LTS: Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Đại tá Đặng Việt Thủy chia sẻ bài viết về những sự kiện không thể lãng quên liên quan đến tuyến đường lịch sử này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tháng 1 năm 1959
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, họp tại Hà Nội, hội nghị xác định:
Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến; trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng.
Nghị quyết còn chỉ ra phương hướng xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang hai miền Nam - Bắc, giao nhiệm vụ cho quân đội chủ động chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình cách mạng.
Tháng 2 năm 1959
Tổng Quân ủy họp bàn những nhiệm vụ cấp thiết về xây dựng lực lượng vũ trang ở miền Nam, phát huy vai trò của miền Bắc đối với miền Nam, chuẩn bị cho lực lượng vũ trang cả nước sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của địch.
Ngày 5/5/1959
Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục phó Cục Nông trường tổ chức "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng.
Bộ đội dừng chân trên một đoạn đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh ở Quảng Bình (Ảnh tư liệu) |
Ngày 19/5/1959
Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở Đường Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam.
Trong năm 1959, Đoàn có nhiệm vụ soi đường bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5 (gồm 7.000 súng bộ binh), tổ chức bảo đảm cho 500 cán bộ trung cấp, sơ cấp hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.
Tháng 6 năm 1959
Đồng chí Võ Bẩm, Đoàn trưởng vào Hồ Xá, Vĩnh Linh chủ trì cuộc họp bàn cụ thể việc mở đường vào Nam với một số cán bộ Khu 5, tỉnh Quảng Trị và đặc khu Vĩnh Linh.
Sau hội nghị Hồ Xá, Đoàn 559 tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến. Đoàn 559 quyết định mở tuyến hành lang bắt đầu từ Khe Hó (Vĩnh Linh) phát triển về hướng Tây Nam, đây chính là điểm xuất phát cho đường giao liên, vận tải của "Đoàn công tác quân sự đặc biệt".
Tiểu đoàn vận tải 301 - đơn vị vận tải đầu tiên của "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" được thành lập. Tiểu đoàn biên chế 440 cán bộ, chiến sĩ.
Ngày 13/8/1959
Chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn, với quyết tâm giành thắng lợi trận đầu, cán bộ, chiến sĩ các cung, trạm đã không quản núi cao, suối sâu, đêm tối quyết tâm đưa hàng tới đích.
Sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên đã được Tiểu đoàn 301 chuyến đến Tà Riệp bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn.
Ngày 12/9/1959
Dấu ấn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại |
Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Nhiệm vụ của Đoàn là: Tổ chức mở đường giao thông, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn, đưa đón cán bộ, bộ đội hành quân vào chiến trường.
Cuối năm 1960
Đại diện Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhất trí mở đường 559 phía Tây Trường Sơn qua lãnh thổ Lào.
Tháng 5 năm 1961
Đoàn 559 cùng với công binh Quân khu 4 mở đường sang Tây Trường Sơn, nối đường 12 vào đường 9 gọi là đường 129.
Đoàn không quân 919 thực hiện vận chuyển chuyến hàng đầu tiên. Có 12 chiếc IL2, mỗi chiếc chở từ 2 đến 2,5 tấn hàng, thả dù xuống sân bay Thà Khống.
Tháng 11 năm 1961
Sáp nhập "Đường dây thống nhất" vào Đoàn 559.
Ngày 24/11/1964
Bộ Quốc phòng ra quyết định số 16/QĐ chuyển Đoàn 559 về trực thuộc Tổng cục Hậu cần.
Năm 1964
Hải quân sử dụng 88 chuyến tàu vận chuyển được hơn 4.000 tấn vũ khí vào chiến trường Khu 5 và Nam Bộ.
Không quân Mỹ thực hiện kế hoạch 34A, ném bom ngăn chặn tuyến vận tải quân sự chiến lược 559, các chân hàng 559 bị đánh phá dữ dội.
Tháng 2 năm 1965
Khởi công xây dựng đường 6B từ Sầm Nưa đi Bản Ban dài 162 km, đến đầu mùa khô năm 1966 đường hoàn thành.
Ngày 3/4/1965
Quân ủy Trung ương quyết định nâng quy mô Đoàn 559 lên tương đương cấp quân khu, trực thuộc Bộ Quốc phòng; quyết định chuyển từ phương thức vận chuyển thô sơ lên vận tài bằng cơ giới trên tuyến 559.
Ngày 24/7/1965
Tiểu đoàn cao xạ 20 bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên trên tuyến.
Ngày 25/10/1965
Đoàn ô tô đầu tiên chở hàng vào chiến trường, mở đầu giai đoạn vận tải cơ giới trên tuyến 559.
Tháng 12 năm 1965
Đất nước luôn ghi nhớ chiến công của các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa |
Đường 20 được nối với đường 128 - đường cơ giới chính thức nối liền từ Đông sang Tây Trường Sơn.
Ngày 18/10/1966
Quân ủy Trung ương phê chuẩn việc chuyển Ban đại diện Tổng cục Hậu cần phía Nam thành Tổng cục Hậu cần tiền phương.
Đại tá Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp chỉ huy Tổng cục Hậu cần tiền phương, kiêm Tư lệnh Đoàn 559.
Tất cả hoạt động vận tải, bảo đảm giao thông từ nam Vĩnh Thủy đến Vĩnh Linh và tuyến 559 đều đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng cục Hậu cần tiền phương.
Ngày 1/5/1967
Quốc hội quyết định tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đoàn 559.
Tháng 12 năm 1967
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện vào kiểm tra tuyến 559, chỉ thị tổ chức lại cung đoạn vận chuyển, nâng chiều dài mỗi cung lên 100-120 km, bảo đảm xe có thể chạy 2 chuyến/ đêm; tốc độ bình quân 20 km/giờ.
Ngày 20/4/1968
Khởi công xây dựng đoạn đường ống dẫn dầu đầu tiên từ Vinh đến Nga Lộc (Can Lộc) dài 48 km.
Tháng 10 năm 1968
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Đoàn 500 thay thế cho Tổng cục Hậu cần tiền phương. Đoàn 500 có nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên địa bàn Quân khu 4, lập chân hàng cho Đoàn 559.
Tháng 12 năm 1968
Không quân Mỹ mở chiến dịch đánh phá ác liệt các trọng điểm Seng Phan, Ta Lê, Cua chữ A, đèo Phu La Nhích...
Tháng 1 năm 1969
Đoàn 559 phối hợp với Đoàn 500 mở một loạt đường vòng tránh gồm: 20D, 20E, 206, 20C. Các binh trạm trên tuyến đều mở đường vòng tránh qua trọng điểm của mình.
Cũng trong tháng 1 năm 1969, toàn tuyến bắn rơi 91 máy bay địch, trong đó có 50 chiếc rơi tại chỗ. Nhiều đơn vị phòng không được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh biểu dương là đơn vị đánh giỏi bắn trúng.
Ngày 3/3/1969
Dấu ấn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại |
Hoàn thành thi công tuyến đường ống xăng dầu dài 350 km từ Vinh vượt Trường Sơn vào Ka Vát.
Ngày 9/3/1969
Đường ống xăng dầu trên tuyến 559 chính thức vận hành.
Tháng 8/1969
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lẵng hoa tặng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559.
Tháng 4 năm 1970
Thành lập Sư đoàn 470 với nhiệm vụ: Trực tiếp chỉ huy các binh trạm phía nam tuyến 559, tổ chức khai thác hậu cần tại chỗ, đáp ứng yêu cầu chi viện của Nam Bộ, Tây Nguyên và Campuchia.
Tháng 11 năm 1970
Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 176/QP-QĐ đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Quân ủy Trung ương.
Ngày 3/3/1971
Toàn tuyến bắn rơi 16 chiếc máy bay Mỹ.
