Phản ứng của thầy cô giáo trước thông tin sẽ bỏ chế độ viên chức suốt đời

01/06/2019 06:19
Vũ Ninh
(GDVN) - Người ủng hộ bỏ chế độ viên chức vì sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên cũng có người cho rằng điều kiện thực tiễn chưa phù hợp để thực hiện.

Bỏ chế độ viên chức suốt đời nên làm vì sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ (Đông Anh, Hà Nội) đã gắn bó với ngành giáo dục được 17 năm ủng hộ bỏ chế độ viên chức suốt đời.

Xuất phát từ trải nghiệm thực tiễn trong công việc của bản thân, cô Mỹ kể có nhiều giáo viên được biên chế nhưng trình độ lại thua xa giáo viên hợp đồng.

Bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên trong bối cảnh hiện nay là cần thiết

Cô Mỹ chia sẻ:“Năm trước có một giáo viên biên chế về trường.

Hiệu trưởng giao cho tôi kèm cặp giáo viên đó.

Thực lòng mà nói cô ấy chẳng có chút kinh nghiệm nào trong giảng dạy, trình độ chuyên môn cũng không phải là giỏi.

Đây là thực tiễn đã xảy ra tại trường tôi và nhiều trường khác. Nhiều giáo viên họ bỏ tiền chạy biên chế khi áp dụng vào thực tiễn công việc thì mới thấy trình độ của họ còn kém hơn cả giáo viên hợp đồng”.

Bên cạnh đó theo cô Mỹ việc được vào biên chế còn khiến một số giáo viên nảy sinh tâm lý “ì ạch”.

Cô Mỹ tâm sự: “Thật lòng mà nói khi đã vào biên chế tức là họ đã không còn động lực để phấn đấu từ đó sinh ra tâm lý ì ạch.

Chẳng hạn ở trường tôi phần việc bao giờ cũng được chia sẻ cho giáo viên hợp đồng nhiều hơn là giáo viên biên chế.

Lấy ví dụ chúng tôi chỉ được nghỉ chế độ thai sản có 3 tháng, trong khi đó đối với giáo viên đã vào biên chế là 6 tháng.

Lương của họ cao hơn nhưng lại làm ít việc hơn. Phần đông tâm lý của giáo viên hợp đồng còn sự phấn đấu.

Họ nghĩ rằng nếu phấn đấu tốt, hoàn thành công việc tốt thì sẽ được vào biên chế.

Tuy nhiên đối với các giáo viên biên chế họ lại nghĩ rằng họ đã chắc chân từ đó sinh ra tâm lý chây ì, đùn đẩy việc cho các giáo viên hợp đồng.

Tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp giáo viên khi còn hợp đồng thì chăm chỉ phấn đấu nhưng một khi đã vào được biên chế lại sinh ra lười nhác, hiệu quả công việc kém”.

Bỏ chế độ viên chức suốt đời là cơ hội cho nhiều giáo viên trẻ (Ảnh: Vũ Ninh)
Bỏ chế độ viên chức suốt đời là cơ hội cho nhiều giáo viên trẻ (Ảnh: Vũ Ninh)

Xuất phát từ thực tiễn trên, cô Mỹ ủng hộ việc bỏ chế độ viên chức suốt đời.

Cô Mỹ cho biết: “Cá nhân tôi ủng hộ bỏ chế độ viên chức suốt đời thay bằng chế độ hợp đồng. Có như vậy thì chất lượng đội ngũ giáo viên mới được đảm bảo”.

“Bỏ viên chức, giáo viên chúng tôi sẽ cảm thấy bất an”

Trái quan điểm của cô Mỹ, cô giáo Đào Thị Nga (Sóc Sơn, Hà Nội ) lại bày tỏ nỗi bất an nếu bỏ chế độ viên chức.

