Ai bao che cho bà Ngọc Hạnh nợ tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo phòng giáo dục?

28/05/2019 06:51
Nguyễn Phan
(GDVN) - Việc tôi thiếu chứng chỉ tin học chỉ mang tính chất pháp lý, làm tốt công việc quan trọng hơn là đủ tiêu chuẩn.

Ghi nhận sự phản ánh của giáo viên huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang về việc bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Thuận “ thiếu nợ” tiêu chuẩn bổ nhiệm từ năm 2016 đến nay vẫn chưa “trả” được.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV)
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV)

Chiều ngày 19 tháng 5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi trên điện thoại với bà Ngô Thị Ngọc Hạnh về nội dung trên.

Xác nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh thừa nhận năm 2016 bà được bổ nhiệm lại chức vụ Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Thuận và bản thân bà chưa đủ một trong các điều kiện về tiêu chuẩn bổ nhiệm theo quy định nhưng bà được cho “nợ” lại và sẽ trả sau 2 năm (!?).

Cụ thể: Thời điểm được bổ nhiệm lại (năm 2016) bà Ngô Thị Ngọc Hạnh thiếu tiêu chuẩn 4 trong quy định tại quy chế kèm theo Quyết định số 11 /2013/QĐ-UBND  của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Ngày 06 tháng 5 năm 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 11 /2013/QĐ-UBND kèm theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức, viên chức giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (1)

Hiện nay, quy chế Quyết định nói trên đã được thay thế bằng Quyết định Số: 27/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2017 Ban hành kèm theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức, viên chức giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (2)

Theo đó, Quy chế này quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình thủ tục, hồ sơ, thời hạn, tuổi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức, viên chức giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương (gọi chung là quản lý cấp phòng) trực thuộc:

Cần làm minh bạch quy trình tái bổ nhiệm của ông Trần Minh Luân

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (gọi chung là các sở, ban, ngành cấp tỉnh) và Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Nguyên tắc thực hiện phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ và phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm cần có:

Tốt nghiệp Đại học trở lên (phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác được giao);

Đang giữ ngạch Chuyên viên và tương đương trở lên;

Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên;

(4). Chứng chỉ tin học trình độ A trở lên;

Ngoài tiêu chuẩn quy định tại Điểm 1, 2, 3, 4 Điều này, nếu có quy định tiêu chuẩn riêng của Bộ, ngành Trung ương cho từng chức danh cụ thể thì thực hiện theo quy định đó.

Theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức, viên chức giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, để thực hiện Quy trình, thủ tục, hồ sơ bổ nhiệm cần phải thực hiện các bước như sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao đổi thống nhất với các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, chỉ đạo Phòng Nội vụ có tờ trình xin chủ trương Thường trực Huyện ủy;

Sau khi Thường trực Huyện ủy có thông báo cho làm quy trình, Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy lập hồ sơ, tổ chức cuộc họp để thông qua chủ trương, tóm tắt lý lịch, tiêu chuẩn, nhận xét, đánh giá, nhân sự dự kiến bổ nhiệm thông qua Chương trình hành động và tiến hành lấy ý kiến bằng phiếu.

Thành phần lấy ý kiến là toàn thể công chức, viên chức của phòng, đại diện cấp ủy và đại diện lãnh đạo các đoàn thể, nơi công chức, viên chức đang công tác;

Do đó việc bà Ngô Thị Ngọc Hạnh thiếu tiêu chuẩn nhưng vẫn được bổ nhiệm là một điều khá khó hiểu và điều đó đã gây dư luận âm ỉ trong đội ngũ giáo viên huyện Vĩnh Thuận nhiều năm qua.

Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi trao đổi với bà Ngô Thị Ngọc Hạnh đó là bà thản nhiên cho biết:

“Việc tôi thiếu chứng chỉ tin học chỉ mang tính chất pháp lý, làm tốt công việc quan trọng hơn là đủ tiêu chuẩn”.

