Nghề giáo, nghề mà trước đây bao người vẫn luôn gọi là nghề cao quý thì bây giờ nó đã trở thành nghề nguy hiểm trong những nghề nguy hiểm.
Giáo viên không chỉ bị học sinh tấn công bất cứ lúc nào bằng cả ngôn từ lẫn hành động.
Trường Trung học cơ sở Quý Lộc nơi xảy ra sự việc phụ huynh đánh giáo viên. (Ảnh: Lao Động) |
Điều đáng buồn, đáng phẫn nộ khi bị trò tấn công, thầy cô chỉ được phép chạy không được phép tự vệ.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng lao vào trường cầm dao, cầm gậy đuổi đánh thầy cô. Trong tình thế này, giáo viên cũng buộc phải chạy.
Bởi, nếu tự vệ sẽ là “Giáo viên và phụ huynh (học sinh) đánh nhau” thì lúc đó dù thầy cô có đưa ra trăm ngàn lý do cũng không thể bảo vệ được mình.
Sau mỗi sự việc, học sinh vẫn bình yên, phụ huynh cũng chẳng hề hấn gì. Chỉ có những thầy cô giáo thì “sứt đầu mẻ trán”, bị hành đến “lên bờ xuống ruộng”.
Rồi Ban Giám hiệu, lãnh đạo ngành giáo dục ở địa phương cũng sẵn sàng đứng về phía dư luận buộc thầy cô đến nhà học sinh (những người mới hỗn hào, mới hành hung mình) để năn nỉ, xin lỗi, để mong được bỏ qua để họ không kiện cáo.
Vì chỉ cần họ không đồng ý mà đưa đơn, thầy cô sẽ trở thành “tội đồ” ở chính ngôi trường ấy, sẽ là nạn nhân của hàng chục cuộc họp mang ra mổ xẻ, chẳng khác nào bị “đấu tố”, làm kiểm điểm gửi cấp này, cấp kia.
Ban Giám hiệu nhà trường rất sợ bị kiện vì dù đúng, dù sai nhà trường đã có đơn kiện cũng sẽ bị cắt hết thi đua.
Trong tất cả mọi chuyện xảy ra, giáo viên luôn luôn bị người ta kết luận là sai trước.
Chẳng ai đứng ra bảo vệ và chẳng ai dám đứng ra bảo vệ (dù nhiều người cho rằng giáo viên ấy bị oan hoặc những lỗi của thầy cô không nghiêm trọng và có thể trao đổi, tìm cách giải quyết).
Thế nên mọi tội lỗi thầy cô là người gánh chịu hết.
Họ trở nên cô đơn ngay trong môi trường giáo dục của mình bởi sự đòi hỏi khắt khe quá mức với nhà giáo, cũng như dư luận hùa theo của không ít người, chưa biết phải trái đúng sai, cứ mặc sức chỉ trích trước đã.
Cùng với nỗi lo sợ vì căn bệnh thành tích bị đe dọa của nhiều lãnh đạo đã đẩy những nhà giáo chúng tôi vào thế không thể chống đỡ nổi.
Những câu chuyện đau lòng
Chiều 12/4, cô Trần Thị Thu (đã đổi tên, giáo viên môn Toán của một trường trung học ở phường Phước Mỹ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm phát hiện em Dương Thị Thanh (học lớp 7, đã đổi tên) không lấy vở ra học nên nhắc nhở.
Em Thanh đã phản ứng lại cô giáo.
Lúc này, cô Thu dùng thước chỉ vào trán em Thanh, yêu cầu học sinh này lấy vở ra học nghiêm túc.
Khoảng 15h (khi nghỉ giải lao giữa giờ), Thanh gọi điện các dì của mình đến trường.
2 người phụ nữ xông vào phòng dùng mũ bảo hiểm đánh cô Thu. Những người này còn giằng xé áo của nữ giáo viên ngay trong trường học.
Ngày 7/5, thầy Tr. T. A. giáo viên dạy môn Tiếng Anh Trường Trung học cơ sở Quý Lộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa có nhắc nhở em Đ. về thái độ học tập.
Trong lúc thầy giáo nhắc nhở, em Đ. có đe dọa sẽ gọi người nhà tới để “xử” thầy.
Sau đó, Đ. bỏ về nhà và một lúc sau, người nhà có chở em Đ. đến trường.
Cậu của Đ. đã xông vào đánh thầy. Thầy A. bỏ chạy thì bị trượt chân ngã dẫn đến chấn thương.
Lãnh đạo ngành hay chọn cách xoa dịu dư luận bằng phạt nặng giáo viên
Cô giáo chỉ là dùng thước chỉ vào trán học sinh (được biết, em này thường hay nói chuyện trong lớp và có thái độ phản ứng với thầy cô khi bị nhắc nhở) liền bị người nhà học sinh xông vào đánh.
Lẽ ra, học sinh ấy phải bị phạt, những phụ huynh ấy phải được mời về đồn công an để giải quyết.
Thế mà, một lãnh đạo Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Rang - Tháp Chàm lại có thể phát biểu “… yêu cầu nhà trường báo cáo rõ vụ việc. Nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong cách giảng dạy sẽ kiểm điểm nghiêm túc”;
Chữ "nếu" và "kiểm điểm nghiêm túc chỉ dành cho giáo viên thôi sao?
Phụ huynh đánh giáo sinh đến mức chấn động thai nhận sai, xin lỗi |
Trên một số diễn đàn, cũng có không ít người cho rằng giáo viên đã sai khi dùng thước chỉ vào trán học sinh.
Với kiểu bênh vực như vậy, học trò ngày chẳng coi thầy cô ra gì.
Một số phụ huynh ngày càng manh động khi không vừa ý thầy cô chuyện gì đó.
Hay như sự việc thầy giáo ở Thanh Hóa bị cậu học sinh đánh sau khi học sinh ấy đã đòi “xử” thầy.
Trưởng phòng Giáo dục huyện Yên Định cho biết: "Khi mình phát ngôn có những cái không chuẩn mực sẽ khiến phụ huynh bức xúc.
Chúng tôi đang yêu cầu nhà trường điều chỉnh lại, thầy cũng phải kiểm điểm lại xem đúng hay sai”.
Trong khi vấn đề quan trọng hơn, giáo viên của mình bị hành hung có làm sao không, thì không được một lời thăm hỏi. Ứng xử như thế với giáo viên, với đồng nghiệp, làm sao ổn định được tâm lý để thầy cô tiếp tục an tâm đến lớp?
Tiếp đó, chúng tôi cho rằng cần mời công an vào cuộc điều tra, thậm chí truy tố những kẻ dám xông vào trường học hành hung giáo viên.
Đây cũng cần được xem như tội “Chống người thi hành công vụ”.
Vậy nhưng gần như các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương trước mỗi vụ việc tương tự, chỉ biết "yêu cầu báo cáo, làm rõ giáo viên sai phạm thế nào để kỉ luật giáo viên thật nghiêm".
Ngay lãnh đạo ngành giáo dục một số địa phương còn ứng xử với giáo viên như vậy, chuyện giáo viên bị học sinh gọi người nhà vào đánh thầy cô ngay trong trường sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Tài liệu tham khảo:
http://moitruongvaphapluat.vn/nu-sinh-lop-7-goi-nguoi-nha-den-danh-co-giao-ngay-trong-truong/10571/