Phụ huynh hoang mang trước chất lượng bữa ăn học đường
Ngày 23/04/2019, Ủy ban Nhân dân Quận Hoàng Mai đã công bố kết quả xét nghiệm từ 35kg thịt gà có mùi lạ tại trường Tiểu học Chu Văn An.
Theo đó các mẫu thịt gà này cho kết quả: Đạt yêu cầu
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang và băn khoăn với kết quả giám định trên.
Chị L.T.N có con đang học tại trường Tiểu học Chu Văn An cho biết:
"Qua báo chí tôi biết được kết quả xét nghiệm đã được công bố.
Bản thân là phụ huynh có con ăn bán trú tại trường tôi lấy làm lo lắng và cảm thấy không thỏa đáng.
Vì đây không phải là lần đầu tiên trường bị phản ánh về những việc như trên.
Chúng tôi mong chờ nhiều hơn từ kết luận của các cơ quan chức năng".
Theo chị N. nhiều phụ huynh quyết định dừng việc cho con ăn bán trú tại trường vì lo ngại điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị N. Bộc bạch:
"Nhiều phụ huynh tâm sự với tôi họ sẽ dừng việc cho con ăn ở trường vì lo ngại chất lượng của thực phẩm. Con mình mình chăm không tốt hơn hay sao mà phải để họ chăm".
Chung tâm tư với nhiều phụ huynh tại Hà Nội, các gia đình cũng bắt đầu quan tâm hơn đến chất lượng bữa ăn học đường.
Sau nhiều vụ việc báo chí phản ánh các phụ huynh mới lờ mờ hiểu về bản chất của các bữa ăn học đường kém chất lượng.
Phụ huynh tin vào nhà trường, tin vào các cơ quan quản lý và cho rằng việc làm ẩu, cung cấp thực phẩm kém chất lượng bắt nguồn từ những đơn vị cung cấp thực phẩm trường học. Điều này đúng nhưng chưa đủ.
Vậy ai là người cho phép các công ty thực phẩm đưa thực phẩm vào trường học? Ai là người trực tiếp kiểm tra và chế biến các món ăn? Đó chẳng phải đến từ Phòng giáo dục, các hiệu trưởng và nhà bếp hay sao?
Như vậy thì làm gì có chuyện các trường không biết chất lượng thực phẩm đưa vào trong trường học?
Tuy nhiên đa phần các vụ việc thực phẩm kém chất lượng được đưa vào trường học lại được phát hiện bởi các phụ huynh hoặc sau khi đã xảy ra sự cố nghiêm trọng như ngộ độc, miệng nôn trôn tháo...
Các phụ huynh hãy nghe những lời giải thích của một công ty chuyên cung cấp thực phẩm trong trường học để hiểu rõ vấn đề:
"Như công ty nọ muốn đưa thực phẩm vào trường học thì phải làm luật cho những người có trách nhiệm ở trên vài ba chục triệu 1 "cửa".
Xuống trường thì Hiệu trường chiết khấu từ 10-15% tổng giá trị đơn hàng. Sau đó Hiệu trưởng chia cho ai đó là việc của trường.
Hôm trước có một "sếp" Quận còn hỏi năm nay chị không đi nữa à? (đi phong bì).
Thế nên mới có chuyện bó rau, quả trứng ngoài chợ chỉ có giá 2.000 đồng nhưng khi đưa vào trường học lại thành 4.000 đồng.
Một trường chị quen không làm luật nó đánh cho ù tai. Nó đánh bằng cách không cho mình nhập thực phẩm vào trường.
Các công ty kiểu này không chỉ cung cấp thực phẩm mà còn đưa đủ các mặt hàng từ chổi cùn, rế rách..."
Trở lại với câu chuyện chất lượng bữa ăn bán trú, nhiều phụ huynh đã quan tâm và thận trọng hơn với nguồn thực phẩm của các trường.
Mực ngâm hóa chất, sau đó được đưa vào sau cánh cổng trường học (Ảnh: Vũ Ninh) |
Chị Lưu Hoài Lan, phụ huynh tại Hà Nội cho biết: Sau những vụ ồn ào về thực phẩm và ngộ độc trong trường học, chị đã quyết định cho con ăn ở nhà:
"Trước đây gia đình tôi rất băn khoăn không biết có nên cho con ăn ở trường nữa không vì lo ngại chất lượng của thực phẩm.
