Buộc thôi việc cô Trang nhưng nương nhẹ cô Vân và Ban giám hiệu e khó công bằng

22/05/2019 06:59
THANH AN
(GDVN) - Phải chăng, các cơ quan chức năng mới tập trung xử lý kỷ luật cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang và đang nương nhẹ với cô Vân và Ban giám hiệu nhà trường?

Hành động đánh học trò trong giờ kiểm tra của cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên trường tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đã khiến cô phải nhận hình thức kỷ luật “buộc thôi việc”.

Đây là mức kỷ luật cao nhất đối với viên chức hiện nay.

Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi từ khi bắt đầu sự việc cho đến khi áp dụng hình thức buộc thôi việc đối với cô giáo này sẽ thấy còn nhiều điều băn khoăn.

Bởi nếu xem kĩ clip này sẽ thấy lãnh đạo quận, lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Hồng Bàng, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên nhà trường chỉ mới tập trung vào cô Trang mà nương nhẹ vào trò giáo viên chủ nhiệm Phạm Thị Vân, cũng như Ban giám hiệu Trường tiểu học Quán Toan.

Phòng kiểm tra lớp 2A7- nơi cô Trang và cô Vân đã đánh nhiều học trò (Ảnh: baoquangngai.vn)
Phòng kiểm tra  lớp 2A7- nơi cô Trang và cô Vân đã đánh nhiều học trò (Ảnh: baoquangngai.vn)

Dù rất cảm thông, chia sẻ nhưng chúng tôi không bênh vực cho hành động của cô Nguyễn Thị Thu Trang vì việc làm của cô đã vượt quá ranh giới đạo đức của người giáo viên hiện nay.

Bởi vì đây là giờ kiểm tra học kỳ thì học sinh đâu có nói chuyện, phá phách gì đâu mà cô nỡ đánh các em như vậy. Nhất là học trò mới lớp 2- các em còn quá nhỏ.

Đánh nhiều em học sinh như vậy trong giờ kiểm tra là điều không thể chấp nhận đối với người giáo viên đang làm giám thị.

Tuy nhiên, điều mà chúng tôi thấy là cách xử lý kỷ luật của các cơ quan chức năng đối với cô Nguyễn Thị Thu Trang chưa thống nhất và thay đổi tức thì chỉ sau mấy ngày.

Phải chăng xử lý theo dư luận?

Theo Điều 9, Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Buộc thôi việc.

Khi sự việc mới xảy ra, cô Nguyễn Thị Thu Trang nhận mức kỷ luật là cảnh cáo, đình chỉ công tác giảng dạy 6 tháng và không bố trí tham gia chủ nhiệm 1 năm học. 

Nhưng, chỉ mấy ngày sau thì cấp trên chỉ đạo, cộng với sức ép của dư luận nên hình thức kỷ luật đối với cô Trang lại chuyển sang mức “buộc thôi việc”.

Thực ra ranh giới giữa mức kỷ luật “cảnh cáo” và “buộc thôi việc” trong trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang chiếu theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ chỉ khác nhau có 1 từ mà thôi, đó là từ: “đặc biệt”.

Buộc thôi việc cô Trang nhưng nương nhẹ cô Vân và Ban giám hiệu e khó công bằng ảnh 2Buộc thôi việc cô giáo Trang

Mức cảnh cáo: Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng

Mức buộc thôi việc: Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhưng, cuối cùng thì các cơ quan chức năng đã chọn mức kỷ luật “buộc thôi việc” đối với cô Thu Trang.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nhất, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cho biết, có 52% thành viên Hội đồng sư phạm nhà trường kiến nghị cho thôi việc cô Trang.

Hai trong ba thành viên Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu buộc thôi việc cô Trang, người còn lại đề xuất cảnh cáo.

Điều này cho thấy rằng không chỉ dư luận phản đối, bất bình mà ngay cả lãnh đạo, đồng nghiệp của cô Trang cũng đã kiến nghị, bỏ phiếu kỷ luật "buộc thôi việc" đối với cô Trang!

Hình thức kỷ luật cô Vân và Ban giám hiệu đã phù hợp?

Điều mà chúng tôi thấy băn khoăn là mức kỷ luật đối với cô Trang là không nhân nhượng, nhưng với cô  Phạm Thị Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh bị đánh) và Ban giám hiệu thì lại quá nhẹ.

