Bom đạn, chất độc hoá học không ngăn được bước chân người lính

28/04/2019 06:09
Đại tá Đặng Việt Thuỷ
(GDVN) - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng ta và được hình thành bởi ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

LTS: Tiếp tục loạt bài viết về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tá Đặng Việt Thuỷ giới thiệu về quá trình xây dựng tuyến đường với sự thống nhất ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia được ký kết.

Sau hiệp định, để giữ vững liên lạc giữa hai miền, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta mới có một tuyến liên lạc ngang qua miền Tây Quảng Trị do Liên khu 5 phụ trách, chỉ đạo từ giới tuyến trở vào và Ủy ban Thống nhất Trung ương phụ trách từ giới tuyến trở ra.

Ủy ban Thống nhất Trung ương có Phòng Giao liên, thành lập năm 1956, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông liên lạc, vận chuyển giữa Trung ương và địa phương như đưa đón cán bộ ra, vào, vận chuyển thư từ, công văn, phương tiện, vật liệu từ Trung ương vào đến nam giới tuyến.

Con đường giao liên này từ Quảng Nam đến tây Trị - Thiên gọi là đường Thống nhất, mang mật danh "Quận 9".

Do phải đi dọc đường giáp ranh, địch đóng đồn bốt khá dày đặc nên một năm ta chỉ đi được một vài lần, chủ yếu là đưa cán bộ đi công tác.

Mỗi lần đi phải bí mật, móc nối cơ sở rất công phu. Địch thường xuyên tung nhiều toán biệt kích phục kích, lùng sục trên tuyến đường.

Giai đoạn đầu mở đường, bộ đội và dân quân chuyển tải vũ khí bằng sức người. Ảnh: Baovinhlong.com.vn
Giai đoạn đầu mở đường, bộ đội và dân quân chuyển tải vũ khí bằng sức người. Ảnh: Baovinhlong.com.vn 

Dân ở dọc tuyến đường rất thưa, có khi đi mấy ngày ròng rã trong một cung giao liên mà không có một làng bản nào.

Trục đường này ta không có căn cứ vững chắc, quá gần địch.

Con đường Thống nhất không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.

Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (mở rộng) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội, xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch ra mục tiêu và phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng về nhiệm vụ chi viện miền Nam, nhanh chóng mở đường vận chuyển chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Ngày 5 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm - nguyên Cục phó Cục Nông trường tổ chức "Đoàn công tác quân sự đặc biệt", sau được gọi là Đoàn 559, làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. 

Bom đạn, chất độc hoá học không ngăn được bước chân người lính ảnh 2Những sự kiện không thể lãng quên trên đường Trường Sơn lịch sử

Để tạo điều kiện cho tuyến vận tải quân sự chi viện cho miền Nam sớm bước vào hoạt động, ngày 6 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh chủ trì hội nghị liên tịch về việc xây dựng đường giao thông ở Quân khu 4.

Đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Bưu điện, Quân khu 4, tỉnh ủy Quảng Bình xác định quyết tâm thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về công tác xây dựng miền Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thành khu vực hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam và Hạ Lào; tích cực khẩn trương mở mang đường giao thông ở Quân khu 4.

Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559:

"Mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để chuyển nhân tài, vật lực vào, cùng đồng bào miền Nam đấu tranh giải phóng không để kẻ địch đánh hơi thấy mà chủ động ngăn chặn, gây khó khăn cho ta lớn hơn.

Con đường giao thông quân sự đặc biệt này phải được mở trong thời gian ngắn nhất...".

Việc tuyển chọn người nhất thiết chỉ chọn trong những anh em miền Nam tập kết. Vũ khí cũng chỉ chọn các loại vũ khí chiến lợi phẩm.

Phương châm hoạt động là: Tuyệt đối bí mật và an toàn. Đường dây thứ hai này do Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy trực tiếp phụ trách.

Năm 1959, Đoàn có nhiệm vụ soi đường, bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền miền Nam, vận chuyển gấp 7.000 súng bộ binh, tổ chức bảo đảm đưa 500 cán bộ trung cấp, sơ cấp hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.

Con đường đã được khai sinh đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, từ đây được mang tên đường Hồ Chí Minh.

