi học tối ngày mà bài làm không có một chữ?”

Gặp giáo viên xem thi dễ coi như cả lớp sẽ không bị điểm yếu (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Gặp giáo viên xem thi dễ coi như cả lớp sẽ không bị điểm yếu (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Cậu bé run bắn, đứng khép nép, miệng lẩm bẩm điều gì đó…Chị Mai lại hét lên:

“Con nói thử mẹ nghe, tại sao con không học bài? Tại sao học càng ngày càng dốt? Học kỳ 1 con có kết quả tệ thế này đâu?”

Dũng lắp bắp “không phải tại con học dốt mà tại thầy…”. Nói tới đó, cậu bé chợt nín thinh, chị Mai gằn lên “Tại thầy làm sao? Nói mau!”

Nó vội vàng bật lên thành tiếng lớn “Tại thầy này canh thi khó!” rồi im bặt.

Nghe con nói thế, mình chẳng buồn truy vấn nữa mà bắt cậu con trai nằm thẳng trên giường đánh cho một trận đòn khá đau. Chị Mai chia sẻ.

Những thầy cô được học sinh nồng nhiệt chào đón

Vốn là nhân viên trường học nên chỉ nghe cậu con trai nói “Tại thầy canh khó, chị Mai hiểu ngay được vấn đề”.

Thường thì học sinh ít khi học bài những môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…mà chủ yếu chỉ ghi phao (hoặc chuẩn bị tâm lý copi) để mang vào phòng thi sao chép.

Gặp thầy cô xem thi dễ, gần như cả phòng chẳng ai thiếu điểm. Điểm thấp nhất cũng đạt mức trung bình, điểm cao thường tột khung.

Gặp thầy cô nghiêm khắc xem như hôm ấy lớp bị nhiều điểm yếu (trừ một số em khá giỏi chăm học).

Đề cương, một kiểu cấy, sạ mới

Cứ vào tiết kiểm tra, học sinh ra ngoài hành lang đứng ngóng xem thầy cô giáo nào vào xem thi lớp mình.

Chúng đứng lầm rầm nguyện cậu mong thầy A, cô B đừng vào lớp con. Ngược lại, chúng cầu mong thầy cô dễ tính sẽ vào coi thi. 

Khi thầy cô giáo được coi là xem thi dễ bước vào lớp, những tiếng vỗ tay, tiếng “de” vang trời dậy đất cất lên đón mừng.

Thế là sau khi phát đề, giáo viên cứ để tự do cho học sinh trao đổi bài, giở tài liệu, hỏi nhau mà không hoặc ít khi nhắc nhở.

Sự dễ dãi như thế nên các em làm bài rất tốt. Có lần một giáo viên chấm Địa lý đã phải thốt lên “Bài nào cũng giống nhau và chính xác từng chữ, chẳng lẽ cho cả lớp điểm 10?”

Thế là dù đã có đáp án nhưng giáo viên ấy cũng phải chế thêm một số tiêu chí để trừ điểm như chữ viết quá xấu, trình bày cẩu thả, câu cụt, câu què…

Những giáo viên bị “xua đuổi”

Ngược lại với sự chào đón nồng hậu của học sinh cả lớp cho một số thầy cô dễ dãi, một số thầy cô giáo khác được trò liệt kê vào nhóm “sát thủ’ bước ngang lớp nào thì lớp ấy hồi hộp, nín thở.

Tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng “de” cũng vang trời khi thầy cô giáo ấy đi qua cửa lớp mình.

Gốc gác của bệnh thành tích trong giáo dục bắt đầu từ đâu?

Và tiếng thở dài đầy tiu nghỉu khi những giáo viên này bước vào một lớp nào đó.

Các em buồn khôn xiết vì những thầy cô này xem thi, ai không học bài chắc chắn sẽ nhận được điểm 0, 1, 2 chẳng hy vọng gì quay, copi bài của bất kì ai cả.

Thế nên, có thầy cô nói, khi chấm bài chỉ nhìn vào bài làm của trò có thể biết ngay lớp ấy gặp thầy cô coi kiểm tra dễ hay khó.

Bởi, xem thi dễ thì mười bài làm gần như một, còn xem khó chỉ 1,2 điểm nối đuôi nhau xếp hàng.

Khi lên điểm, trò gặp điểm kém mặt mày vẫn cứ hơn hớn, cứ tươi như hoa.

Ngược lại, một số thầy cô phải nghĩ cách cho trò vớt điểm để nâng điểm tổng kết môn ra khỏi vòng “nguy hiểm”.

Một số thầy cô giáo nghiêm khắc cho rằng “Xem thi khó để trò sợ mà học bài, thế nhưng giờ trò không sợ điểm thấp mà nhiều thầy cô giáo dạy bộ môn lại sợ mình không hoàn thành chỉ tiêu”.

Vì chuyện này, một số giáo viên đã không còn muốn nghiêm khắc nữa và buộc phải làm lơ vì chính những đồng nghiệp của mình.

Đăng Bình