Cô Nga tâm sự: “Nếu bỏ chế độ viên chức thì sẽ làm tăng quyền lực của hiệu trưởng và việc thi đua sẽ không đi vào thực chất.

Việc ký hợp đồng được giao cho các trường thì hiệu trưởng sẽ là người nắm quyền sinh, quyền sát. Mà đâu phải hiệu trưởng nào cũng công tâm.

Thêm nữa giáo viên ký hợp đồng luôn cảm thấy bất an. Năm nay có thể là giáo viên hợp đồng nhưng hè năm sau cũng có thể mất việc. Từ đó nảy sinh nhiều tiêu cực”.

Đề xuất bỏ chế độ viên chức suốt đời, giáo viên sẽ khó yên tâm theo nghề

Những tiêu cực mà cô Nga lo ngại chủ yếu xuất phát từ việc làm mọi cách để “vừa lòng” hiệu trưởng kể cả việc chạy hợp đồng.

Cô Nga cho biết: “Nhiều giáo viên ký hợp đồng trường cứ đến mùa hè là lại xếp hàng trước nhà hiệu trưởng quà cáp.

Ở trường đến giáo viên biên chế còn chẳng dám ý kiến trước hiệu trưởng chứ đừng nói đến giáo viên hợp đồng.

Thực chất giáo viên hợp đồng là những người không hề có tiếng nói trong trường.

Cho nên nếu bỏ chế độ viên chức thì quyền lực của hiệu trưởng rất lớn. Nhưng hiệu trưởng cũng có người này, người kia.

Nếu hiệu trưởng không công bằng thì giáo viên hợp đồng chẳng khác nào cá nằm trên thớt”.

Bỏ chế độ viên chức suốt đời kéo theo nỗi lo thiếu giáo viên vùng cao (Ảnh: Vũ Ninh)
Bỏ chế độ viên chức suốt đời kéo theo nỗi lo thiếu giáo viên vùng cao (Ảnh: Vũ Ninh)

Ngoài ra nhiều giáo viên cũng cho biết: Với mức lương hợp đồng như hiện nay rất khó thu hút các thầy cô vào trường dạy.

Thầy Đặng Mạnh Hùng (Sóc Sơn, Hà Nội) lý giải: “Hiện nay lương giáo viên hợp đồng rất thấp khó để sống chứ đừng nói mua nhà, mua xe.

Mức lương thấp như vậy sở dĩ họ chấp nhận gắn bó với nghề giáo viên chủ yếu vì tình yêu nghề và mong muốn được vào biên chế.

Cho nên tôi nghĩ rằng nếu bỏ chế độ viên chức sợ rằng các giáo viên sẽ bỏ ra trường tư dạy hoặc làm những công việc khác. Họ không còn 1 cái đích để phấn đấu nữa.

Bên cạnh đó sẽ rất ít giáo viên can đảm lên vùng núi để giảng dạy vì họ đã mất đi những quyền lợi rồi”.

Đối với các thầy cô phản đối bỏ viên chức trọn đời đều cho rằng phải cải thiện mức lương và đãi ngộ như hiện nay thì mới có thể thu hút được giáo viên hợp đồng.

Nên tính toán cẩn thận nếu không sẽ vỡ trận

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ lo ngại nếu không thực hiện tuần tự từng bước và khéo léo thì việc bỏ chế độ viên chức suốt đời sẽ xảy ra tình trạng “vỡ trận”.

Thầy Nhĩ phân tích: Nếu muốn bỏ chế độ viên chức trọn đời thì trước tiên phải đảm bảo được mức lương, mức sống của giáo viên.

“Người giáo viên họ làm đến mức độ nào đấy chăng hạn khi đủ điều kiện để về hưu họ sẽ được sự đảm bảo của nhà nước.

Có như thế người ta mới yên tâm công tác và làm việc. Nhưng với mức lương hợp đồng như hiện nay thì không ai có thể làm được cả.

