Lễ tưởng niệm “Binh đoàn bất tử” diễn ra sáng 8/5, tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), nhằm vinh danh và tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ hai nước Nga và Việt Nam trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941 - 1945) và kháng chiến chống Mỹ.
Đây là hoạt động do Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5); kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga Trần Bình Minh;
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov; Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Natalia Shafinskaya;
Đông đảo khách mời, gồm: cán bộ Ngoại giao Nga tại Việt Nam, các công dân Nga đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đại diện Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đại diện học sinh Trường phổ thông trung học trực thuộc Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov cho biết, hoạt động "Binh đoàn bất tử" rất phổ biến ở Nga và đã lan tỏa ra hơn 80 nước trên thế giới.
Ở các nước, không chỉ người Nga tham gia mà đông đảo bạn bè của nước Nga, những người quý trọng Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô (1941 - 1945), quý trọng Chiến thắng 9/5 cũng sôi nổi tham gia.
Tại Việt Nam, đây là lần thứ ba Đại sứ quán Liên bang Nga phối hợp Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức Lễ tưởng niệm “Binh đoàn bất tử” tại Hà Nội.
Những người đứng trong hàng ngũ của “Binh đoàn bất tử” hôm nay là con cháu của các chiến sĩ đã tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cuộc chiến tranh vì độc lập của Việt Nam.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Lễ tưởng niệm, Đại sứ Konstantin Vnukov cho rằng, Lễ tưởng niệm là minh chứng khẳng định rằng, các thế hệ ngày nay vẫn luôn ghi nhớ, biết ơn và dành những tình cảm trân trọng đối với chiến công của các bậc anh hùng Xô Viết và Việt Nam.
Chia sẻ về những năm tháng chiến tranh gian khổ và hào hùng, đại diện Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đại tá Nguyễn Khánh Duy cho rằng, sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra “Con đường cách mạng của Việt Nam” và chiến thắng của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II (năm 1945) đã tạo tiền đề khách quan cho cuộc Cách mạng tháng Tám của Việt Nam thành công.
Chính các tên lửa và máy bay Liên Xô đã trở thành vũ khí chiến thắng trước máy bay ném bom B52 của không lực Hoa Kỳ trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972.
Và trong chiến dịch đánh chiếm Sài Gòn, xe tăng Liên Xô đã đè bẹp nhiều hỏa điểm, góp phần nhanh chóng giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
Tại Lễ tưởng niệm, hơn 1.000 khách mời đã tham dự lễ diễu hành, bày tỏ lòng thành kính với những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh của hai nước; thưởng thức các chương trình ca nhạc Việt - Nga.
Trong khuôn khổ Lễ tưởng niệm, buổi chiếu phim “Tiếng tĩnh lặng thét gào” nói về cuộc sống của người dân Xô Viết năm 1942 được tổ chức tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội vào chiều cùng ngày.
Dưới đây là một số hình ảnh về Lễ tưởng niệm:
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov phát biểu khai mạc. |
Hơn 1.000 người tham gia diễu hành tại Lễ tưởng niệm. |
Các cựu chiến binh tham quan Triển lãm ảnh tại Lễ tưởng niệm. |
Một tiết mục múa truyền thống Nga được thể hiện bởi các sinh viên Việt Nam. |
Cán bộ Đại sứ quán Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tham gia biểu diễn văn nghệ. |