Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần công khai danh tính phụ huynh có con được sửa điểm.
Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, phụ huynh không thể vô can khi con họ được sửa điểm thi. Ảnh: Đỗ Thơm |
“Tôi ủng hộ công khai danh tính phụ huynh có con được sửa điểm thi tại kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018.
Không thể nói các việc tày trời như thế mà phụ huynh không biết”, đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Theo đại biểu, có thể các cháu không biết được gia đình, phụ huynh có hành động làm thay đổi kết quả thi cử chứ người lớn không thể không biết.
“Chắc chắn, người có nhu cầu đề nghị thì việc sửa điểm mới diễn ra. Phụ huynh có trách nhiệm ở đây.
Trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp đến mức độ nào, cơ quan chức năng cần điều tra, tìm hiểu kỹ lưỡng để xử lý đúng theo hành vi vi phạm của cá nhân đó.
Nếu phụ huynh can thiệp, thậm chí đưa, nhận hối lộ để việc sửa điểm diễn ra thì cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật có liên quan”, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.
Đại biểu phân tích, khi xử lý, một cá nhân có thể vừa là đảng viên, là cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy hành chính công quyền của chúng ta. Ở đây, vai trò công chức, viên chức cần được xem xét nhiều hơn.
“Tôi cho rằng xử lý về mặt đảng là chưa đủ mà phải xử lý về mặt chính quyền ở vai trò họ là công chức, viên chức”, đại biểu nêu quan điểm.
Ông cũng thẳng thắn cho rằng, việc xử lý cán bộ có liên quan đến sai phạm trong việc sửa điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang làm khá chậm.
Các vụ việc đều đã phát hiện rất lâu rồi. Ví dụ như Hà Giang cũng đã gần một năm.
Chúng ta đang chuẩn bị cho kỳ thi năm nay mà việc xử lý vẫn chưa xong. Rõ ràng, nó sẽ có ảnh hưởng đến việc tổ chức kỳ thi năm nay.
Từ đó, việc chỉ đạo kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự quan tâm đặc biệt đến các địa phương này.
Đặc biệt là ở những nơi đã có sai phạm được công bố nhưng chưa xử lý thì cần có sự quan tâm chỉ đạo thi sát sao hơn.
“Làm sao để những người có dính dáng, biểu hiện sai phạm tại kỳ thi năm 2018 không được phân công nhiệm vụ tại kỳ thi năm nay.
Hòa Bình đang kiểm điểm về Đảng với cán bộ, công chức có con sửa điểm |
Bộ Giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có các giải pháp hữu hiệu nhất.
Năm nay, Bộ cũng có chủ trương đưa cán bộ các trường đại học về các địa phương tham gia nhiều khâu ở kỳ thi.
Với các địa phương đã có kết luận về gian lận thi cử, vai trò của Bộ, lãnh đạo địa phương cần mạnh hơn nữa, cán bộ các trường đại học tham gia ở các địa phương này cũng phải tăng cường hơn cả về chất lượng, số lượng, nghiệp vụ.
Một mặt cơ quan chức năng vẫn phải tiếp tục điều tra xử lý các cá nhân vi phạm gian lận thi cử năm 2018, mặt khác tổ chức làm sao để hạn chế các tiêu cực phát sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019”, đại biểu Thắng nói.
Theo đại biểu, các sự cố xảy ra trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 đã được các cơ quan chức năng phân tích, mổ xẻ, nó hỏng ở đâu và chưa chưa hoàn thiện ở góc độ nào, cơ quan quản lý cũng đã có những đề xuất để khắc phục.
Ví dụ năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao cho các trường đại học tổ chức chấm thi chứ không phải các địa phương để nâng tính khách quan. Phần mềm cũng đã được cải tiến.
Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng giám sát tất cả các khâu của kỳ thi cũng đã được rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xử lý các bất cập kỳ thi năm 2018.
Đại biểu mong với những nỗ lực từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho kỳ thi năm 2019, cùng thái độ kiên quyết xử lý tới cùng các vi phạm năm vừa qua của các cơ quan chức năng, kỳ thi tới đây sẽ an toàn, minh bạch.