Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Sau đó, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này.
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Quochoi.vn |
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc – đoàn Đồng Nai đã chia sẻ một số quan điểm của ông xung quanh dự án Luật.
Về vấn đề đánh giá năng lực của công chức, viên chức xem còn đáp ứng được yêu cầu không, theo đại biểu Dương Trung Quốc phải trao quyền cho những người quyết định việc nên giữ hay không giữ công chức, viên chức.
Bất cập hiện nay, nó thể hiện khá rõ trong tình trạng đề bạt, điều chỉnh, điều chuyển cán bộ đằng sau đó có những lợi ích.
“Đúng là trao đặc quyền sẽ biến thành đặc lợi nên cần có chế tài để theo dõi. Theo tôi không gì bằng tính minh bạch.
Ta cứ minh bạch ra tại sao người này không được sử dụng nữa. Việc minh bạch sẽ có sự đồng thuận của đồng nghiệp, để xã hội nhìn vào thấy nó trong sáng.
Phải có chế tài rất nặng với chuyện hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy việc trong tuyển dụng công chức, viên chức”, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Theo ông: “Hiện nay bộ máy công chức, viên chức đang cho thấy có việc lạm quyền. Và nếu chúng ta nuôi công chức như hiện này không có tiêu cực mới là lạ”.
Đại biểu cho rằng, đã đến lúc phải xem xét lại chế độ lương bổng của công chức, viên chức.
“Chúng ta rất muốn giảm biên chế, nhưng chúng ta phải quyết đoán trong vấn đề lương cho công chức, viên chức.
Nếu không sẽ chỉ loay hoay như chuyện “quả trứng với con gà””, đại biểu nêu quan điểm.
Về đề xuất bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức tuyển dụng mới, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn ủng hộ với quy định sẽ không còn “viên chức trọn đời””.
Ông phân tích, nhìn vào hệ quả của những gì đã qua cho thấy, quy định cũ giúp nhiều người có kinh nghiệm, uy tín nhưng ngược lại cũng làm cho không ít viên chức trở nên quan liêu, rất kém hiệu quả.
Nhìn vào thế giới, việc lựa chọn chỗ ở, lựa chọn công việc dựa theo năng lực của họ. Nên người ta lựa chọn những việc làm tốt nhất và có khả năng nhất của họ.
Nếu ràng buộc viên chức như cũ sẽ khuyến khích “tính ì”.
Người ta chỉ nhìn thấy họ có những đặc quyền, đặc lợi nên họ sẽ khai thác hết tối đa đặc quyền, đặc lợi ấy mà không phát huy mặt mạnh của họ được nếu cứ theo nếp cũ.
Còn theo dự Luật mới, họ hoàn toàn có thể tìm tới một thị trường nhân lực thoải mái. Chắc chắn trong số đó sẽ có nhiều người phát huy được năng lực, mà sự phát huy đó sẽ đóng góp được cho xã hội.
Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm |
Trước đó, theo tờ trình dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng ngày 17/4, một trong những đề xuất chính sách mới là bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới.
Theo ông Tân, đề xuất này là thực hiện các nghị quyết của Trung ương khóa XII.
Theo đó, tại dự thảo, Chính phủ đề xuất phương án, từ sau khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/1/2020), sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.
Với phương án này, sẽ không thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới, kể cả trường hợp hết thời hạn lần thứ 2 (theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn).