Ngày 14/5, tại Trường Trung học cơ sở Thành Cổ (Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi hội thảo: “Hiếu học, hiếu thảo – Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Buổi hội thảo đã thu hút gần 1000 học sinh trường Trung học cơ sở Thành Cổ và trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh tham dự.
Câu chuyện gần gũi của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã gây ấn tượng sâu sắc với các em học sinh độ tuổi Trung học cơ sở. (Ảnh: LC) |
Ấn tượng với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chính là cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được dựng lên giữa sân trường Trung học cơ sở Thành Cổ.
Cột mốc này đã trở thành giáo cụ trực quan, sinh động đối với các em học sinh nhà trường.
Nhiều năm qua, thầy và trò 2 trường Thành Cổ và Lương Thế Vinh luôn quan tâm giáo dục toàn diện, kết hợp giáo dục kiến thức chuẩn với coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kĩ năng thực hành, kĩ năng sống, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa…
Thông qua những hoạt động này, các em đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh cùng với đó các trường đã khơi dậy và hun đúc cho mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi khả năng tiềm ẩn của các em.
Chính vì vậy, trong dịp được gặp và giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là một cơ hội đặc biệt đối với thầy và trò 2 trường Thành Cổ và trường Lương Thế Vinh.
Giữa sân trường Thành Cổ, cột mốc chủ quyền biển đảo đã được dựng lên. (Ảnh: LC) |
Chuyện kể về cuộc đời làm khoa học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ngay từ những ngày chỉ mới học lớp 6, trải qua 4 trường sư phạm và tấm gương tự học ngoại ngữ của Giáo sư đã để lại cho các em học sinh ấn tượng đặc biệt.
Chính tấm gương vượt khó của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trở thành tấm gương hiếu học cho các em học sinh.
Trong buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giúp các em hiểu được cơ hội và thách thức của thế hệ tương lai của đất nước trong thời kỳ cách mạng khởi nghiệp cách mạng công nghiệp 4.0.
Những tấm gương vượt khó và khát vọng sống có ích của Trần Hồng Giang đã tạo nên sự xúc động lớn trong các bạn học sinh tuổi Trung học cơ sở.
Chỉ với một cây “đũa thần”, Trần Hồng Giang đã gõ vào thế giới bằng cách của riêng mình đã khiến các em rất cảm phục.
Là một người bị liệt toàn thân từ nhỏ, chưa từng một ngày đến trường nhưng Trần Hồng Giang đã tự học và đạt được những điều mơ ước của riêng mình.
Những món quà ý nghĩa mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dành tặng thầy cô giáo cả 2 trường Lương Thế Vinh và trường Thành Cổ. (Ảnh: LC) |
Trước những nghịch cảnh của bản thân, Trần Hồng Giang chưa bao giờ có một lời than thân, trách phận, không kể lể về hoàn cảnh của mình để gợi sự xót thương của người khác.
Hay tấm gương của cô bé hết sức đặc biệt Lê Thị Thắm dù không tay nhưng viết chữ rất đẹp và đang từng ngày thực hiện ước mơ trở thành cô giáo…
Những tấm gương về nghị lực sống đã giúp các em học sinh 2 trường cùng hiểu rõ bản thân mình hơn, quyết tâm đạt được ước mơ bằng sự cố gắng học tập.
Đặc biệt, bài học về lòng hiếu thảo với cha mẹ, thầy cô, hòa nhã với bạn bè đã được các em đặc biệt lưu tâm và chú ý lắng nghe.
Từ câu chuyện của gia đình thầy Dũng, sự vất vả của mẹ thầy khi nuôi các anh chị em trong gia đình trong những năm tháng kháng chiến vất vả khó khăn đã tạo ra nhiều xúc động cho cả cô và trò trường Thành Cổ và trường Lương Thế Vinh.
Nhiều câu hỏi hay, ý nghĩa đã được các em học sinh mang khăn quàng đỏ gửi tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: LC) |
Bên cạnh những món quà ý nghĩa về lời nói, những cuốn sách trong cuộc đời làm khoa học của thầy cũng đã gợi ý ra nhiều ý tưởng mới cho cô và trò 2 trường.
Ấn tượng với phong cách gần gũi và giản dị của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, bỏ qua sự dụt dè, e ngại ban đầu, các em học sinh đã mạnh dạn đặt câu hỏi cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Có nằm mơ con cũng không nghĩ được gặp Giáo sư ngay tại ngôi trường vùng quê này |
Bên cạnh cách học, phương pháp học tập tốt các em còn đặt rất nhiều câu hỏi đối với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong đó nhiều em quan tâm đến chuyện tâm tư tình cảm của… trí tuệ nhân tạo.
Sự lo lắng đáng yêu của các em về việc có ngày nào đó con người sẽ bị robot thống trị hay không hay các em phải học thế nào trong thời đại công nghệ 4.0.
Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, các em phải tìm phương pháp học tập thế nào cho phù hợp.
Những câu hỏi học sinh được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ân cần trả lời, động viên và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong học tập và sáng tạo trong việc cách học, cách đọc.
Cuối buổi hội thảo, thầy giáo Trần Trung Thiện, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thành Cổ đã thay mặt Ban giám hiệu 2 trường gửi lời chúc sức khỏe đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đồng thời gửi lời cảm ơn đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã tổ chức buổi hội thảo rất ý nghĩa dành cho học sinh 2 trường Lương Thế Vinh và trường Thành Cổ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh với những em học sinh có câu hỏi hay, ý nghĩa. Các em sẽ có những món quà đặc biệt từ Giáo sư. (Ảnh: LC) |
Đáp lễ sự đón tiếp nhiệt tình từ phía Ban giám hiệu nhà trường, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã dành những lời cảm ơn, những cái bắt tay đầy yêu quý, những chữ ký vào những cuốn sách mình viết như một lời cảm ơn đầy ý nghĩa tới thầy cô cùng các em học sinh 2 trường Lương Thế Vinh và Trường Thành Cổ.
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông và Trung học cơ sở trong cả nước tổ chức. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường. Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |