Ngày 24/5/2019 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo: Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc - Bắt đầu từ “7 thói quen” do Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cùng Công ty cổ phần FCE Việt Nam phối hợp tổ chức với mục đích chuẩn bị tâm thế, kĩ năng thay đổi bản thân nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tại buổi hội thảo, Nhà giáo ưu tú Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội đã trình bày Dự thảo đề án : Giải pháp phát huy nội lực, tạo động lực nâng cao năng lực, trình độ nhà giáo để thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông sau 2020.
Nhà giáo ưu tú Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: “Hiện trạng nhà giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có một bộ phận những nhà giáo yêu nghề, nhận thức được sứ mệnh của người thầy, luôn luôn tự học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, được học sinh yêu quý. Họ là lực lượng nòng cốt của giáo dục Việt Nam hiện nay. Rất tiếc tỷ lệ này hiện vẫn còn nhỏ.
Số đông nghiêm túc, cần cù chịu khó nhưng không đủ năng lực về phương pháp sư phạm, đa số là làm theo, lún sâu vào cách dạy truyến thống chạy theo kiểu kiến thức, thi cử.
Họ bị hạn chế nhiều chưa được giải thoát, không đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Làm gì đây để thay đổi nhận thức, tạo động lực và quan trọng phải giúp họ có đủ kỹ năng, thói quen thay đổi bản thân để đáp ứng những yêu cầu đổi mới.
Đây là giải pháp mà nhiều năm nay ngành giáo dục chưa quan tâm thỏa đáng, chưa thấy hết vị trí, vai trò của nó và chưa có biện pháp cụ thể để phù hợp với đội ngũ nhà giáo trong quá trình tác động.
Nếu chúng ta làm chuyển biến đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm, đề án sẽ có tác động kép”.
Nhà giáo có khả năng sẽ tác động lên đội ngũ học sinh, nhất là những học sinh có cá tính mạnh, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ có điều kiện để thầy cô tác động một cách hợp lý khoa học. Đây là giải pháp hạn chế những tiêu cực trong đội ngũ nhà giáo hiện nay.
Đề án thực hiện bồi dưỡng giáo viên bằng những phương pháp giáo dục tác động lên tâm lý để thay đổi nhận thức và tổ chức các hoạt động trải nghiệm để rèn kỹ năng và tổ chức để mỗi cán bộ quản lý.
Giáo viên tham gia đề án có thời gian xây dựng chương trình hành động phát triển bản thân theo tinh thần chủ động , tích cực mà đổi mới, sáng tạo.
“Đây là cách bồi dưỡng phát huy tổng hợp nhiều phương pháp đã thành công trong việc đào tạo nhân lực của nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật, đề án áp dụng để giáo viên phát huy hết nội lực, có đủ năng lực thay đổi bản thân”, Tiến sĩ Tùng Lâm nhấn mạnh.
Đề án hỗ trợ để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục đào tạo tự nguyện tham gia sẽ phát huy nội lực, có động lực, có kỹ năng để thay đổi bản thân, hỗ trợ cho việc thực hiện yêu cầu chương trình đổi mới giáo dục phổ thông sau 2020 đạt kết quả cao.
Đề án hỗ trợ việc xây dựng những tập thể nhà giáo ở các cơ sở giáo dục có đủ năng lực làm thay đổi kết quả giáo dục hành vi, nhân cách của học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, và khắc phục những biểu hiện tiêu cực hiện nay trong đội ngũ nhà giáo.
Phát huy nội lực nhà giáo Hà Nội.
Tạo động lực cho mỗi nhà giáo nhằm phát huy nội lực của chính bản thân để đạt được những mục tiêu của cá nhân trong công tác quản lý giáo dục hay giảng dạy, thì cần có điều kiện hay môi trường thích hợp để mỗi cá nhân có thể phát huy được năng lực và thích ứng với sự thay đổi.
Hiện nay ở khía cạnh này, có một số chính sách của nhà nước tác động lên nhà giáo về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, tuyển chọn, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo của nhà nước đã và đang thực hiện.
Bên cạnh đó, nên có sự quan tâm xứng đáng của từng cơ sở Giáo dục để cung cấp thêm các kỹ năng và những thói quen làm việc hiệu quả cho mỗi cá nhân.
Phát huy nội lực của nhà giáo chính là chúng ta phải tác động để phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần sáng tạo, tinh thần vượt khó bằng chính lòng yêu nghề, sự tâm huyết về trí tuệ mẫn tiệp của các nhà giáo ở các cơ sở giáo dục
Phần đầu tiên này sẽ được thực hiên thông qua chương trình đào tạo “7 thói quen hiệu quả” của Stephen Covey. Ảnh: Tùng Dương. |
Nội dung chương trình tác động.
Nhằm tác động và tạo sự chuyển biến từ bên trong của mỗi nhà giáo tham gia chương trình, nội dung chương trình được thiết kế gồm 3 cấu phần. Một cấu phần nền tảng - cấu phần 1 và cấu phần bổ trợ là cấu phần 2 và 3.
Phần đầu tiên là trang bị cho những người tham dự các nền tảng cốt lõi về giá trị của năng lực cá nhân và các thói quen để hình thành, duy trì và phát huy các thế mạnh không chỉ của bản thân mà còn của tập thể hay đơn vị nơi nhà giáo đang công tác.
Cấu phần đầu tiên này sẽ được thực hiên thông qua chương trình đào tạo “7 thói quen hiệu quả” của Stephen Covey.
Hội thảo về xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực thời 4.0 |
Cấu phần thứ hai của chương trình là phương thức dạy học tích cực, nhằm đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ giáo viên về các vấn đề trong dạy học và giáo dục học sinh.
Cấu phần thứ ba là chương trình đào tạo về tư duy xuất chúng được xây dựng trên nền tảng bộ môn khoa học tâm trí.
Ba cấu phần của chương trình sẽ bổ trợ để thay đổi mô thức tư duy của người tham dự, hiểu rõ nội lực của cá nhân, chủ động tạo động lực, thực hiện công việc hiệu quả, và trực tiếp tác động tích cực tới các lớp học sinh.
Hai cấu phần bổ trợ này tùy nhu cầu và đặc điểm của giáo viên mỗi nhà trường tự lựa chọn, không bắt buộc
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: “Hiện nay Hội mới tập trung xây dựng chương trình cho giáo viên tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông còn giáo viên mầm non cuối năm Hội sẽ tổ chức chương trình riêng gắn với nội dung dạy học theo phương pháp Montessori.
Hội đã ký văn bản với Hiệp hội Montessori quốc tế (AMI), Hội phối hợp với hai trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây và Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương thực hiện chương trình này.
Đây là phần phác thảo đề án thông qua Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thông báo với các nhà tài trợ. Sau khi Ban Giám đốc thông qua và thành lập Ban chỉ đạo đề án sẽ có kế hoạch thực hiện đề án”.