Liên tiếp 2 ngày 17 và 18/5, giữa trưa nắng chói chang, chúng tôi theo chân một ngư dân sinh sống nhiều năm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tận mục sở thị hàng loạt công trình xây dựng trên các hòn đảo giữa Di sản thiên thế giới vịnh Hạ Long.
Đại công trường bê tông hóa vịnh Hạ Long
Tại khu vực đền Bà Men (trước đây là một ngôi miếu nhỏ do ngư dân trên vịnh lập để thờ cúng mỗi lần ra vào cửa vịnh) đang được xây dựng rầm rộ bằng bê tông cốt thép ngay trên đảo.
Công trình rộng hàng trăm mét vuông với hàng chục nhân công gấp rút thi công như một đại công trường, hoạt động suốt ngày đêm.
Nhiều công trình xây dựng đang thi công rầm rộ trong vùng lõi vịnh Hạ Long (Ảnh: Lã Tiến) |
Cách đó không xa, hang Cỏ (hay còn gọi là hang Thiên Cảnh Sơn) nằm ở trung tâm bảo tồn Cống Đỏ, hòn Soi Cỏ được xem là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Tuy nhiên, vài năm nay, hòn đảo này đang bị xâm phạm nghiêm trọng bởi các hoạt động xây dựng trái phép.
Nhìn từ xa, góc đảo là một bãi tắm nhân tạo được phun cát trắng khá quy mô, phía trên vài chục chiếc xuồng Kayak xếp trên bãi cát.
Trên bãi, một căn còi tạm bợ nhếch nhác được dựng lên sát vách núi, quanh đó là những bộ bàn ghế, ô che nắng.
Ngay gần bãi tắm, mặt sau của hòn đảo, một bến cặp tàu quy mô lớn hiện ra với bờ kè bê tông ôm gần trọn một mặt hòn Soi Cỏ.
Bến cặp tàu được xây dựng kiên cố chạy dài cả trăm mét, bề mặt rộng hàng chục mét nhô ra biển.
Trên bến, một căn chòi có nhân viên Ban quản lý vịnh túc trực kiểm soát khách tham quan.
Ngư dân chở chúng tôi cho biết, buổi chiều hàng ngày, có khá nhiều tàu du lịch ghé vào đây để khách tham quan hang Cỏ, tắm biển và chèo thuyền Kayak.
Lấn biển mở rộng đường bao biển thêm 28m sẽ phá vỡ cảnh quan Vịnh Hạ Long? |
Tiếp đó, hòn đảo Cây Chanh đối diện với Hang Thầy cũng đã mọc lên một bến cập tàu cũng hoành tráng không kém.
Dưới chân đảo, một bờ kè kiên cố xây dựng bằng đá cao hơn mực nước biển gần mét, chạy dài gần 200m lấn ra phía mặt biển.
Trong bờ kè, người ta phun cát san lấp tạo mặt bằng, chỉ cần láng mặt nữa là bến cặp tàu này coi như hoàn thành.
Theo lời một số ngư dân sinh sống trên vùng vịnh, các công trình bê tông hóa vịnh Hạ Long kể trên đều nằm trong khu vực quản lý của Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Vài năm trở lại đây, không chỉ các doanh nghiệp tự ý đổ bê tông, đổ cát chiếm đảo mà chính Ban quản lý vịnh Hạ Long cũng là chủ đầu tư một số công trình đang được gấp rút thi công giữa vùng lõi di sản này.
Lập biên bản sao không xử lý?
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long thừa nhận, các công trình xây dựng đã và đang diễn ra tại khu vực Cống Đỏ và đảo Bà Men là những công trình xây dựng trái phép tại vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Cũng theo ông Huỳnh, công trình bến cập tàu, bãi tắm tại hòn Soi Cỏ và hòn Cây Chanh do Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương triển khai xây dựng trái phép từ năm 2016 tới nay.
Theo tìm hiểu, từ năm 2009, Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho phép thí điểm khai thác dịch vụ tại khu vực Cống Đỏ.
Đại công trường bê tông hóa vịnh Hạ Long (Ảnh: Lã Tiến) |
Tuy nhiên, từ các năm 2015-2016, doanh nghiệp này đã cấp tập xây dựng các công trình bãi tắm, bến cập tàu trái phép tại hai hòn đảo ở đây.
Tại đảo Soi Cỏ bãi tắm và bến cập tàu xây dựng kiên cố đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Còn tại đảo Cây Chanh, doanh nghiệp này đã xây dựng bến cập tàu dài 180m với bờ kè bê tông kiên cố nhưng đang bỏ dở vì bị đình chỉ.
Cũng theo ông Huỳnh, các công trình vi phạm này đã bị Ban quản lý vịnh Hạ Long phát hiện, lập biên bản chuyển cho thành phố Hạ Long xử lý từ năm 2016.
Tuy nhiên, sau đó, bến cập tàu tại đảo Soi Cỏ vẫn được hoàn thành và đưa vào khai thác, còn bến cập tàu tại đảo Cây Chanh cũng xây dựng gần hoàn thành mới chịu dừng lại.
Hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên vịnh Hạ Long vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ (Ảnh: Lã Tiến) |
Về công trình xây dựng Đền Bà Men, theo ông Nguyễn Bá Căn, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn 2, Đền Bà Men là công trình dân gian, gốc tích là của ngư dân, phục vụ tín ngưỡng cho ngư dân.
Do thời gian qua Đền có hiện tượng xuống cấp, dột nát, từng bị đổ tường…gây nguy hiểm nên đã tiến hành tu sửa, tôn tạo…trên nền di tích cũ.
Còn theo ông Phạm Đình Huỳnh thì Phòng Văn Hóa thành phố Hạ Long đang nghiên cứu, xem xét lập hồ sơ.
Ông Huỳnh cũng thừa nhận, đến nay, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cho phép sửa chữa, tôn tạo công trình này.
Được biết, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh chi nhiều tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy lợi thế của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, lực lượng chức năng quản lý vịnh Hạ Long lại không kịp thời phát hiện các công trình vi phạm tại vùng lõi của vịnh Hạ Long.
Hơn nữa, sau khi các cơ quan chức năng đã lập biên bản nhưng lại không xử lý dứt điểm, yêu cầu tháo dỡ trả lại nguyên trạng.
Dư luận cho rằng, phải chăng có một thế lực đứng đằng sau “bảo kê” cho các công trình xây dựng trái phép, bê tông hóa di sản vịnh Hạ Long?