Ngày 5/3/1971
Toàn tuyến bắn rơi 40 máy bay Mỹ.
Ngày 15/5/1971
Để đối phó với máy bay AC130 của địch, Bộ Tư lệnh Trường Sơn huy động toàn bộ lực lượng công binh và thanh niên xung phong tập trung mở đường kín.
Sau 7 tháng lao động đã hoàn thành tuyến đường kín dài 1.000 km chạy dọc tuyến từ cửa khẩu đường 18 đến đường 19 (Đông Bắc Campuchia).
Tháng 9 năm 1971
Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng phê chuẩn kiến nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức các sư đoàn khu vực: 471, 472, 473, 571. Quy hoạch toàn tuyến thành sáu khu vực.
Tháng 10 năm 1971
Chuẩn bị cho hướng tiến công Tây Nguyên năm 1972, Bộ đội Trường Sơn đã mở thêm nhiều đường chiến dịch với tổng chiều dài trên 508 km nối từ trục đường chiến lược 128 sang hướng Đông Trường Sơn.
Tháng 1 năm 1972
Lực lượng công binh mở 150 km đường từ Đông Bắc Campuchia và mở mạng đường từ đông bắc đường 13 về phía Lộc Ninh. Đến tháng 3 đường hoàn thành. Lần đầu tiên xe tăng và xe kéo pháo đến được chiến trường Đông Nam Bộ.
Tháng 2 năm 1973
Công binh và thanh niên xung phong triển khai nâng cấp cải tạo 990 km đường Tây Trường Sơn và mở 499 km tuyến Đông Trường Sơn.
Tháng 2 năm 1973
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn thăm Bộ đội Trường Sơn. Đồng chí đã trang trọng viết vào cuốn "Sổ vàng truyền thống của Bộ đội Trường Sơn":
"Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc ba nước Đông Dương...
Quang vinh thay bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại...".
Ngày 12/7/1973
Thành lập Sư đoàn ô tô vận tải 571 với nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường và vận chuyển phục vụ xây dựng kinh tế ở vùng giải phóng. Sư đoàn được biên chế 4 trung đoàn ô tô vận tải với hơn 2.000 xe.
Ngày 17/11/1973
Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng tuyến vận tải chi viện chiến lược với nội dung: mở mới, nâng cấp tuyến Đông Trường Sơn dài 1.200 km từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Bù Gia Mập (Bình Phước) - cải tạo và nâng cấp tuyến Tây Trường Sơn gồm hai trục: một trục từ Phong Nha đi Plây Khốc dài 1.200 km, một trục từ Hướng Hóa đến Sa Ra Van dài 520 km.
Tháng 3 năm 1975
Đường ống dẫn dầu tới Bù Gia Mập, với chiều dài 1.311 km, gồm 50 kho cấp phát, cùng với hệ thống đường ống phía đông, đảm bảo cấp phát xăng dầu cho 800 xe/ngày.
Làm đường chiến dịch, vận tải, phục vụ hậu cần chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Ngày 26/3/1975
1.000 xe ô tô của Sư đoàn 571 nhận nhiệm vụ cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài.
Ngày 19 tháng 4 Quân đoàn 1 vào vị trí tập kết an toàn, vượt thời gian 6 ngày. Cùng thời gian này, Sư đoàn 571 còn cơ động Quân đoàn 3 trên đường Tây Trường Sơn và Quân đoàn 1 dọc theo quốc lộ 1.
Tháng 4 năm 1975
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tập trung lực lượng ô tô vận tải cơ động chiến lược 3 quân đoàn, 5 sư đoàn độc lập, 2 trung đoàn binh chủng gồm 114.000 cán bộ, chiến sĩ và khối lượng lớn trang bị kỹ thuật, bảo đảm giao thông 1.560 km trên quốc lộ 1 và các trục ngang khác; góp phần to lớn vào thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1999.
- Hỏi đáp về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.