Trong văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa quân sự nói riêng, nghệ thuật cho đến nghệ thuật quân sự bao giờ cũng là những gương mặt rực rỡ. Chúng đã góp phần không nhỏ xây dựng cho người Việt Nam có được một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bàn đến nghệ thuật quân sự, trước hết là bàn đến chủ trương chiến lược. Nghiên cứu chiến lược Điện Biên Phủ, không thể không bàn rộng đến kế hoạch chiến lược của địch và chủ trương chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953-1954.
Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN |
Vấn đề này nổi bật lên hai điểm: Một là, ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược. Kế hoạch của chúng nguyên là tập trung binh lực, tăng cường lực lượng cơ động chiến lược nhằm giành lại quyền chủ động, thực hiện một loạt kế hoạch tiến công, chuẩn bị một trận quyết chiến chiến lược trên một chiến trường do chúng lựa chọn.
Biết rõ âm mưu đó, ta đã sử dụng một bộ phận quân chủ lực mở cuộc tiến công vào những hướng hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, làm thất bại ý đồ chiến lược, chủ yếu, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của chúng, tiến tới làm phá sản kế hoạch Navarre.
Hai là, ta đã tạo nên tình thế, buộc địch phải ném chủ lực xuống cánh đồng Điện Biên Phủ. Đưa quân chủ lực lên chiến trường rừng núi Tây Bắc vốn không nằm trong ý định của địch, cũng như trận Điện Biên Phủ, trước đó cũng không nằm trong kế hoạch của Navarre.
Nhưng khi địch đã bị động đổ quân xuống Điện Biên Phủ thì "tương kế tựu kế", ta lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt chúng và biến cứ điểm này thành một trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.
Thật vậy, sau 65 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ: Sự kiện Điện Biên Phủ không chỉ là một trong những sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam hiện đại, mà còn là một trong những sự kiện rất quan trọng trong lịch sử thế kỷ 20 của cả nhân loại.
Xét riêng về mặt chiến lược, trận Điện Biên Phủ là một hội chiến tiêu diệt lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam từ trước tới nay, một chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân ta trong gần 100 năm đấu tranh chống thực dân Pháp.
Nó cũng được coi là một trong những hội chiến tiêu diệt lớn trong lịch sử đấu tranh vũ trang của các dân tộc nhỏ chống lại quân đội xâm lược của chủ nghĩa đế quốc thực dân.
Không những thế, khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, các nhà khoa học đều phải thừa nhận một sự thật hiển nhiên: Điện Biên Phủ là một sự kiện lịch sử có tính chất bước ngoặt.
Trước hết là về quân sự. Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, Dorin Mitdonton, một bình luận viên của tờ News York Times đã đưa ra nhận định: "Đây là một trong 16 trận tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh hiện đại ở thế kỷ 20".
Còn ở góc độ chính trị thì có thể khẳng định rằng, khi lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Bộ đội Cụ Hồ phấp phới tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 thì cũng là thời điểm cáo chung chế độ thống trị của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương, đồng thời cũng là thời điểm báo hiệu sự chấm dứt chính sách thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Chỉ trong 6 năm, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên thế giới đã có thêm 36 nước giành được độc lập. Riêng châu Phi (phần lớn là thuộc địa của Pháp) đã có tới 20 nước.
Rõ ràng, cuộc chiến đấu oanh liệt của chúng ta không chỉ vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân, mà còn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới. Bởi những lẽ đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng vĩ đại của loài người tiến bộ ở thế kỷ 20.
Về mặt nghệ thuật chiến dịch, trên Mặt trận Điện Biên Phủ, lúc đầu chúng ta vận dụng phương án "đánh nhanh, thắng nhanh", nhưng trong suốt thời gian chuẩn bị, theo dõi từng động tĩnh của địch, ta phát hiện ra hệ thống phòng ngự của chúng ngày càng được xây dựng vững chắc hơn.
Tiếp đó, khi kiểm tra lại tình hình hai bên về mọi mặt, chúng ta đã rút ra kết luận: Tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố rất nhiều so với trước, như ngôn ngữ của đối phương: Điện Biên Phủ là "Nà Sản lũy thừa 10". Trong tình hình đó, kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" không thể bảo đảm chắc thắng.
Vì vậy, lúc 11 giờ ngày 26/1/1954, ta đã quyết định bỏ phương án cũ mà dùng phương án "đánh chắc, tiến chắc" đúng như dự kiến ban đầu của Tổng Quân ủy đệ trình lên Bộ Chính trị ngày 6/12/1953.
