LTS: Giáo sư Nguyễn Xuân Thu gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một bài viết chia sẻ quan điểm của mình về văn hóa và triết lý giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhân đọc bài “Thảo luận về dự thảo Luật giáo dục” đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 22/5/2019, tôi xin có ý kiến liên quan đến hai nội dung: văn hóa và triết lý giáo dục.
1. Văn hóa
Văn hóa là một từ mỗi nhà văn hóa học có một định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên từ nửa sau của thế kỷ 20 đến nay, các nhà văn hóa học đã thống nhất với nhau một định nghĩa.
Theo đó, một cách nôm na, văn hóa là những gì có giá trị mà một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng, một xã hội tôn trọng, công nhận, và áp dụng.
Văn hóa có những đặc điểm như: (1) văn hóa là sản phẩm của con người, các loài vật khác không có văn hóa;
(2) văn hóa có thể học hỏi, bảo tồn và phát huy từ đời này qua đời khác (ngôi nhà của người Việt Nam bây giờ khác xa với những ngôi nhà xây từ đầu thế kỷ 20, nhưng các tổ ong, tổ kiến thì từ xưa đến nay và về sau vẫn mãi mãi không thay đổi);
(3) mỗi xã hội có một nền văn hóa khác nhau, tuyệt đối cấm không được đánh giá văn hóa này cao hơn văn hóa kia.
Điển hình, người Esquimo trong các mùa đi săn nhiều tháng thường mượn vợ của người khác đi theo.
Họ quan niệm cho người khác mượn một vật dụng gì thì vật dụng ấy có thể bị mòn, hư, còn cho người khác mượn vợ của mình thì sẽ làm cho vợ tươi mát hơn hoặc khi tiếp một người khách quý, sau khi ăn xong là khách phải chuẩn bị làm tình với vợ của chủ nhà, nếu khách từ chối, danh dự của người chủ nhà bị chà đạp, và có trường hợp đã có người khách Mỹ bị giết vì vi phạm văn hóa của người Esquimo.
Như vậy không thể nói văn hóa nào cao hơn văn hóa nào.
(Muốn hiểu thêm về văn hóa, xin xem thêm bài Tìm hiểu Văn hóa của Nguyễn Xuân Thu, đăng trên báo Văn Nghệ, tháng 3 năm 1997)
2. Triết lý giáo dục
Cuộc thảo luận về giáo dục trong ngày 21/5/2019 tại phòng họp Diên Hồng ở Hà Nội thể hiện quyết tâm cao của cơ quan lập pháp muốn có một bản Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) hoàn chỉnh nhất để đất nước có một nền giáo dục phổ thông có thể đào tạo ra được những con người lớn lên có nhân cách và năng lực phục vụ xã hội với trách nhiệm cao nhất.
Xin góp một số ý như sau:
Người viết bài này rất trân trọng ý kiến của vị quan chức trong Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh tính nhân văn (kết tinh từ tính nhân dân (?) và tính dân tộc).
Mục tiêu chủ đạo của giáo dục phổ thông (đặc biệt là giáo dục trong giai đoạn phổ cập) tại các nước phương Tây là giúp cho học sinh yêu thích các giá trị nhân văn để rồi củng cố thêm trong những năm sau tại các bậc học cao hơn và sử dụng chúng suốt đời còn lại.
Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn |
Người viết cũng hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật về sự bất cập của giáo dục mầm non và tiểu học của Việt Nam hiện nay.
Một vị đại biểu tại Bạc Liêu yêu cầu Việt Nam phải có một Triết lý giáo dục. Triết lý ấy nói gọn là gì?
Theo người viết, triết lý giáo dục không phải cái gì cao siêu cả. Các chính sách giáo dục, các phương pháp dạy và học, các chương trình đào tạo, các quyết định, nghị định, văn bản liên quan đến giáo dục chính là triết lý giáo dục.
Khác biệt chính giữa hai loại ấy là triết lý giáo dục thông thường do các nhà nghiên cứu giáo dục, sưu tầm, phân tích, đối chiếu, chắt lọc, in ấn, phổ biến và được toàn xã hội công nhận, còn các văn bản liên quan đến giáo dục do nhà nước đưa ra chưa có sự đồng tình và thừa nhận rộng rãi của toàn xã hội.
Vì thế mà giáo dục của đất nước từ ngày đổi mới đến nay đã phải nhiều lần cải tổ.
Một ý kiến của một nhà lãnh đạo giáo dục trong cơ quan lập pháp cho rằng “Triết lý giáo dục là nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại” là hoàn toàn không đúng.