Ngày 19 tháng 5 năm 1959 được xác định là ngày truyền thống của Đoàn 559.

Ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự Trường Sơn là một sáng tạo về chiến lược, thể hiện quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Bom đạn, chất độc hoá học không ngăn được bước chân người lính ảnh 3Dấu ấn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Sự ra đời của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn là một tất yếu lịch sử do thực tiễn đòi hỏi, phù hợp với yêu cầu của cách mạng, phù hợp với quy luật phát triển của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng ta và được hình thành bởi ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Mạch máu giao thông này đã đem sức mạnh to lớn của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa tiếp sức kịp thời, tăng nhanh thế và lực của kháng chiến cho miền Nam ruột thịt.

Nó còn minh chứng: hậu phương là một trong những nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh.

Nhân dân miền Bắc sẵn sàng gửi ra tiền tuyến mọi thứ cần thiết để phục vụ chiến đấu.

Lúc đầu, đường Hồ Chí Minh là con đường mòn đi dọc phía Đông dãy Trường Sơn, luồn lách qua hàng rào đồn bốt và sự đánh phá, ngăn chặn của Mỹ ngụy, với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".

Đó là con đường đi bộ và gùi thồ, vận chuyển vào Nam những thứ cần thiết, dẫu là chỉ một khẩu súng, một viên đạn, một lá thư.

Song con đường như vậy không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.

Nhu cầu chi viện ngày càng đòi hỏi cấp bách, trong khi đó việc mở tuyến vận tải cơ giới phía Đông Trường Sơn cũng bị địch ngăn cản. 

Được sự đồng ý của Trung ương Đảng bạn Lào, bộ đội ta phối hợp với quân, dân bạn ở Trung Lào và Hạ Lào đánh địch, giải phóng phần lãnh thổ dọc theo đường số 9 để mở đường vận tải cơ giới và đường giao liên phía Tây Trường Sơn.

Được Bộ tăng cường một số trung đoàn công binh, trung đoàn gùi thồ, một số xe vận tải...

Đoàn 559 đã "lật cánh" sang Tây Trường Sơn, mở đường trục dọc 128, điểm nối với đường 12 ở Na Phao (tỉnh Khăm Muộn, Lào) xuyên suốt Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, đến vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Bom đạn, chất độc hoá học không ngăn được bước chân người lính ảnh 4Đất nước luôn ghi nhớ chiến công của các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa

Đường giao liên hành quân bộ cũng mở theo tuyến đường ô tô nói trên, đến Áttapư (Lào) thì rẽ qua Tây Nguyên, đi men theo biên giới Việt Nam đến Lộc Ninh, có đoạn phải đi qua đất bạn Campuchia.

Riêng đường vận tải cơ giới, từ năm 1967 đến năm 1972 được nước bạn Campuchia cho mượn đường số 13 và đường sông Mê Kông từ ngã ba biên giới đến Lộc Ninh (miền Đông Nam Bộ).

Với quy mô, phạm vi cả Đông và Tây Trường Sơn, xuyên qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương, đường Hồ Chí Minh là khúc ruột nối các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc với các tuyến vận tải của các chiến trường ba nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững. 

Có thể nói, mọi giải pháp sáng tạo trong quá trình phát triển của Bộ đội Trường Sơn đều bắt nguồn từ tư tưởng tiến công, sự mưu trí, lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ các binh chủng trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến chi viện sáng tạo của Đảng mà còn là một chiến trường thử thách sức mạnh, ý chí của cả hai bên ta và đế quốc Mỹ.

Năm 1965, Mỹ thực hiện "chiến lược chiến tranh cục bộ" với hàng triệu quân Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiến trên cả ba nước Đông Dương.

Cùng với việc mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, việc ngăn chặn bằng được nguồn tiếp tế vật chất và binh lực từ Bắc vào Nam đã trở thành một mục tiêu chiến lược hàng đầu của đế quốc Mỹ.

Bất chấp bom đạn và chất độc hóa học, những đoàn xe vẫn tiến về miền Nam. Ảnh: Baovinhlong.com.vn
Bất chấp bom đạn và chất độc hóa học, những đoàn xe vẫn tiến về miền Nam. Ảnh: Baovinhlong.com.vn

Từ năm 1965 đến cuối năm 1971, chúng đã từng bước thực hiện chiến tranh ngăn chặn tổng hợp quyết liệt.

