Đào tạo ra người tử tế hay thiên tài?

09/06/2019 06:09
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Lớp trẻ đâu muốn nghe những lời diễn giảng sáo rỗng mà rất dễ dàng tiếp thu một cách hứng thú khi nghe kể chuyện về những điều mà chúng chưa biết và muốn biết.

LTS: Đặt ra câu hỏi "Đào tạo ra người tử tế hay thiên tài?", Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả bài viết.

Trên mục Góc nhìn của vnexpress, tôi đọc được bài "Phẩm chất của thiên tài", trong đó có đoạn viết: Hơn 13 trang A4 trong nội dung chương trình tổng thế chỉ để liệt kê các "yêu cầu cần đạt", lập bảng chia cột với các tiêu chí cụ thể dành cho học sinh từng cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Lấy mức dành cho học sinh hoàn thành chương trình phổ thông, tôi đếm được đề án quy định cần đạt 5 phẩm chất chủ yếu (với 10 phẩm chất cụ thể) và 3 năng lực chính (với 20 năng lực cụ thể).

Tổng cộng có 68 gạch đầu dòng quy định các phẩm chất và năng lực cần đạt… 68 đầu mũ nội dung cụ thể quy định phẩm chất và năng lực này cho một học sinh Trung học phổ thông còn chưa bao gồm 13 năng lực đặc thù liên quan đến các môn học trong nhà trường mà ngành giáo dục yêu cầu mỗi học sinh cần phải đạt được.

Đào tạo ra người tử tế hay thiên tài? ảnh 1Về hệ thống giáo dục mở

Tôi là một cán bộ quản lý nhiều năm. Đơn vị nơi tôi công tác cũng có hơn 100 người trưởng thành đang làm việc, nhưng thực sự tôi không dám chắc là có ai trong số đó (bao gồm cả tôi) đạt được một nửa trong số 30 phẩm chất và năng lực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đòi hỏi một học sinh phổ thông của Việt Nam cần phải có?

Trước đây, Bác Hồ dạy Thiếu nhi 5 điều: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".

Thật dễ nhớ, dễ hiểu và có đủ ngần ấy phẩm chất đã đủ trở thành con người tử tế.

Một người bạn của tôi nói: Tôi chỉ dạy con tôi có ba điều thôi: Trung thực, Dũng cảm và Biết yêu thương.

Tôi thấy cũng rất có lý! Đã trung thực thì không gian dối, không làm điều gì trái với luân thường, đạo lý.

Đã dũng cảm thì không thể lười biếng trong học tập, trong lao động. Và đã biết thương người thì không thể thiếu lòng nhân ái, không thể có bạo hành với bạn, thiếu lễ độ với cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi.

Hội Liên hiệp Thanh niên Quốc tế (IYF- International Youth Fellowship) với thanh niên hơn 100 quốc gia là thành viên cũng đâu có nêu lên chủ nghĩa này, học thuyết nọ, mà chỉ nêu có mỗi một mục tiêu: Đào tạo thanh niên thành những con người tử tế.

Tiến sĩ Hàn Quốc Park Ock Soo là nhà sáng lập và hiện là cố vấn của IYF, trong tác phẩm Máy định vị tấm lòng (Mind Navigation, bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành) đã viết: "Con người học rất nhiều điều từ khi sinh ra cho đến khi chết… Nhưng con người chưa bao giờ học và cũng không có nơi nào dạy về thế giới tấm lòng - điều quan trọng nhất và cần thiết nhất trong cuộc sống.

Vì chỉ biết một cách mơ hồ về tấm lòng nên những học sinh lẽ ra không đáng phải chịu bất hạnh lại trở nên bất hạnh, những người trẻ lẽ ra không đáng phải sống buồn rầu lại trở nên buồn rầu".

Đào tạo ra người tử tế hay thiên tài? ảnh 2Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (25) - Máy định vị tấm lòng

Tôi nghĩ 5 phẩm chất chủ yếu (với 10 phẩm chất cụ thể) và 3 năng lực chính (với 20 năng lực cụ thể), tổng cộng có 68 gạch đầu dòng quy định các phẩm chất và năng lực cần đạt của chương trình giáo dục tổng thể đều hay và không có gì sai .

Tuy nhiên, yêu cầu mọi giáo viên phải hoàn thành từng ấy nhiệm vụ có lẽ là điều không tưởng.

Học sinh còn không ít tình trạng ham chơi hơn ham học, thiếu tư cách trong và ngoài xã hội, còn phổ biến tình trạng bạo hành với bè bạn, gian lận trong thi cử, thiếu lễ độ với thầy cô và người lớn tuổi, ham mê Facebook và mạng xã hội hơn là đọc sách, lười tập luyện và giữ gìn sức khoẻ, không muốn phát triển toàn diện về âm nhạc, hội hoạ, văn học…

Nếu chỉ hướng các em vào ít nguyên lý đạo đức thôi thì các em sẽ dễ dàng tự giác ngộ và tự điều chỉnh hành vi của mình.

Những buổi nói chuyện của tôi về Khởi nghiệp trong Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, đã có hàng nghìn em học sinh chăm chú lắng nghe suốt 2-3 giờ liền, kể cả khi trời nắng hay mưa nhỏ và tranh luận với tôi trong phần cuối của chương trình.

Tôi ngẫm ra rằng lớp trẻ đâu muốn nghe những lời diễn giảng, răn dạy sáo rỗng mà rất hứng thú khi nghe kể chuyện về những điều mà chúng chưa biết và muốn biết.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khích lệ động viên các em học sinh sáng tạo và theo đuổi ước mơ khởi nghiệp. Ảnh: Lại Cường.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khích lệ động viên các em học sinh sáng tạo và theo đuổi ước mơ khởi nghiệp. Ảnh: Lại Cường.

Giáo dục trẻ là cả một việc khó khăn mà qua hàng vài chục lần thuyết trình tôi mới cải tiến được dần dần nội dung bài nói.

Tôi không hề phản đối cái mà nhà báo kể tới 68 đầu mũ nội dung cụ thể quy định phẩm chất và năng lực, nhưng tôi muốn nhắn nhủ các thầy cô giáo nên thể hiện 68 đầu mũ ấy vào một ít điều thôi và hãy nhắc lại nhiều lần để cốt sao cho thế hệ trẻ của chúng ta biết Trung thực, Dũng cảm và Biết yêu thương, hay biết về tấm lòng lương thiện như Tiến sĩ Park Ock Soo đã nhiều lần giảng dạy tại hàng chục quốc gia trên thế giới.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng