Câu chuyện một lớp 42/43 học sinh xếp loại học lực giỏi ở Vũng Tàu đang nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi một lớp học không có học sinh yếu, kém, chậm tiến là một điều hết sức vô lý.
Nhưng nếu đó là lớp chọn thì lại hết sức bình thường vì “Tất cả tinh hoa của trường đã dồn hết vào đấy” theo cách nói của nhiều thầy cô giáo.
Học sinh giỏi cả lớp (Ảnh minh họa: VOV) |
Nhưng ngay cái lớp ở Vũng Tàu, người bảo đó là lớp chọn, người lại không, đến ông Trưởng phòng Giáo dục thành phố Vũng Tàu cũng không dám thừa nhận.
Bởi vì sao? Nếu thừa nhận chính đó là lớp chọn thì chính trường học ấy và chính sự chỉ đạo không sâu sát của phòng giáo dục của ông đã vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII.
Nghị quyết quy định rõ “Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học, không tổ chức trường chuyên ở cấp tiểu học và Trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao”.
Và xin khẳng định chắc chắn một điều, không chỉ mình Vũng Tàu vẫn còn trường học có lớp chọn.
Không ít trường học ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang tồn tại những lớp “dồn học sinh giỏi vào một lớp” (nhưng họ luôn không thừa nhận đó là lớp chọn).
Lớp chọn núp bóng những cái tên
Đầu tiên phải khẳng định ngay rằng, những trường có lớp chọn thường là những trường điểm, trường đang xây dựng danh hiệu, tiếng tăm.
Dồn học sinh giỏi vào một lớp học, không là lớp chọn thì gọi là lớp gì? |
Bởi lớp chọn chính là đàn “gà nòi” để chinh chiến các kỳ thi trong huyện, trong tỉnh mang thành tích về cho trường.
Không gọi là lớp chọn, nhiều trường thường quy định đó là lớp đầu của một số chữ cái như A, B hoặc T.
Ví dụ, học sinh thuộc khối tự nhiên, lớp chọn của trường là A1(T1).
Học sinh thuộc khối xã hội, lớp chọn của trường là B1.
Và khi nhắc đến tên những lớp này thì ai cũng hiểu đó chính là những lớp học tốt nhất của trường.
Những học sinh được chọn vào lớp ấy đương nhiên là những học sinh xuất sắc nhất.
Ví như khi tuyển sinh vào lớp 10 một trường trung học tại địa phương tôi đã chọn khoảng 45 học sinh vào lớp A1 và 45 học sinh vào lớp B1.
Nhà trường thường lấy điểm thi đầu vào của thí sinh theo năm từ trên xuống đến số 45.
Điểm dao động thường trên 40 điểm cho 3 môn thi (đã nhân hệ số).
Một số trường học bậc trung học cơ sở lại có tên riêng đặt cho lớp chọn của mình.
Trường gọi là “Lớp tiếng Anh đầu nguồn”; trường gọi “Lớp tăng cường tiếng Anh”; rồi “Lớp song ngữ”; “Lớp chất lượng cao”…
Do một số trường trung học cơ sở hiện nay không thi tuyển đầu vào nên học bạ lớp 5 là căn cứ để xếp lớp.
Muốn vào được những lớp như thế, học sinh phải đạt 5 năm liền là học sinh xuất sắc cấp tiểu học.
Đối tượng ưu tiên là có thêm các giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi của địa phương.
Những danh hiệu và những cuộc chinh chiến “đem chuông đi đánh xứ người”
Học sinh học ở những lớp này gần như trên 90% đều đạt học sinh giỏi, số còn lại đạt học sinh tiên tiến.
Các em ganh đua nhau học tập từng điểm số. Có những em đạt điểm 9 đã là một thất bại. Bởi thế, tinh thần tự học của các em rất cao.
Điều mang lại lớn nhất cho nhà trường không phải là số lượng bao nhiêu học sinh giỏi mà chính là đạt bao nhiêu giải thưởng ở các kỳ thi chuyên môn.
Đó là những kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa như Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Văn, Sử…cấp huyện thị rồi cấp tỉnh.
Kỳ thi Violimpic tiếng Anh, Toán, thi giải truyền thống, giải Tin học trẻ không chuyên…
Đánh giá danh tiếng một trường người ta thường nhìn vào những giải thưởng của trường ấy đạt được trong các kỳ thi.
Thế nên trường nào càng nhiều giải thưởng thì tiếng tăm càng nổi như cồn.
Và đi theo tiếng tăm của trường là nhiều phụ huynh có con học khá giỏi khắp nơi, nhiều gia đình có kinh tế vững vàng sẽ tìm mọi cách để con được “đầu quân” về trường.
Đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra chuyện “chạy trường” như hiện nay.
Khi còn tại vị, ông Nguyễn Vinh Hiển-Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng thẳng thắn chia sẻ với phóng viên báo Nhân dân như sau:
"Nhằm bảo đảm sự công bằng về điều kiện học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thừa nhận bất cứ sự tồn tại của lớp chọn nào trong tất cả các cấp học, cũng như không quy định hoặc cho phép thi cử để xếp lớp chọn.
Nếu trường nào vi phạm, còn để tình trạng lớp chọn tồn tại dưới mọi hình thức đều sẽ bị xử lý nghiêm.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị báo chí, tổ chức, cá nhân phát hiện vi phạm xin cung cấp thông tin để Bộ giải quyết".
Thế nhưng hình như chưa có trường nào bị kỉ luật vì điều đó vì vẫn thấy các lớp chọn ở nhiều trường học mọc ra nhan nhản.