Câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ 60, nam 62 đang thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.
Trong số đó, nhiều thầy cô giáo (đặc biệt là giáo viên mẫu giáo và tiểu học) lên tiếng khá nhiều.
Toàn cảnh hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) (Ảnh VOV) |
Đa phần là những ý kiến phản đối vì tuổi về hưu khá cao, giáo viên không còn tinh anh, năng động để giảng dạy theo kịp sự đổi mới của chương trình.
Ngược lại vẫn có không ít ý kiến đồng tình. Vì sao vậy? Hãy lắng nghe họ nói.
Thâm niên nhiều, lương cao
Một giáo viên tiểu học sắp về hưu hiện nay có mức lương gần 10 triệu đồng/tháng.
Nếu về hưu số tiền lương còn nhận khoảng 6 triệu đồng.
Trong thực tế, có không ít thầy cô dù đã về hưu nhưng vẫn chưa được nghỉ ngơi vì còn phải lo gánh nặng gia đình.
Bởi thế, nói là về hưu họ vẫn phải bươn chải ngoài đời để kiếm thêm đồng rau đồng mắm bù vào khoản thu nhập đã thiếu hụt khi về hưu.
Đa phần họ chọn công việc kiêm nhiệm ở các xã phường hoặc ra chợ ngồi bán hàng. Mỗi tháng cũng được thêm vài triệu.
Thậm chí có giáo viên về hưu rồi vẫn phải đi trông trẻ thuê vì gia cảnh rất khó khăn.
Một số thầy cô cho biết, làm những công việc ấy so với việc đi dạy đương nhiên vất vã hơn nhiều.
Nghĩ về quyền lợi cá nhân họ vẫn thích được tăng tuổi hưu để có thêm 5 năm nhận lương cao mà không phải bôn ba, chạy vạy bên ngoài.
Nhưng nói về quyền lợi học sinh, những giáo viên này cũng thừa nhận “Các em học sinh cũng sẽ bị thiệt thòi nhiều lắm”.
Bởi chính họ không còn sự giỏi giang, năng động và tinh anh như lớp thầy cô giáo trẻ.
Học với giáo viên lớn tuổi học sinh thiệt thòi nhiều
Câu nói “thầy đồ già, con hát trẻ” đã không còn đúng so với ngày nay. Giáo viên lớn tuổi hiện nay so với lớp giáo viên trẻ đã thua xa khá nhiều.
Thua về khả năng ngoại ngữ, vi tính, kĩ năng cập nhật kiến thức và phương pháp dạy học mới…
Thua về sự nhiệt tình, lòng nhiệt huyết với học sinh.
Thua về khả năng học hỏi, tìm tòi, cập nhật cái mới.
Không ít thầy cô bảo thủ cứ khư khư giữ mãi kinh nghiệm cũ rích của mình bao năm mà không chịu tin rằng kiến thức, phương pháp dạy học cần phải được cập nhật, học hỏi thường xuyên.
Dạy trẻ tiểu học, mẫu giáo yêu cầu người giáo viên phải luôn năng động. Học, vui đùa, hòa mình vào các trò chơi tập thể với các em thì bài dạy mới hiệu quả.
Tuy thế, điều này là một thách thức lớn với giáo viên lớn tuổi hiện nay.
60 tuổi đa phần thầy cô chân đi đã mỏi, không ít người mắc chứng bệnh giãn tĩnh mạch, thấp khớp, đứng một lúc còn khó khăn sao có thể đứng cả buổi?
Nói gì đến việc nhún nhảy, hát múa, chơi trò chơi cùng trẻ?
Mỗi khi trở trời, tay chân đau nhức gây cảm giác khó chịu.
Tuổi cao, tính hay cáu bẳn, trẻ nhỏ lại thích sự vui tươi, hào hứng, sôi động. Những thầy cô giáo già sao có thể đáp ứng tốt đây?
Vào lớp, giáo viên chỉ ngồi một chỗ cho học sinh làm bài thì chất lượng dạy có tốt không?
Chưa nói đến những buổi đi thực tế, dã ngoại, giáo viên lớn tuổi làm sao chạy theo những đứa trẻ luôn chạy nhảy tung tăng, vui đùa thế kia?
Đã thế, lứa tuổi này, giáo viên đa phần bị khan tiếng vì viêm họng (một căn bệnh mãn tính) vì thường xuyên nói và hát.
Những ngày trái gió trở trời, sao thầy cô có thể giảng bài? Chẳng lẽ lên lớp lại im lặng hay sao?
Vẫn giữ tuổi hưu như cũ, ai có nhu cầu làm đơn xin ở lại
Vì những lý do đã trình bày ở trên, chúng tôi nghĩ vẫn nên để đúng tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
Nếu ai còn sức khỏe, ai có nhu cầu tiếp tục cống hiến thì làm đơn xin ở lại nữ không quá 5 năm, nam không quá 2 năm.
Có thế, mới không nhìn thấy cái cảnh thầy cô già, bệnh tật mà vẫn lụm cụm ngày 2 buổi tới trường cũng chỉ có ngồi và tháng tháng nhận lương.
Và như thế học sinh mới là những đứa trẻ khổ và thiệt thòi nhất.