Thời gian trở lại đây gia đình quyết định cho con ăn ở nhà. Mặc dù hơi mất công đưa đi đón về nhưng chúng tôi tin rằng đấy là điều đúng đắn vì sức khỏe của con".
Theo nhiều phụ huynh các trường muốn lấy lại niềm tin của họ thì phải chứng minh được nguồn gốc thực phẩm là an toàn.
Thứ hai: Quy trình đấu thầu cũng phải công khai để phụ huynh có thể tham gia giám sát, phản biện vì họ là người đóng tiền và người chịu ảnh hưởng trực tiếp là sức khỏe của con em họ.
Thứ ba: Phụ huynh được giám sát và kiểm tra nguồn thực phẩm đưa vào các trường bất kể lúc nào. Việc giám sát hiện nay rất khó nếu có thì thủ tục cũng rất phức tạp.
Chị Lan trăn trở: "Có một nghịch lý phụ huynh là người đóng tiền ăn cho con nhưng lại không hề biết con mình được ăn gì? Họ cho ăn gì thì con ăn cái đấy.
Phụ huynh không biết nguồn gốc thực phẩm ở đâu, quy trình chế biến như thế nào. Trong khi tiền thì do chúng tôi đóng".
Những con chuột béo trong hũ gạo học sinh
Vì sao bất chất đạo đức và pháp luật nhiều công ty vẫn đẩy mạnh cung cấp thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vào trong trường học?
Câu trả lời của một đầu mối cung cấp thực phẩm vào trường học như sau:
"Lợi nhuận trong lĩnh vực này quá lớn, khổng lồ. Bây giờ làm thực phẩm là nhanh có lãi nhất vì không ai là không cần ăn, nhất là đối với các trường bán trú.
Có những thời điểm thu nhập tỷ hơn tỷ kém là chuyện hết sức bình thường.
Vì vậy dù người ta biết là làm sai, làm vậy là thất đức nhưng người ta vẫn sẽ làm. Miếng cơm có ai bỏ đi được đâu, nhất là miếng cơm béo bở như thế này".
Lý giải về chất lượng thực phẩm đưa vào trường học, chị T.V.A một đầu mối cung cấp thực phẩm ở chợ Long Biên cho biết:
"Cái này dễ hiểu thôi! Các công ty phải lo lót và làm luật quá nhiều nên phần tiền đấy họ buộc phải nhập thực phẩm giá rẻ vào chứ không họ lỗ chổng vó à?
Chẳng có ai đi kinh doanh chấp nhận mình lỗ cả. Do đó nếu tiền thực phẩm đáng ra là 10 đồng thì họ đã mất 4 đồng tiền làm luật, chạy chọt.
Thì họ chỉ nhập thực phẩm đáng giá 3 đồng thôi. Mà thực phẩm 3 đồng sao bằng thực phẩm 10 đồng được. Đó là lý do vì sao nhiều cháu bị ngộ độc đến thế.
Có công ty từng nhập 300 tấn mực tàu cho các cháu ăn, tội các cháu. Phụ huynh ý kiến thì bữa sau nó đưa mực ta nhưng lại là mực thối đã qua tẩy rửa, làm trắng".
Chị V.A. bóc mẽ đường dây và những con chuột béo đang nằm phơi bụng trong những hũ gạo của học sinh.
"Các công ty muốn cung cấp thực phẩm vào trong trường học cần phải chạy giấy tờ, hồ sơ năng lực trước khi đi chào hàng.
Như vậy ông ăn tiền đầu tiên là các cơ quan có thẩm quyền như Phòng chức năng cấp giấy đủ điều kiện thành lập cơ sở cung cấp thực phẩm. Mua giấy của lò mổ, mua giấy chứng nhận thực phẩm an toàn.
Sau đó để chào hàng các trường thì phải thông qua Phòng, Quận, các Hiệu trưởng.
Trong trường thì quản lý nhà bếp, bếp trưởng, kế toán. Cho nên nó hình thành một cái đường dây rất khủng khiếp và sẵn sàng làm bậy bao che cho nhau".
