Khi chuyến trực thăng cuối cùng chở tiểu đội thủy quân lục chiến Mỹ lặng lẽ cất cánh khỏi nóc Sứ quán Mỹ vào rạng sáng 30/04/1975, mơ ước cháy bỏng của dân tộc Việt Nam về một quốc gia thống nhất, độc lập đã thành hiện thực đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời:
“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Thế nhưng khi niềm vui và nụ cười chưa kịp tắt trên môi thì người Việt lại phải hứng chịu hai cuộc chiến đẫm máu tại hai đầu đất nước:
Chống bọn diệt chủng Khmer Đỏ phía biên giới Tây Nam và 60 vạn quân Trung Quốc xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc bắt đầu từ trung tuần tháng 2 năm 1979.
Dẫu phải đổ bao nhiêu máu xương thì người Việt vẫn là người chiến thắng.
Non sông gấm vóc này, dải đất hình chữ S ven Biển Đông này không bao giờ là nơi trú ngụ an toàn cho bọn xâm lược.
Gần nghìn năm trước, người Việt đã hùng hồn tuyên bố với thế giới:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư; Tiệt nhiên định phận tại thiên thư; Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm; Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
(dịch: Sông núi nước Nam vua Nam ở ; Rành rành định phận tại sách trời; Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm; Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).
Nghìn năm sau bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên đó, Hồ Chí Minh - người viết bản tuyên ngôn độc lập năm 1945, khai sinh nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - đã một lần nữa khẳng định:
“Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Sau ngày thống nhất 30/04/1975, dẫu tên nước có thay đổi từ “Việt Nam dân chủ cộng hòa” thành “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì cụm từ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” gắn với tên nước vẫn không thay đổi.
Mit tinh kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Ảnh minh hoạ: Baodansinh.vn |
Đích đến của Độc lập là Tự do và Hạnh phúc cho 53 dân tộc, cho gần 100 triệu người mang trong mình dòng máu Việt dù đang sinh sống tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Độc lập cho quốc gia mà dân tộc chưa được hưởng tự do, hạnh phúc không phải là nền độc lập mong muốn của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.
Chính vì thế sau cuộc chiến chống ngoại xâm, người Việt lại phải căng sức cho cuộc chiến chống nội xâm, một cuộc chiến không đổ máu nhưng sự tàn phá không khác gì thời chiến tranh giữ nước.
Không phải là bị bom rải thảm nhưng cả khu gang thép Thái Nguyên với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư đang dần biến thành sắt vụn, niềm tự hào của nền công nghiệp Việt Nam thời chiến tranh nay hoang tàn không khác gì phế tích.
Không phải bị ảnh hưởng bởi những “viên đạn bọc đường” từ bộ máy tuyên truyền của kẻ địch mà ngược lại, Chánh Thanh tra và hai người từng là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã bị bắt vì phạm tội.
Không phải là bị đối phương bắt giam trong chiến tranh mà ngược lại, hàng loạt tướng, tá quân đội và công an bị bỏ tù về tội tham nhũng…
Tổn thất về tài sản, nhân lực chưa phải là thứ tổn thất lớn nhất, mất mát lớn nhất mà người Việt hôm nay phải đối mặt là mất niềm tin vào chủ trương, đường lối, vào uy tín cán bộ lãnh đạo.
Toan tính lợi ích riêng, nhiều quốc gia, chính khách nợ Việt Nam một lời xin lỗi |
Thiên tài khoa học người Đức gốc Do Thái Albert Einstein từng viết:
“Ở đâu có ý chí, ở đó có đường đi” (nguyên văn tiếng Đức: Wo der Wille ist, da ist auch der Weg).
Người Việt luôn có ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ý chí độc lập, tự cường và vì thế luôn tìm ra con đường chiến thắng những kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á.
Thế nhưng làm sao để chiến thắng chính mình lại luôn là câu hỏi chưa có lời giải.
Một đất nước với diện tích hơn 320.000 km2, với dân số gần 100 triệu người không phải là nước nhỏ.
Một đất nước với truyền thống lịch sử hào hùng trải qua hàng nghìn năm không thể là quốc gia yếu.
Vậy nhưng vì sao chúng ta chưa thể chiến thắng giặc nội xâm?
Phải chăng mấy chục năm qua chúng ta quá tập trung vào làm ăn kinh tế mà quên đi nhân tố cốt lõi là giáo dục?
Phải chăng chúng ta đạng bị huyễn hoặc về câu chuyện trở thành con rồng châu Á mà quên đi những chuyện “nhỏ nhặt” sau lũy tre làng?