Ở các nước khác tiền lương của giáo viên có thể nuôi sống cả gia đình. Người ta có thể tích lũy, mua nhà, mua xe. Đến khi về hưu họ có đủ tích lũy và điều kiện để sống.

Nhưng ở nước ta chưa có điều kiện để trả lương như vậy. Hầu hết các giáo viên biên chế đều trông cậy vào đồng lương hưu.

Mặc dù tiền đó cũng là tiền của họ nhưng được nhà nước hỗ trợ tích lũy đến khi về hưu. Có như vậy người ta mới yên tâm công tác được”.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Việc bỏ chế độ viên chức là học tập các nước khác nhưng khi đưa vào thực tiễn cần căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam.

Thầy Nhĩ cho biết: “Ở Việt Nam chưa có những điều kiện để bỏ chế độ viên chức trọn đời.

Như tôi đã phân tích đó là chế độ tiền lương. Một chính sách nào cũng cần gắn với tình hình thực tiễn kinh tế chính trị.

Các nước khác họ làm được vì điều kiện của người ta khác với mình. Theo tôi nếu không thực hiện tuần tự và khéo léo sẽ có khả năng bị vỡ trận”.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ lo ngại nếu không có những điều kiện phù hợp thì việc bỏ chế độ viên chức suốt đời có thể dẫn đến vỡ trận (Ảnh: Thùy Linh)
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ lo ngại nếu không có những điều kiện phù hợp thì việc bỏ chế độ viên chức suốt đời có thể dẫn đến vỡ trận (Ảnh: Thùy Linh)

Phân tích về ưu và nhược điểm của việc bỏ chế độ viên chức suốt đời. Thầy Nhĩ cho biết: “Về mặt lợi việc bỏ chế độ viên chức suốt đời sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức nói chung và giáo viên nói riêng.

Khi đó họ cần tính toán để ký hợp đồng với những ai có năng lực.

Về mặt hại nó sẽ khiến cho đội ngũ giáo viên cảm thấy không an lòng chạy đi chỗ này chỗ khác.

Chẳng hạn họ có thể chạy sang trường tư hoặc làm những công việc khác có mức sống cao hơn.

Cho nên việc áp dụng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn. Chúng ta chưa có đủ điều kiện để đảm bảo mức sống cho giáo viên thì bỏ viên chức sẽ khiến họ mất động lực trong công việc và cảm thấy bất an”.

Nói về những điều kiện cần có trước khi bỏ chế độ viên chức suốt đời, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng điều kiện tiên quyết phải đảm bảo mức sống, mức lương cho các giáo viên.

Thầy Nhĩ trả lời: “Điều kiện tiên quyết làm thế nào để người giáo viên phải có mức lương, mức sống tương đối đầy đủ.

Trước tiên phải đủ ăn sau đó đủ để tích lũy mua nhà, mua xe và khi về hưu người ta còn sống được. Nếu như hiện nay khi hết hợp đồng anh trắng tay thì sẽ sống như thế nào.

Lấy ví dụ đối với các giáo viên vùng cao được điều về từ những vùng thuận lợi.

Nếu bây giờ không có những điều kiện ràng buộc và thu hút họ thì người ta bỏ đi hết”.

Bên cạnh đó giải pháp mà Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ đưa ra phải xã hội hóa giáo dục:“Việc thực hiện một chính sách cần bài bải và có trình tự.

Hiện nay việc xã hội hóa chúng ta còn chưa làm xong thì không thể bỏ chế độ viên chức được.

Nếu như xã hội hóa thành công thì mức lương của giáo viên sẽ do nhà nước lo một phần và xã hội đóng góp một phần.

Như thế chúng ta mới kỳ vọng nâng cao được mức sống của giáo viên để họ yên tâm làm việc.

Cho nên việc thực hiện phải tuần tự và gắn với thực tiễn. Nếu nhảy cóc sẽ vỡ trận”.

Vũ Ninh