Đế quốc Mỹ sử dụng không quân hiện đại nhất, kể cả máy bay ném bom chiến lược B.52, sử dụng bom mìn hỗn hợp mới nhất, có uy lực mới nhất để đánh phá, ngăn chặn.

Đồng thời, chúng thả "cây điện tử nhiệt đới" có mạng ra đa cảm ứng bằng từ tính, bằng nhiệt độ... giúp máy bay phát hiện mục tiêu đánh phá.

Chúng còn gây mưa, mù nhân tạo, thả chất độc hóa học, hủy diệt rừng cây... để dễ phát hiện kho tàng, đường sá, làm lầy lội đường, gây bệnh tật hiểm nghèo cho con người...

Sau một thời gian dài đánh phá khốc liệt không đạt hiệu quả, đế quốc Mỹ chuyển sang sử dụng máy bay AC130 cải tiến, được trang bị hiện đại, tạo thành một loại "pháo đài trên không" để tập trung đánh phá vào đội hình xe vận tải, gây cho ta không ít khó khăn.

Khắc phục khó khăn này, ta đã dùng tên lửa, cao xạ có khí tài bắn hạ nhiều máy bay địch, mở đường kín cho xe chạy ban ngày, kết hợp với nghi binh, đã vô hiệu hóa được cách đánh mới nhất, hiểm độc nhất của Mỹ.

Bị thất bại trong đánh phá liên tục bằng không quân, đế quốc Mỹ ngoan cố huy động hàng chục vạn quân mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào dưới sự chỉ huy và yểm trợ trực tiếp của Mỹ về không quân, hậu cần, vũ khí với âm mưu tiến công chiếm đóng dọc đường 9, cả phía Đông và Tây Trường Sơn, cắt đứt hoàn toàn đường Hồ Chí Minh.

Nhưng tại chiến địa này, quân chủ lực của ta đã sẵn sàng đón đánh chúng, giành thắng lợi vang dội: tiêu diệt và đánh bại hoàn toàn đội quân chủ lực và tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn - lực lượng nòng cốt của chiến lược "Việt Nam hóa", "Khơ me hóa", "Lào hóa" chiến tranh.

Quân địch vô cùng kinh hoàng, chúng không thể ngờ nổi cả đông và tây đường 9, tuyến đường Hồ Chí Minh đã xây dựng thành căn cứ chiến lược trọng yếu với cơ sở vật chất dự trữ dồi dào, có các mạng đường giao thông, đường thông tin, đường ống dẫn xăng dầu dọc, ngang liên hoàn, đảm bảo tiếp tế hậu cần, cơ động binh lực, thỏa mãn yêu cầu của các quân, binh chủng.

Hơn thế, với mạng lưới cao xạ, tên lửa với nhiều tầng hỏa lực tập trung ở khắp mọi nơi của Bộ đội Trường Sơn và quân dân Việt - Lào khiến cho mục tiêu của Mỹ cắt đứt vĩnh viễn mạch máu tiếp viện Bắc - Nam của ta không thành; ngược lại, đường Hồ Chí Minh vẫn tồn tại và phát triển mạnh hơn bao giờ hết. 

Vượt lên sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù, "con đường huyền thoại" Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vẫn hiên ngang đứng vững và không ngừng lớn mạnh để những dòng người, dòng xe nối đuôi nhau ngày đêm ra trận.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đại quân ta với đại lộ, đại pháo, đại xa thần tốc, bí mật, bất ngờ, táo bạo tiến công "quét sạch quân thù như thể chẻ tre".

Tài lãnh đạo và tổ chức của Đảng, Bác Hồ và sức mạnh kỳ diệu của nhân dân cả nước đã làm nên chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975.

Khát vọng của bao lớp người đi trước, của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mãi là một sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng ta, là con đường thống nhất Bắc - Nam, con đường liên minh, đoàn kết chiến đấu thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương anh em, con đường xứng đáng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1999.

Hỏi đáp về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.

Đại tá Đặng Việt Thuỷ