Đây là sự chuyển lại thế trận duy nhất đúng. Quyết định này được giới quân sự đánh giá là "đỉnh cao trí tuệ" của văn hóa quân sự Việt Nam thời hiện đại, bởi lẽ:
Thứ nhất, giữ bí mật được ý đồ, từ đó dẫn tới sự nhận định sai lầm của địch. Chẳng hạn như ngày 26/1/1954, De Castries đánh điện báo cáo lên tổng hành dinh: "Việt Minh có vẻ từ bỏ tiến công".
Một tuần lễ sau, ngày 2/2/1954, trung tướng Mỹ John O'Daniel "tới thăm" Điện Biên Phủ, giữa lúc có tin Đại đoàn 308 của Việt Minh đang tiến đánh các tiền đồn của Pháp ở Thượng Lào. Căn cứ vào đó, ông ta khẳng định: “Việt Minh sẽ từ bỏ ý định đánh Điện Biên Phủ”.
Hơn thế nữa, đối phương còn cho rằng hoạt động của ta trong Đông Xuân 1953-1954 đã lên tới đỉnh cao nhất, cuộc lui quân của ta chắc sẽ bắt đầu. Ta nhất định không đủ sức để tiếp tục tiến công vào Điện Biên Phủ được nữa.
Để giành lại thế chủ động, ngày 12/3/1954, địch cho quân đổ bộ lên Quy Nhơn. Chúng có ngờ đâu, ngay hôm sau, ngày 13/3/1954, quân ta mở cuộc tiến công lớn vào tập đoàn Điện Biên Phủ, bắt đầu từ cứ điểm Him Lam.
Thứ hai, thể hiện rõ quan điểm thực tiễn. Nhìn từ góc độ nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, có thể nói rằng ở Điện Biên Phủ, Quân đội ta đã có một bước nhảy vọt lớn, nhất là về chiến thuật. Bí quyết đó là sự vận dụng linh hoạt những phương pháp chiến thuật mới, những phương pháp chiến thuật có ý nghĩa chiến dịch nhằm giải quyết một yêu cầu mới rất cao của tác chiến là tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Phương pháp chiến thuật mang theo ý nghĩa chiến dịch ở Điện Biên Phủ có những nội dung rất phong phú, được thể hiện bằng nhiều kiểu loại khác nhau, kể từ phương pháp quan trọng nhất là lần lượt tiêu diệt từng tiểu đoàn hoặc một số tiểu đoàn địch nằm trong hệ thống tập đoàn cứ điểm, đến phương pháp dùng mọi cách triệt đường tiếp tế hậu cần của địch và phương pháp dùng mọi cách bảo vệ các tuyến tiếp tế hậu cần của ta.
Ở đây chỉ xin nêu lên một phương pháp chiến thuật có ý nghĩa chiến dịch là công tác xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây quân địch-thường vẫn gọi là chiến thuật vây lấn-bằng một hệ thống chiến hào ngang dọc.
Thực tế đó chứng tỏ trên chiến trường này, lần đầu tiên trong lịch sử quân sự hiện đại, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực sự tiến hành chiến tranh kiểu chiến hào.
Phương pháp chiến thuật này khiến cho đối phương, một quân đội dù đã có một truyền thống vững vàng và nhiều kinh nghiệm về chiến tranh chiến hào như quân đội Pháp cuối cùng phải cúi đầu chấp nhận một thất bại cay đắng.
Điều đó đã khiến cho Bernard Fall, một người Mỹ gốc Pháp từng viết nhiều công trình khoa học về Việt Nam và Đông Dương phải xác nhận: "Những người cộng sản đã tỏ ra rất mưu trí khi đưa nghệ thuật đào chiến hào tiếp cận đến mức cao nhất".
Về phương pháp chiến thuật này, sau khi phân tích kỹ những khó khăn trên chiến trường Điện Biên Phủ là các chiến sĩ của ta phải thường xuyên chiến đấu trong điều kiện đối phương có hỏa lực pháo binh và không quân mạnh, dù cho từng trung đội đến từng tiểu đoàn đều đã có công sự cho các trận địa xuất phát tiến công, nhưng kết quả cũng chỉ đạt tới mức tiêu diệt được từng tiểu đoàn độc lập của địch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tiếp: "Trong một thời gian khá dài, vấn đề đặt ra mà chưa được giải quyết là phải làm thế nào để tiến hành được cuộc chiến đấu cả ngày lẫn đêm và trên mọi địa hình, có như vậy mới mở ra khả năng tiêu diệt sinh lực lớn của địch.
Sự phát triển công sự thành một hệ thống trận địa tiến công và bao vây đã giải quyết thành công một vấn đề quan trọng, mở ra khả năng nói trên".