Xem clip, chúng ta thấy cô Vân- giáo viên chủ nhiệm lớp có vào phòng thi mấy lần và đánh một số học trò.

Khi cô Thu Trang hỏi về học sinh chưa nộp bài thì cô Vân là người chỉ chỗ em học sinh chưa nộp bài. Khi cô Trang đánh học sinh này thì cô Vân- giáo viên chủ nhiệm lớp đã không có hề có tác động, can ngăn đồng nghiệp của mình.

Như vậy, dù số lượng đánh học sinh của cô Vân ít hơn cô Trang nhưng cô Vân cũng đã đánh ít nhất 4 học trò (xem clip) và không hề can ngăn cô Trang đánh học sinh của mình.

Buộc thôi việc cô Trang nhưng nương nhẹ cô Vân và Ban giám hiệu e khó công bằng ảnh 3Vậy là cô giáo đã bị đuổi khỏi trường…

Thậm chí có học sinh ngồi cạnh chỗ cô Vân đang đứng bị cô Trang đánh xong thì cô Vân lại tiếp tục…đánh thêm.

Vì thế, nếu cô Nguyễn Thị Thu Trang bị nhận mức kỷ luật “buộc thôi việc” thì cô Vân phải nhận mức kỷ luật tối thiểu là “cảnh cáo” mới phù hợp.

Nhưng có tới 100% đề xuất “khiển trách” cô Vân của Hội đồng sư phạm nhà trường cho thấy những người đề xuất, bỏ phiếu kỷ luật ở đây chưa thực sự công tâm giữa 2 người cùng vi phạm giống nhau, chỉ khác là ở mức độ mà thôi.

Đó là chưa xét tới việc trong giờ kiểm tra học kỳ mà cô Vân lại chạy vào lớp của một giám thị khác đang làm nhiệm vụ để đi xuống từng bàn quan sát, theo dõi học sinh làm bài thì đã vi phạm quy chế chuyên môn rồi.

Điều chúng tôi thấy là mức tự nhận kỷ luật của Ban giám hiệu nhà trường và cá nhân cô Hiệu trưởng chưa thể hiện hết được trách nhiệm của mình.

Bởi Ban giám hiệu trường và cá nhân Hiệu trưởng tự nhận hình thức kỷ luật là “kiểm điểm”. Vậy, mức “kiểm điểm" đây là gì?

Kiểm điểm không phải là một hình thức kỉ luật. Điều 29 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định rõ, với viên chức có 3 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc; với viên chức quản lý có 4 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Cái gọi là “kiểm điểm” hay “rút kinh nghiệm” là cách nói vô thưởng vô phạt, không phải "hình thức kỷ luật", và nó chẳng có tác dụng gì cả đối với những lãnh đạo nhà trường (ở đây là Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng).

Chúng tôi nhận thấy Ban giám hiệu Trường tiểu học Quán Toan đã không làm tròn trách nhiệm trong quản lý con người khi để xảy ra vi phạm.

Bởi vì sự việc giáo viên đánh học trò như vậy không phải là việc bột phát mà có lẽ nó thường xuyên xảy ra nên mới có hành động cả 2 cô giáo cùng nhau đánh học trò.

Đặc biệt, một giờ kiểm tra học kỳ môn Tiếng Việt ở cấp Tiểu học thường có khoảng thời gian là 60 phút, nếu ít cũng có 45 phút. Nhưng, suốt cả giờ kiểm tra như vậy mà có lẽ Ban giám hiệu nhà trường đã không đi kiểm tra các lớp, không theo dõi hình ảnh của các lớp qua camera.

Nếu theo dõi hình ảnh thì chắc chắn sẽ không có sự việc đau lòng như vậy. Rõ ràng, nhà trường lắp camera nhưng đã không có tác dụng.

Hay nói đúng hơn là không có người quản lý, theo dõi hình ảnh camera. Nhất là trong giờ kiểm tra học kỳ-một hoạt động quan trọng nhất về chuyên môn trong một năm học.

Phải chăng, các cơ quan chức năng mới tập trung xử lý kỷ luật cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang và đang nương nhẹ với cô Phạm Thị Vân và Ban giám hiệu nhà trường?

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/giao-duc/co-giao-chu-nhiem-bi-khien-trach-vi-danh-hoc-sinh-trong-gio-thi-3927033.html

THANH AN