Theo các miêu tả của chị V. A. thì trong các bữa ăn học đường, những đứa trẻ phải gánh trên vai rất nhiều “ông to”, “ông nhỏ”.
Khi xảy ra sự cố ai sẽ là người chịu trách nhiệm với một cái dây liên đới lằng nhằng như thế kia?
Chị V.A. cho biết: "Nhiều người liên quan tức là ai cũng liên quan. Ai cũng liên quan thì không ai phải chịu trách nhiệm cả. Vì họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Phòng sẽ đẩy trách nhiệm cho trường, trường đẩy trách nhiệm cho bếp, bếp đẩy trách nhiệm cho công ty cung cấp thực phẩm. Cuối cùng đem đi xét nghiệm toàn kết luận là an toàn, đủ điều kiện.
Như vậy là hòa cả làng. Để ý những vụ thực phẩm bị trong trường học bị phát giác chẳng có mấy vụ xử lý đến nơi đến chốn.
Vì cái sai ở đây là sai của hệ thống từ trên xuống dưới, ông nọ đùn đẩy trách nhiệm cho ông kia. Cuối cùng người chịu thiệt thòi là các em học sinh, phụ huynh".
Mảng thực phẩm trường học được ví như một chiến trường các công ty tranh giành nhau rất ác liệt.
Để có thể trúng thầu một là phải có mối quan hệ với những người có đủ thẩm quyền, hai là bỏ thầu thấp kèm theo đó là mức chiết khấu cao, quà cáp hậu hĩnh cho hiệu trưởng, trưởng phòng, phó phòng.
Vấn đề thực phẩm trong trường học ai cũng biết nhưng vì lợi nhuận sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của con trẻ thì thực sự là thất đức lắm! Điều này đúng với nhận định của chị V.A:
"Tôi có nói chuyện với một ông anh, có dẫn chứng các vụ ngộ độc thực phẩm. Tôi nhắc anh làm bài bản đi.
Ông anh tôi nói thực tế nó vẫn tồn tại rồi đâu lại vào đấy hết. Các công ty lớn còn làm ăn sai thì lấy đâu các công ty nhỏ làm ăn tử tế".
Bữa cơm học đường như thế này, các phụ huynh đoán xem nó đáng giá bao nhiêu? (Ảnh: Vũ Ninh) |
Để giải quyết triệt để vấn nạn như ung nhọt này cần có sự mạnh tay của các cơ quan chức năng, xã hội, nhà trường và các phụ huynh.
Nên xử một vài công ty làm ăn láo để làm gương cho người khác và cần thay đổi cơ chế giám sát thực phẩm trong các trường.
Tại sao nhiều trường tư vấn đề thực phẩm được bảo đảm rất tốt? Một phần dựa trên mối quan hệ khách hàng- nhà trường, điều mà nhiều trường công không có được.
Phụ huynh là người đóng tiền thì họ phải được giám sát những thứ con họ đưa vào miệng, giám sát chất lượng thực phẩm.
Nếu trường học làm sai quy định họ có quyền phản ứng và nhà trường phải thay đổi.
Trong khi đó tại nhiều trường, phụ huynh không thể biết con cái mình ăn gì? Nhà trường cho học sinh ăn cái gì thì học sinh ăn cái đấy.
Việc giám sát cũng rất khó, thủ tục lằng nhằng nên các gia đình không thể biết trong các bếp ăn trường học đang diễn ra điều gì?
Cuối cùng trách nhiệm và lương tâm của người lớn là nhân tố quan trọng và quyết định.
Nếu từ trên xuống dưới làm ăn chuẩn chỉ, trách nhiệm và đặt lợi ích của con trẻ lên hàng đầu thì chắc chắn sẽ không xảy ra những vụ việc ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Nếu không với tình trạng như hiện nay, cả xã hội biết và lên án cũng không đẩy lùi được vấn nạn đưa thực phẩm kém chất lượng vào trường học.
Đến khi nào những học sinh mới không phải gánh người nọ, người kia trên vai? Một bữa ăn nhỏ bé mà bị cắt xén vì ông này, ông khác.
Chỉ khi nào lương tâm của người lớn trỗi dậy thì may ra con trẻ mới được ăn một bữa ngon lành và an toàn.