Nam sinh dân tộc Pu Péo vượt sơn nguyên đi học chữ nuôi ước mơ làm thầy

23/04/2019 06:49
Công Tiến
(GDVN) - Em Ly Xuân Tiến dân tộc Pu Péo, tỉnh Hà Giang vượt sơn nguyên xuống xuôi học Sư phạm nuôi ước mơ học chữ để về dạy học cho con em đồng bào người dân tộc.

Được sống trong niềm mơ ước, ta sẽ nhận thấy cuộc sống này thật đẹp đẽ, thật ý nghĩa và tương lai tươi sáng hơn.

“Ước mơ không phải là cái gì có sẵn, cũng không phải là cái gì không thể có. Ước mơ giống như một con đường tiềm ẩn để con người khai phá và vượt qua” - Lỗ Tấn.

Trải lòng về nam sinh và miền sơn nguyên Đồng Văn

Em Ly Xuân Tiến đã vượt qua biết bao khó khăn của cuộc sống xa gia đình, tự lập từ khi là học sinh trường dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang.

Đến nay, em Ly Xuân Tiến (sinh năm 1998) là sinh viên năm nhất ngành Sư phạm tiểu học - Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc (nam sinh viên người dân tộc duy nhất của trường).

Năm 2018, em Ly Xuân Tiến được vinh dự nhận danh hiệu học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. Ảnh: Công Tiến
Năm 2018, em Ly Xuân Tiến được vinh dự nhận danh hiệu học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. Ảnh: Công Tiến

Em được sinh ra và lớn lên ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trong một gia đình có 3 chị em, kinh tế bình thường, bố hiện đang là giáo viên và mẹ làm công việc nội trợ ở địa phương.

Chia sẻ về quê hương mình với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến nói:

“Quê em, Đồng Văn là huyện miền núi biên giới của tỉnh Hà Giang nằm ở điểm cực Bắc của Tổ quốc, cách thành phố Hà Giang gần 200 km, nơi đây có cột cờ Lũng Cú là biểu trưng cho chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, là huyện nằm trong vùng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Kinh tế gia đình em chủ yếu sống dựa vào đồng lương giáo viên eo hẹp của bố và thu nhập thêm từ làm nương và ruộng bậc thang, trồng ngô, lúa, chăn nuôi...”.

Người Pu Péo hiện là một trong những cư dân lâu đời nhất sinh sống ở vùng núi cực bắc, tỉnh Hà Giang. Hiện nay, dân tộc Pu Péo chỉ có gần 1.000 người, tập trung chủ yếu tại xã Phố Là.

So với lịch sử phát triển của các dân tộc anh em sinh sống tại vùng núi này, người Pu Péo là một trong những cư dân khai khẩn ruộng nương đầu tiên ở vùng cực bắc.

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Pu Péo có những nét văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo, đóng góp nhiều di sản văn hoá quý báu.

Thấu hiểu sự vất vả về đời sống vật chất, tinh thần của gia đình cũng như người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang, Tiến đã chăm chỉ học tập, tự lập vươn lên trong cuộc sống nuôi dưỡng và theo đuổi ước mơ làm thầy giáo trong tương lai và được về dạy cho những học sinh của quê mình. 

Thấu hiểu sự vất vả về đời sống vật chất, tinh thần của gia đình cũng như người dân tộc Pu Péo em Tiến đã chăm chỉ học tập, tự lập vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Công Tiến
Thấu hiểu sự vất vả về đời sống vật chất, tinh thần của gia đình cũng như người dân tộc Pu Péo em Tiến đã chăm chỉ học tập, tự lập vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Công Tiến

Luôn xác định rõ ràng ước mơ của bản thân, học hết trung học cơ sở Tiến đã thi đỗ vào Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang.

Được học tập dưới mái Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang là một vinh dự lớn đối với Tiến.

Sống xa gia đình và luôn phải tự lập trong cuộc sống đã rèn cho Tiến có nhiều đức tính cao quý.