Khi được hỏi tại sao bà hứa sẽ trả nợ tiêu chuẩn còn thiếu sau 2 năm mà bà lại không thực hiện lời hứa, bà Hạnh nói:

“Tôi không có chứng chỉ nhưng bản thân tôi làm tốt công việc lãnh đạo ngành giáo dục, tôi có thể vào phần mềm, có thể làm việc trên máy tính.

Tôi hứa sau 2 năm sẽ trả nợ tiêu chuẩn, tôi đăng ký thi tại Sở Giáo dục 3 lần rồi, tôi muốn lấy bằng ở Sở chứ không muốn lấy nơi khác nhưng tôi chưa thực hiện được vì mỗi lần thi là tôi bận công việc và phải đi dự đại hội”.

Phát ngôn sốc của Phó trưởng phòng Giáo dục: “Nếu tôi muốn có chứng chỉ tin học, ngay hôm nay sẽ có”

Phó Hiệu trưởng Trường Nguyễn Thị Diệu bị Hiệu trưởng điều xuống làm giáo viên

Vì lý do bà Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Thuận khẳng định việc thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm chỉ mang tính pháp lý, quan trọng vẫn là hiệu quả công việc.

Chúng tôi đặt câu hỏi nếu như giáo viên hoặc vị hiệu trưởng thiếu tiêu chuẩn nào đó theo quy định thì có được cho nợ để bổ nhiệm chức vụ hoặc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hay không?

Bà Phó trưởng phòng khẳng định việc đó là không thể được(?!).

Quay lại câu hỏi tại sao đối với người khác không được, nhưng lại có thể áp dụng được với bà, bà Phó trưởng phòng tuyên bố:

“Tôi không cần làm Phó phòng giáo dục, cái gì chứ chứng chỉ tin học, tôi muốn có ngay hôm nay cũng được” (!?)

Thực tế, hiện nay việc bổ nhiệm vị trí lãnh đạo nhưng còn “nợ tiêu chuẩn” đang xảy ra ở nhiều địa phương chứ không riêng gì huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang (3).

Và việc xử lý những sai phạm trong công tác bổ nhiệm đã và đang được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt ở nhiều nơi (4).

Nhưng, trong sự việc cụ thể đối với trường hợp bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Thuận là người đang thiếu tiêu chuẩn, và đã hứa hẹn cụ thể sẽ “trả nợ” ngay trong ngày triển khai Quyết định bổ nhiệm nhưng lại thất hứa “không trả”.

Tác phong, đạo đức, chuẩn mực của lãnh đạo ngành giáo dục, nơi mà phong cách nêu gương của người đứng đầu đang rất cần được chú trọng và thực hiện cấp bách liệu có còn không?

Tuyên bố, “Muốn có chứng chỉ thì ngay hôm nay cũng có”; “ nợ tiêu chuẩn chỉ là tính pháp lý, quan trọng là làm tốt” của bà Phó trưởng phòng liệu có làm "gương mờ" cho giáo viên, nhân viên trong ngành học tập?

Những phát ngôn công khai, đầy thách thức nói trên là một điều rất đáng lo ngại không chỉ với riêng ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận mà còn là sự thách thức đối với cả hệ thống chính quyền bởi những phát ngôn “sốc, độc, lạ”của vị Phó trưởng phòng ngành Giáo dục thiếu tính nêu gương.

Tài liệu tham khảo:

(1)https://thukyluat.vn/vb/quyet-dinh-11-2013-qd-ubnd-quy-che-bo-nhiem-bo-nhiem-lai-luan-chuyen-tu-chuc-mien-nhiem-doi-voi-cong-chuc-vien-chuc-giu-chuc-vu-truong-phong-pho-truon-2f485.html

(2)https://thukyluat.vn/vb/quyet-dinh-27-2017-qd-ubnd-bo-nhiem-bo-nhiem-tu-chuc-mien-nhiem-vien-chuc-kien-giang-579d4.html

(3)https://nld.com.vn/thoi-su/kien-nghi-huy-bo-nhieu-truong-hop-bo-nhiem-thieu-tieu-chuan-20180305114039374.htm

(4)https://tintucvietnam.vn/bo-nhiem-31-lanh-dao-thieu-chuan-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-ky-quyet-dinh-43132

Nguyễn Phan