Trong bốn cụm từ này, tính chất của từ “nhân dân” mơ hồ không thích hợp trong giáo dục (như chính quyền nhân dân, công an nhân dân, quân đội nhân dân), ba từ sau là “dân tộc, khoa học, hiện đại” không mới, rất cũ, nhằm nói lên chủ trương, điểm nhấn của một nền giáo dục, giống như câu “Tiên học lễ hậu học văn” mà một số trường phổ thông tại Việt Nam còn in trên tường, vách.
Đã có ai tìm hiểu xem học sinh trong các trường “tiên học lễ” ấy về mặt đạo đức có nổi trội hơn học sinh trong các trường khác?
Trước năm 1975, ba từ “dân tộc, nhân bản và khai phóng/khoa học” đã được sử dụng làm nền, làm biểu tượng, làm phương châm (slogan) cho giáo dục tại miền Nam. Người hiểu biết, không ai cho rằng ba từ ấy là triết lý giáo dục.
Lúc ấy vì chiến tranh, miền Nam thực sự cũng chưa có một triết lý giáo dục đúng với ý nghĩa của nó. Các cấp có thẩm quyền đã phải dựa trên triết lý giáo dục của Pháp, rồi về sau của Mỹ.
Theo đó, giáo dục tiểu học là giáo dục cộng đồng (thầy giáo tuyển từ cộng đồng, phương pháp giảng dạy dựa trên các phương tiện có sẵn trong xã ấp, nội dung học tập lấy từ chất liệu trong cộng đồng…), giáo dục trung học là giáo dục tổng hợp (ngoài các môn học truyền thống, học sinh được dạy thêm các nghề mới nổi lên trong xã hội), còn giáo dục đại học là giáo dục đại chúng (trường đại học Bách khoa Thủ Đức và hàng loạt các trường khác công lập cũng như tư thục ra đời như trường đại học Quảng Đà (nay là Đà Nẵng), trường đại học Cộng đồng Nha Trang, trường đại học Cao Đài, trường đại học Hòa Hảo, trường đại học Cộng đồng Tiền Giang…).
Cả ba cấp giáo dục ấy hoạt động làm sao để phản ánh rõ nét ba phương châm đã đề ra là “dân tộc, nhân bản và khai phóng/khoa học”.
3. Triết lý giáo dục là gì? Quan trọng như thế nào?
Triết lý giáo dục rất quan trọng đối với giáo dục trong một quốc gia. Nó chỉ ra hướng đi cho giáo dục, lộ trình tới điểm đến, chỉ ra các phẩm chất, năng lực và trách nhiệm của một người sau một quá trình học tập, các nội dung cần học tập, các phương pháp dạy và học, trách nhiệm của nhà trường và từng nhà giáo, vai trò của phụ huynh học sinh, vai trò của xã hội đối với giáo dục…
Không cần một chương, điều với tên gọi là “triết lý giáo dục" ở Luật Giáo dục |
Các nhà triết học giáo dục phương Tây tổng hợp và tuyên bố rộng rãi như sau:
Triết lý giáo dục là hệ thống giáo dục gồm nhà trường và các thầy cô giáo đứng lớp có trách nhiệm hiểu rõ những sở thích, ước mơ, khát vọng, đam mê của từng học sinh và tìm mọi phương pháp dạy và học thích hợp để giúp chúng khám phá và nuôi dưỡng được những gì chúng yêu thích từ những năm tháng ngồi dưới mái trường của giáo dục phổ cập.
Thể hiện rõ nét nhất từ triết lý giáo dục này là các lời nhận xét rất chính xác đến độ ngạc nhiên đối với mỗi học sinh của mình trong từng học kỳ của giáo viên trong các trường phổ thông ở Âu, Mỹ.
Với triết lý này, nếu đánh giá thật khách quan, hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam cho đến nay đã đạt được những gì? Tại sao có nhiều học sinh phổ thông phải đi du học nước ngoài rất tốn kém và có nhiều rủi ro?
Vì sao có quá nhiều trường phổ thông quốc tế, trường song ngữ, các trung tâm dạy trẻ ra đời ồ ạt tại các thành phố lớn của Việt Nam?
Có nên chăng cần phải có một số công trình nghiên cứu xem có những tác động tiêu cực nào của các trường quốc tế hiện nay đối với xã hội Việt Nam? Bài học từ các trường của Pháp tại miền Nam trước đây vẫn còn chưa nguội lạnh.