Ngày 18/4, Điện Kremlin thông báo Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có chuyến thăm Nga vào cuối tháng 4 và gặp Tổng thống Vladimir Putin.
Dù thông báo không nêu cụ thể thời gian và địa điểm, nhưng truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo sẽ được tổ chức tại vùng Viễn Đông.
Lâu nay, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ kỳ vọng gặp gỡ với Chủ tịch Kim Jong-un.
Thượng đỉnh giữa ông Vladimir Putin và ông Kim Jong-un có thể sớm diễn ra? (Nguồn: Asia Nikkei). |
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ thảo luận về phát triển quan hệ song phương và các vấn đề khu vực.
“Nga sẵn sàng làm mọi thứ để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ở mức tốt nhất có thể”, ông Peskov nhấn mạnh.
Nếu diễn ra theo kế hoạch, đây sẽ là lần gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều gần nhất diễn ra hồi tháng 8/2011, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Il, cha của ông Kim Jong-un, đến Siberia để gặp Tổng thống Nga lúc đó Dmitry Medvedev.
Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ giúp nước này cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc và nâng cao hình ảnh của Triều Tiên trên trường quốc tế.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Putin đã bày tỏ mong muốn được cải thiện quan hệ song phương Nga-Triều.
Năm 2000, trên đường đi dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Okinawa, ông Putin đã đến thăm Bình Nhưỡng.
Năm 2001, nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ, Kim Jong-Il đã thực hiện chuyến thăm chính thức đến Moscow và tiếp tục thăm các khu vực biên giới ở vùng Viễn Đông của Nga vào năm 2011.
Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Triều Tiên đối với nước láng giềng từng rất thân thiết với mình trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong khi hợp tác quân sự Nga-Triều đang bị đóng băng do lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Moscow cung cấp lương thực và hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Hiện tại, có hàng vạn công nhân Triều Tiên đang làm việc ở các khu vực Viễn Đông thưa thớt dân cư của Nga.
Tuy nhiên, lao động Triều Tiên ở Nga đã giảm từ 30.000 xuống còn 10.000 vào năm ngoái.
Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Triều Tiên đang phải đối mặt với khó khăn dự trữ ngoại hối.
Do đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tới đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất có thể sẽ đề nghị Nga hỗ trợ và tạo điều kiện cấp phép cho các lao động Triều Tiên.
Những khoản nợ trước đây của Triều Tiên dưới thời Liên bang Xô-viết đã được Nga xóa bỏ, nhưng các nỗ lực mở rộng hợp tác của hai bên vẫn chưa được như kỳ vọng.
Trong thời gian qua, Moscow mong muốn xây dựng đường sắt xuyên bán đảo Triều Tiên, đường ống dẫn khí đốt và các nhà máy điện nhằm giúp Nga tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. Tuy nhiên, gần như không có tiến triển nào đối với các dự án này.
Nga đã nhiều lần bày tỏ các lệnh cấm vận nhằm vào Triều Tiên nên được xem xét nới lỏng, giúp đất nước này có thêm cơ hội phát triển kinh tế.
Do lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, kim ngạch thương mại song phương Nga-Triều đã giảm từ 78 triệu đô-la Mỹ năm 2017 xuống còn 34 triệu đô-la Mỹ năm 2018.
Nga hy vọng được tiếp cận nhiều hơn đối với nguồn tài nguyên, trong đó có các kim loại thô của Triều Tiên trong khi Triều Tiên cần nguồn cung cấp điện năng của Nga và mong muốn thu hút đầu tư của Nga để hiện đại hóa các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng thiết yếu vốn được xây dựng từ thời Xô-viết.
Một điều quan trọng không thể không nhắc tới là cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong-un với Vladimir Putin có thể sẽ giúp cho Triều Tiên có thêm các lựa chọn trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân với Mỹ.
Đặc biệt, trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân Mỹ-Triều đang rơi vào bế tắc sau khi Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 kết thúc mà không thu được kết quả nào.
Nga bày tỏ ủng hộ đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoài ra, khác với Mỹ, Moscow cho rằng lựa chọn phù hợp nhất là các bên tiến hành dỡ bỏ lệnh trừng phạt theo từng giai đoạn để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Hơn nữa, ngoài Trung Quốc, Triều Tiên được cho là đang nhận được viện trợ tích cực của Nga để đối phó với các lệnh trừng phạt.
Mặc dù cách tiếp cận của Nga trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được cho là còn hạn chế.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Nga đã từng tham gia có hiệu quả vào đàm phán 6 bên do Trung Quốc dẫn dắt để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy đảm bảo an ninh và viện trợ.
Với Triều Tiên, Nga và Trung Quốc có lẽ giữ vai trò rất quan trọng để giúp Bình Nhưỡng có cách tiếp cận phù hợp hơn trong quá trình đàm phán phi hạt nhân.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.asiatimes.com/2019/04/article/kim-putin-summit-north-koreas-pivot-to-russia/
2. https://thediplomat.com/2019/04/its-official-kim-jong-un-is-heading-to-russia/
3. https://www.japantimes.co.jp/news/2019/04/22/asia-pacific/north-koreas-kim-heads-russia-revive-old-friendship/#.XL3ZjYkzbIU
4. https://www.vietnamplus.vn/nga-va-trieu-tien-xuc-tien-chuan-bi-hoi-nghi-thuong-dinh/565531.vnp