Người Việt, nhất là những cán bộ, đảng viên, những lãnh đạo cao cấp, bao nhiêu người biết đến câu nói nổi tiếng của Albert Einstein:
“Cuộc sống bình lặng, khiêm tốn mang lại nhiều hạnh phúc hơn là theo đuổi thành công với sự bất an luôn luôn đeo bám” (Nguyên văn: Stilles und bescheidenes Leben gibt mehr Glück als erfolgreiches Streben, verbunden mit beständiger Unruhe).
Tờ giấy in sẵn đặt trong phòng khách sạn Imperial Hotel Tokyo - nơi Einstein lưu trú trong chuyến thăm Nhật Bản năm 1922 - được ông sử dụng để viết câu nói này tặng cho cậu bé bồi bàn thay tiền hoa hồng đã được bán đấu giá với giá 1.560.000 đô la.
Người ta bỏ ra số tiền không tưởng để mua tờ giấy có bút tích của Einstein hay chỉ là sự trân trọng một tư tưởng đi trước thời đại?
Bút tích của Einstein được bán với giá 1.560.000 đô la (ảnh chưa rõ tác giả) |
Liệu câu nói có phải là gợi mở để những người hoạch định chính sách biết điều chúng ta đáng thiếu?
Không ít người ngày nay bị lợi ích vật chất cám dỗ, trở thành con tin của tiền tài danh vọng, ngoài chức danh lãnh đạo họ không thiếu bằng tiến sĩ hay học hàm giáo sư, phó giáo sư, nơi họ sống là những khu biệt thự đẳng cấp mà người dân không được tự ý ra vào.
Mục đích sống của họ là quyền lực, tiền tài và đôi khi còn là … “chân dài”.
Số khác bị xiềng xích bởi lợi ích phe nhóm, biến đất nước thành sân khấu để đóng vai “Chúa tể của các loài sâu” đã được nhân dân nhận diện.
Thế nhưng họ có thực sự hạnh phúc?
Nếu không thể đối diện với cuộc đời bằng tư cách Con Người mà là tư cách loài sâu thì làm sao có thể biết trên đầu là trời xanh và mặt đất đầy hoa trái.
Giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân là cuộc trường chinh vĩ đại kéo dài hàng nghìn năm của người Việt, cho đến hôm nay vẫn chưa kết thúc.
Nhận trách nhiệm lãnh đạo dân tộc trong một thế giới bất ổn, khi ý đồ thôn tính, khống chế nước Việt của các thế lực nước ngoài chưa bao giờ suy giảm, khi lòng dân ly tán đòi hỏi phải có người tài giỏi, dũng cảm và trước hết phải được toàn dân tin tưởng.
Cứ mỗi khi đất nước nguy nan thì anh hùng xuất hiện.
Chủ trương “đốt lò - thiêu củi” của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính là đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, chính là chủ trương sáng suốt trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí.
Có thể vẫn còn người hoài nghi sự thành công nhưng không thể phủ nhận, khi Đảng và Nhà nước có ý chí và quyết tâm chống nội xâm, đường đi nhất định sẽ thông suốt.
Núi cao ngăn thì dân sẽ phá đá mở đường, sông sâu ngăn thì dân sẽ đóng thuyền, bắc cầu, những kẻ muốn ngăn bước tiến của dân tộc vì lợi ích phe nhóm hay cá nhân hôm nay có thể vẫn nhởn nhơ nhưng ngày mai nhất định sẽ bị biến thành rác thải.
Giữa lúc dân chúng suy giảm niềm tin vào uy tín cán bộ, đảng viên, vào không ít chủ trương sai lầm trong làm ăn kinh tế, vào đường lối cán bộ, vào chính sách giáo dục,… thì cũng đã xuất hiện ánh sáng cuối đường hầm, đó là những gì mà Bộ Tham mưu đứng đầu là Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện.
Cùng với niềm vui ngày thống nhất, tin ông Nguyễn Phú Trọng bình phục và sớm trở lại làm việc cũng là tin tốt lành mà người viết tin rằng rất nhiều người đang mong đợi.
Đập tan mọi nhóm lợi ích dù chúng hùng mạnh thế nào đôi khi là công việc đau đớn vì phải xử lý chính đồng chí của mình, thậm chí là chính bản thân mình như lời ông Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri:
“Chống ngoại xâm đã khó, nhiều người bảo chống nội xâm càng khó, vì tự ta đánh vào ta”.
Điều này nhân dân hiểu và sẽ chờ đợi, tuy nhiên thời gian lại không đợi bất kỳ ai, việc phải làm hôm nay nếu để đến ngày mai có thể sẽ là quá trễ bởi sự vật không bao giờ đứng yên và cũng bởi cuộc sống con người luôn hữu hạn.