Bằng sự tự giác học tập và suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống Tiến đã chọn học ngành Sư phạm tiểu học của Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc vì: “Thời gian học tập ngắn và không tốn nhiều chi phí của gia đình”, em Tiến nói.

Hiện nay, em Ly Xuân Tiến đang học ngành Sư phạm Tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc nuôi ước mơ làm thầy giáo về Hà Giang dạy học. Ảnh: Công Tiến
Hiện nay, em Ly Xuân Tiến đang học ngành Sư phạm Tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc nuôi ước mơ làm thầy giáo về Hà Giang dạy học. Ảnh: Công Tiến

Xa gia đình khi mới hơn 10 tuổi đã rèn cho Tiến trở thành một nam sinh mạnh mẽ, sống tự lập và rất tình cảm với thầy cô, bạn bè.

Tiến nói: “Kí túc xá có mình em là con trai vì vậy em thường góp gạo nấu cơm ăn chung với các bạn nữ ở cùng kí túc xá cho vui và đỡ tốn kém”.

Vì, học tập dưới xuôi sẽ không tránh khỏi sự tốn kém từ nhiều khoản chi phí như thuê kí túc xá, tiền điện, tiền nước…

Em Tiến có chia sẻ thêm: “Mỗi tháng em được gia đình chu cấp 2 triệu đồng phục vụ cho việc học tập và chi tiêu trong cuộc sống, cũng chỉ tạm đủ tiêu, mua giáo trình và đóng tiền học anh ạ.

Ngoài thời gian học trên lớp em có đi làm thêm thợ sơn, mỗi buổi làm thêm cũng được 100 - 200 nghìn đồng.

Tiền làm thêm em cũng chỉ dùng vào việc mua thêm sách tham khảo để đọc những ngày nghỉ cuối tuần không về quê”. 

Ước mơ đi học là để về cống hiến cho quê hương

Mỗi người có một ước mơ riêng của mình. Ước mơ là hoài bão, khát vọng, điều tốt đẹp mà mỗi người chúng ta đều muốn đạt được. Ước mơ không phải để ấp ủ, mà là để thực hiện!

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về ước mơ và con đường hiện thực hiện giấc mơ, Tiến nói:

Nam sinh dân tộc Pu Péo vượt sơn nguyên đi học chữ nuôi ước mơ làm thầy ảnh 4Ngưỡng mộ nữ sinh dân tộc Si La vượt dòng Đà Giang về thủ đô học đại học

Riêng em, em muốn trở thành một giáo viên giỏi. Bởi vì chính thầy cô là những người đã đem lại cho em kiến thức như ngày hôm nay.

Quê em vẫn còn nghèo và nhiều khó khăn lắm, điều kiện học tập của học sinh cũng không được tốt được như các bạn dưới xuôi. 

Học xong em muốn tương lai được giáo viên, là người cung cấp tri thức cho học sinh dân tộc quê em, được là người dẫn dắt học trò bước đi trên con đường dẫn đến thành công.

Bố em hiện đang là giáo viên và em cũng muốn như vậy để tiếp nối nghiệp bố mình. Hơn nữa nghề giáo viên là một nghề rất cao quý và được xã hội rất quý trọng.

Ngoài thời gian học trên giảng đường em cũng tranh thủ học trên thư viện và tự học ở ký túc xá”, Tiến nói.

Người xưa có câu dạy rằng: Một người bác sĩ khi sai lầm có thể làm chết một người. Nhưng một người giáo viên nếu sai lầm sẽ làm chết cả một thế hệ.

Nhiệm vụ của giáo viên là cung cấp tri thức cho mọi người chứ không phải là tàn phá một thế hệ con người.

Một giáo viên tốt sẽ đào tạo ra được những học sinh tốt và ngược lại. Nhưng để làm được điều đó không phải đơn giản, nó đòi hỏi phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài.

Công Tiến