Đi trên biển mà khát nước, cứ mỗi lần ra khơi lại đau đáu nỗi lo thiếu nước ngọt ăn, uống, tắm giặt; hình ảnh đó ăn sâu vào tiềm thức của thầy giáo.
Tốt nghiệp Khoa cơ khí, Đại học Bách khoa, thành phố Hồ Chí Minh, Trần Thái Sơn được cấp học bổng học Thạc sĩ tại Đức. Tốt nghiệp, Trần Thái Sơn chọn về dạy tại Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu quê hương.
Được nhà trường hỗ trợ, ước mơ lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân của thầy giáo Sơn thành sự thật.
Cùng với các cộng sự của mình, trải qua bao khó khăn, thất bại; cùng những ngày tháng bám biển thực tế, đo, tìm số liệu, sản phẩm lọc nước biển thành nước ngọt đã được thương mại hóa, giá thành chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm nhập ngoại trên thị trường; thế nhưng có nhiều tính năng vượt trội như bền, nhỏ gọn, dễ lắp đặt, dễ sửa chữa bảo hành; đấu nối trực tiếp với máy tàu.
Đặc biệt, đã có 15 sản phẩm làm quà tặng các chiến sĩ nhà dàn DK, bộ đội Trường Sa.
Thầy Trần Thái Sơn (ở giữa) trong lễ phát thưởng cuộc thi khởi nghiệp. Ảnh do tác giả cung cấp |
Anh Nguyễn Văn Sắc, ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết:
“Máy lọc nước của thầy Sơn phù hợp điều kiện kinh tế, thực tế ở địa phương, dễ sử dụng; từ khi ráp máy đến nay, khỏi lo thiếu nước ngọt, mỗi chuyến biển tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền dầu; ra khơi còn có nước ngọt san sẻ cho người khác”.
Sản phẩm máy lọc nước biển của thầy Sơn đã đạt giải Ba, cuộc thi sáng tạo khoa học tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2014-2015; đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp năm 2018-2019.
Trước nhu cầu thực tế của ngư dân, thầy giáo trẻ cùng cộng sự đã bắt tay nghiên cứu đèn LED, đáp ứng nhu cầu đèn đánh cá cho tàu vươn khơi.
Sản phẩm đèn LED của thầy có nhiều ưu điểm vượt trội như rẻ, bền, tiết kiệm điện, khả năng thu hút thủy sản cao, năng suất đánh bắt tăng lên, được ngư dân tin dùng.
Sản phẩm đèn LED đã đạt giải Nhì cuộc thi khoa học VIFOTEC năm 2014-2015; giải Nhì khởi nghiệp năm 2016-2017 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phát biểu cảm nghĩ về thầy giáo của mình, em Lương Đình Phúc, sinh viên Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu nói:
“Thầy Sơn là giảng viên đầy nhiệt huyết với nghề, với học trò.
Bài giảng của thầy gắn với thực tế, dễ hiểu, tạo động lực cho chúng em học tập, nghiên cứu”.
Tâm sự, thầy Sơn nói: “Em nối nghiệp nghề giáo vì quá yêu nhiều thầy cô giáo cũ; dạy kĩ thuật mà không gắn thực tế, chỉ nói suông, sinh viên khó hiểu.
Muốn vậy mình phải tiên phong nghiên cứu làm gương; đáp ứng nhu cầu mới, cũng phải dạy học trò khởi nghiệp.
Ngoài lợi ích kinh tế đem lại, mình cũng cần có trách nhiệm với cộng đồng, mình làm vậy, mới mong học trò ra trường noi gương, xây dựng quê hương, sống có trách nhiệm.
Việc em đã làm, cũng chưa có gì đáng so với người khác; cũng nhờ sự giúp đỡ của nhà trường, đồng nghiệp, em rất cảm ơn mọi người đã ủng hộ, sẻ chia khó khăn”.
Thầy Trần Thái Sơn đang cùng các cộng sự ấp ủ dự án cải tạo nước thải cho các nhà máy chế biến thủy sản trên địa phương, góp phần bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, quy trình vận chuyển, sản xuất nước đá bảo quản cá trên tàu cũng đang được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm giúp đỡ ngư dân tiết kiệm sức lực, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi.
Nghiên cứu, áp dụng khoa học kĩ thuật vào cuộc sống; nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là điều mơ ước của thầy giáo trẻ Trần Thái Sơn.
Mong giáo dục chúng ta có nhiều thầy giáo như thế, học đi đôi với hành, đem lại động lực cho học trò.