Kiểm tra học kỳ xong, học sinh đến lớp làm gì?

17/05/2019 06:15
THANH AN
(GDVN) - Thầy dạy mà học trò không học thì càng mệt, càng ngán ngẩm nhưng vẫn phải dạy cho đến khi không còn… học trò trong lớp.

Có lẽ giáo viên trên cả nước đã quá quen thuộc với lịch kiểm tra học kỳ sớm hiện nay của ngành giáo dục. Nhiều địa phương thường tổ chức kiểm tra trước khi tổng kết năm học khoảng 2 tuần lễ, có nơi 3 tuần lễ.

Những khối cuối cấp thì kiểm tra trước đến hàng tháng trời. Kiểm tra xong, chỉ còn một một số học sinh cuối cấp là còn học, những học sinh khối khác bắt đầu nghỉ học, nếu có vào lớp thì thầy cô cũng không thể nào dạy dỗ nổi bởi học sinh đã hết động lực học tập.

Sách vở thì các em cũng đâu mang vào lớp nên giáo viên chủ yếu là “độc thoại” cho hết bài học. Thầy cô có hỏi gì thì học sinh cũng giả vờ ngơ ngác để trả lời: “không biết”...

Những bài học chỉ có ý nghĩa khi có sự hợp tác của học trò (Ảnh minh họa: vtv.vn)
Những bài học chỉ có ý nghĩa khi có sự hợp tác của học trò (Ảnh minh họa: vtv.vn)

Theo phân phối chương trình học thì các cấp học phổ thông hiện nay có 37 tuần học trong năm (học kỳ I là 19 tuần, học kỳ II là 18 tuần), trong đó có 2 tuần dự trữ ở cuối học kỳ.

Như vậy, nếu học hết chương trình mới tổ chức kiểm tra học kỳ thì nhà trường vẫn còn 1 tuần dự trữ để giáo viên chấm bài, vào điểm và báo cáo cho cấp trên.

Nhưng, kế hoạch hàng năm của các Sở, Phòng Giáo dục lại thường tổ chức kiểm tra sớm hơn thời điểm kết thúc học kỳ khoảng 2 tuần trở lên đối với tất cả các khối học.

Kiểm tra học kỳ I thì còn học kỳ II nữa nên học sinh vẫn đều đều vào trường. Nhưng, kiểm tra học kỳ II xong là nhiều học sinh tự “nghỉ hè” luôn. Bởi, điểm kiểm tra, điểm tổng kết thì các em ở nhà cũng biết vì đã đăng ký phần mềm điện tử để xem điểm.

Thầy cô cũng đã thống kê điểm, thống kê ngày nghỉ trong năm xong và nhà trường khóa phần mềm. Mọi chỉnh sửa cuối năm gần như không có nên học sinh cũng đâu có gì phải sợ để vào trường.

Những em mà thấy mình được khen thưởng cuối năm thì ngày tổng kết năm học vào nhận giải thưởng, còn giai đoạn mấy tuần cuối năm học thì ung dung ở nhà đi chơi hoặc làm những việc khác.

Kiểm tra học kỳ xong, học sinh đến lớp làm gì? ảnh 2Chính cấp sở làm hỏng chương trình của Bộ Giáo dục bằng kiểm tra học kỳ sớm

Những em vào trường thì tâm thế học tập cũng đã hết hẳn. Sách vở không mang theo, giáo viên giảng bài cũng kệ, các em ngồi nói chuyện với nhau đợi... hết giờ.

Khi thầy cô nhìn xuống lớp để giảng bài thì học sinh còn im lặng, nhưng khi đã quay lên ghi bảng là dưới lớp lại rầm rầm khiến giáo viên rất khó quản lý.

Nhiều lớp, học sinh ngồi đến khi ra chơi là đồng loạt ra về. Khi hết thời gian ra chơi, giáo viên lên lớp dạy thì đa phần là lớp học trong cảnh "vườn không nhà trống".

Nhưng, bài học thì còn nhiều, nhất là đối với môn Văn, Toán, Anh- mỗi tuần có từ 3-5 tiết. Điều này cũng đồng nghĩa việc kiểm tra sớm 2-3 tuần thì cũng còn lại trên dưới 10 tiết học chưa được dạy.

Tuy nhiên, không có học trò trong lớp thì giáo viên dạy cho ai đây?

Vì thế, giáo viên đành lên văn phòng lấy sổ đầu bài ghi khống số tiết và tên bài học vào cho đủ số tiết quy định nhưng thực chất là các tiết cuối mỗi buổi học thì giáo viên không dạy, đúng ra là không được dạy vì lớp không có học trò.

Những bài học, học trò không được học

Những bài học được bố trí ở cuối sách giáo khoa đối với những môn có nhiều tiết trong tuần rất ít được giảng dạy đầy đủ. Đó là một thực tế ở các trường phổ thông mà giáo viên nào cũng nhìn thấy được vấn đề.

Bài học không được học cũng đồng nghĩa là học sinh mất kiến thức các bài học đó nhưng không có giải pháp khắc phục hay nói đúng hơn là lãnh đạo ngành giáo dục không muốn khắc phục.

Bởi, chuyện kiểm tra sớm không phải bây giờ mà hàng chục năm qua đã thế và bây giờ... vẫn thế.

Kiểm tra học kỳ xong, học sinh đến lớp làm gì? ảnh 3Tại sao không trả bài kiểm tra học kỳ cho học sinh?

Muốn dạy được các bài nằm ở cuối chương trình chỉ có một cách duy nhất giãn lịch kiểm tra về sau.

Hàng năm, khi học hết chương trình sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ thì mới có thể dạy hết được bài học.

Còn cứ như hiện nay thì việc bỏ các bài cuối năm là chuyện…bình thường.

Giáo viên vừa mệt, vừa chán nản

Có nỗi buồn chán nào hơn khi kiểm tra học kỳ xong rồi, tổng kết điểm cho học trò rồi và học trò đã biết điểm của mình nhưng hàng ngày giáo viên vẫn tiếp tục phải lên lớp. Giáo viên không hẳn là chán dạy mà chán nản nhất là giảng bài nhưng học trò không nghe, không học bài.

Chửi bới, nạt nộ thì vi phạm đạo đức nhà giáo, khuyên lơn thì học sinh không bao giờ nghe vào thời điểm này nhưng vì chương trình còn thì bắt buộc giáo viên phải dạy.

Thầy dạy mà học trò không học thì càng mệt, càng ngán ngẩm nhưng vẫn phải dạy cho đến khi không còn…học trò trong lớp.

Thiết nghĩ, lãnh đạo Bộ Giáo dục cần có những chỉ đạo sát sao cho các địa phương về vấn đề này trong các năm tới đây. Nên học và kiểm tra đúng với khung phân phối chương trình năm học nhằm đảm bảo nội dung học tập cho học trò.

Kiểm tra sớm chỉ có một cái lợi là báo cáo sớm nhưng thực tế báo cáo cuối năm bây giờ cũng có phải vất vả như ngày xưa đâu. Tất cả số liệu chỉ cần nhập vào là các phần mềm đã xử lý việc tính toán hết cả rồi.

Sau khi hoàn thành dữ liệu thì nhấn gửi qua email là xong thì hà cớ gì cứ tổ chức kiểm tra sớm để làm gì cho khổ giáo viên và mất bài của học trò?

Đó là chưa kể một số học sinh biết cuối năm học cũng chẳng học hành gì nên các em đi chơi, tụ tập ở bên ngoài mà cả gia đình và nhà trường không quản lý được. Lỡ có chuyện gì không may xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai đây?

THANH AN