LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của thầy Sơn Quang Huyến chia sẻ về việc làm sao để đề thi, kiểm tra chung không bị sai sót?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cứ mỗi kì kiểm tra chung, người làm công tác chuyên môn ngại nhất là điện thoại reo sau khi đã đến giờ mở đề, phát đề. Cùng giờ đó, có những người khác chung cảm nhận, đó là người ra đề.
Cái “khoảng lặng” đó tưởng chừng như “vô tận”, trải qua vài lần “an toàn” thế là quen. Có người trải qua một lần, hiểu đến tận cùng “quyền rơm, vạ ra đề”.
Đề đúng, đề hay, người ta nói qua một lần, rồi quên vào dĩ vãng. Đề sai sót, người ta nhắc đi, cân lại, suốt năm học, là “minh chứng” cho các kì ra đề sau “các đồng chí ra đề cẩn trọng… đừng để mắc sai sót như…”.
Các em học sinh làm bài thi (Ảnh minh họa: sggp.org.vn). |
Từ ngày có “văn hóa đổ lỗi” cho thằng đánh máy, đề thi sai là do thằng đánh máy, đề thi hay, đúng là nhờ người ra đề!
Ai là “thằng đánh máy” đề thi?
Đề thi có “tầm quan trọng” cỡ thi Công chức ngành giáo dục, thi trường Chuyên, tuyển sinh trung học phổ thông, các tỉnh, thành đều “nhốt” tổ ra đề.
Tất cả người ra đề đều đánh máy thành thạo; một số đồ thị, hình ảnh cũng có “chuyên gia” phục vụ từ khi ra đề cho đến khi kết thúc kì thi. Vì vậy, sai sót mà đổ lỗi cho “thằng đánh máy” là… thiếu trung thực.
Tại sao đề thi “chung” do phòng, sở ra hay sai sót?
Muốn không sai, đừng có làm gì cả, sai thì sửa. Nếu sợ sai thì không dám làm gì thế nhưng, cái mà người ta không muốn sai nhất, chính là đề kiểm tra, đề thi.
Từ khi có ma trận đề đến nay, cấu trúc và phân bố kiến thức đã được công khai vì vậy cái mà dư luận quan tâm nhiều nhất là chính tả, nội dung của đề.
Nhiều người cho rằng, những cái ấy có gì mà để sai vô duyên thế! Người viết không bao che, nhưng tâm sự rất thật, tâm lý những người ra đề đã nghĩ mình đúng, nên khi đọc lại đề mình đánh máy, thường không phát hiện ra.
Những vụ sai sót đề thi trước tới nay |
Một số người còn có suy nghĩ không được “tích cực” lắm. Đề của Sở, Phòng ra; do chuyên viên Sở, Phòng ra nên sợ chi ai, dễ sai. Thật ra, các chuyên viên của Phòng, Sở họ càng muốn đề mình chỉn chu hơn.
Làm sao để đề thi, kiểm tra chung không bị sai sót?
Về nội dung, số liệu: cần tôn trọng kiến thức của sách giáo khoa do Bộ Giáo dục phát hành mới nhất. Sách giáo khoa là tài liệu dạy học của tất cả các trường trên cả nước, đây cũng là cách đảm bảo công bằng cho mọi vùng, miền, địa phương.
Những kiến thức còn “tranh luận”, chưa có công nhận chính thức, tuyệt đối không đưa vào đề. Khi đưa vào đề các nội dung này, dễ có nhiều đáp án khác nhau; tùy theo nhận thức, góc nhìn của mỗi người; gây tranh cãi vô bổ, không đáng có.
Trích dẫn nội dung, số liệu bên ngoài phải tuyệt đối chính xác; phải đối chứng những nguồn chính thống, ghi rõ nguồn trích dẫn; tránh sai sót như đổi “trẻ hoa” tổng thống Mỹ.
Về chính tả: Có nhiều người làm rất vui, thiết thực; sau khi in đề mình ra “thuê” người khác “đọc kiểm tra”, cứ một lỗi một ly cafe; người “được thuê” cố gắng “chẻ tư sợi tóc” để tìm cafe, sai sót “rất dễ phát hiện”.
Ra đề thi, kiểm tra chung đều có “quy trình” nghiêm ngặt, tuân thủ quy trình tối đa sẽ giảm thiểu được sai sót không đáng có.
Người ra đề, người phản biện đề phải thống nhất, tìm ra lỗi trong đề là trách nhiệm của cả hai; tuyệt đối không được “nể” nhau, phản biện cho có, dẫn đến khi phát hành, người khác đọc, thí sinh đọc là thấy sai phè phè.
Đề thi, kiểm tra, là một tác phẩm trí tuệ của tập thể, cá nhân người ra đề.
Nếu đề có sai sót, cũng là điều bình thường, thế nhưng tránh được sai sót càng tốt; cần nhất là sự tiếp thu, phản hồi có văn hóa của cấp có trách nhiệm khi đề sai; tuyệt đối không nên đổ lỗi.
Trung thực nhận lỗi của mình, tự tôn trọng mình, tôn trọng người khác, hành vi của người tử tế.