“Lãnh đạo là người gieo hy vọng”, câu nói này của Napoleon từ lâu đã trở thành kim chỉ nam định hướng phong cách lãnh đạo của nhiều người, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ không phải nhà lãnh đạo nào cũng biết gieo mầm hy vọng đúng cách.
Mô hình lãnh đạo truyền thống vốn mang tính thực dụng, đã bỏ qua nhiều vấn đề liên quan đến trí tuệ cảm xúc và đời sống tinh thần.
Sự thiếu sót này, vô hình chung, đã sản sinh ra những nhà lãnh đạo thiếu tình cảm và kém thông minh về mặt cảm xúc.
Dù một nhà lãnh đạo có tư duy nhạy bén và thuần thục các kỹ năng cần thiết trong công việc, nhưng nếu dẫn dắt nhân viên chỉ với trí tuệ đơn thuần thì người đó xem như chỉ thành công một nửa.
Cuốn “Lãnh đạo bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc”. |
Trong cuốn “Lãnh đạo bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc”, các tác giả danh tiếng của bộ sách Harvard Business Review đã chỉ ra, sức mạnh của trí tuệ cảm xúc mới là thứ quyết định năng lực và sự thành công của nhà quản lý - không chỉ trong việc thúc đẩy kết quả kinh doanh hay giữ chân nhân tài mà còn là khơi dậy tinh thần làm việc của nhân viên, tìm ra động cơ thúc đẩy họ toàn tâm toàn ý với công việc.
Cốt lõi của nghệ thuật lãnh đạo bằng cảm xúc là việc nhà lãnh đạo thúc đẩy nhân viên làm việc chăm chỉ và không khiến họ buồn bực. Sự mệt mỏi, căng thẳng không chỉ tác động đến sự minh mẫn mà còn làm giảm trí tuệ cảm xúc.
Nếu nhà lãnh đạo thổi được luồng năng lượng say mê công việc vào nhóm và tạo được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các nhân viên thì thành công là điều có thể thấy trước.
“Thiếu đi cảm xúc mạnh mẽ từ con tim, nhà lãnh đạo chỉ có thể quản lý chứ không sao dẫn dắt được người khác”, ba tác giả - Daniel Goleman, Richard Boyatzí, Annie Mckee nhấn mạnh.
Trên thực tế, thế giới chúng ta đang sống đang thay đổi không ngừng khiến nhu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo trở nên cấp bách hơn, đồng thời cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có cách thức lãnh đạo mới.
Ngày nay, trọng trách lãnh đạo cũng không chỉ thuộc về nhóm quản lý cấp cao nhất hay giám đốc điều hành, mà còn thuộc về từng người đứng đầu trong nhóm làm việc của mình như quản đốc, nhóm trưởng hay trưởng phòng…
Vì vậy, những kiến thức được đúc kết trong cuốn sách “Lãnh đạo bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc” là cần thiết cho mọi nhà lãnh đạo, dù họ là ai, ở đâu hay nắm giữ chức vụ gì.
Với lối viết súc tích, dễ hiểu, các tác giả của bộ sách Harvard Business Review đã giới thiệu cho người đọc hiểu được tầm quan trọng của cảm xúc đối với việc lãnh đạo, đồng thời tìm ra đáp án cho những câu hỏi về lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc.
Đâu là năng lực tâm lý cần thiết giúp nhà lãnh đạo vượt qua những tình huống rối ren và đương đầu với sự thay đổi bất ngờ?
Điều gì tạo nên sức mạnh nội tại để nhà lãnh đạo giữ mình thành thực trước những sự thật có thể gây mất lòng?
Nhà lãnh đạo làm thế nào để truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc hết mình và không rời bỏ công ty trước những lời mời mọc của công ty đối thủ?
Hay làm cách nào để tạo ra bầu không khí làm việc thân thiện, kích thích sự sáng tạo cũng như nâng cao hiệu suất công việc của nhân viên?
Bạn đọc chắc chắn sẽ tìm được câu trả lời xác đáng khi đọc cuốn sách “Lãnh đạo bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc”.
“Lãnh đạo bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc” đã thay đổi gần như hoàn toàn các quan niệm trước nay về một nhà lãnh đạo tài ba.
Thông qua những câu chuyện lãnh đạo có thật cùng những phân tích khoa học logic, các tác giả đang tái định nghĩa lại nền tảng của nhà lãnh đạo xuất sắc là khả năng bồi dưỡng cảm xúc tốt đẹp cho nhân viên và tạo ra sự cộng hưởng tích cực giúp từng nhân viên tối ưu hóa khả năng làm việc của họ.
Đây là cuốn sách đầu tiên trong bộ 6 cuốn về nghệ thuật lãnh đạo của Harvard Business Review do First News phát hành.
Daniel Goleman là tác giả của nhiều đầu sách bán chạy về trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội. Ông từng là phóng viên khoa học của New York Timé, hai lần được đề cử giải Pulitzer và nhận được giải thường Thành tựu Trọn đời của Hội tâm lý học Hoa Kỳ. Richard Boyatzis là giáo sư đại học, giảng dạy về Hành vi Tổ chức, Tâm lý học và Khoa học nhận thức tại Đại học Case Western Rerserve. Ông là tiến sĩ ngành Tâm lý học Xã hội tại Đại học Harvard. Annie Mckee là đồng sáng lập Học viện lãnh đạo Teleos và giảng dạy tại Đại học Pennsylvania ngành sư phạm. |