Con ra khỏi phòng thi tôi còn không dám hỏi có làm được bài không!

05/06/2019 13:27
Trinh Phúc
(GDVN) - “Lứa tuổi của các con là vẫn còn được ăn, được chơi nhưng học cấp 2 hiện nay cứ sáng thò đầu ra là học, nhìn rất là thương”.

Ngày 4/6, hơn 85 nghìn thí sinh thi vào lớp 10 công lập Hà Nội  đã hoàn thành các bài thi. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn tâm tư vì thấy kỳ thi đã tạo áp lực lớn lên các con và thầy cô giáo.

Bàn về kỳ thi năm nay, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thu Thủy, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội (nhân vật đã được đổi tên) cho rằng: "Việc tổ chức kỳ thi 4 môn là quá áp lực. Nên để thi hai môn như các năm trước giúp các con đỡ vất vả hơn.

Môn thi Lịch sử công bố muộn nên các cháu học ôn rất vất vả. Ngoài việc tăng ca học Toán, Văn từ đầu lớp 9 thì đến khi biết môn Lịch sử các em phải học một cách gấp gáp.

Do môn Lịch sử không có thời gian ôn tập nhiều nên các con rất áp lực".

Sự chia sẻ, yêu thương của gia đình là nguồn động viên lớn lao đối với các sĩ tử (ảnh minh họa - Trinh Phúc).
Sự chia sẻ, yêu thương của gia đình là nguồn động viên lớn lao đối với các sĩ tử (ảnh minh họa - Trinh Phúc).

Chị Thủy chia sẻ: "Con chị tâm sự khi làm bài thi con run hết chân tay. Bài làm được cũng run, không làm được cũng run. Khi thi môn Toán xong, cháu không làm hết nên thoáng buồn”.

Chính vì thế chị Thủy cho rằng, cần giảm tải số lượng môn thi để các con đỡ áp lực. Hoặc báo sớm môn thi để các con ôn đỡ cập rập.

Thi lớp 10 quá áp lực và mệt mỏi, có cần thiết?
Thi lớp 10 quá áp lực và mệt mỏi, có cần thiết?

Đồng quan điểm với chị Thủy, một phụ huynh khác (xin được giấu tên) cho rằng: "Cháu thi về không làm hết bài nên buồn. Cháu buồn thì mình cũng buồn theo.

Hôm thi về chả nói gì, mời ăn cũng không ăn.

Gia đình không ai dám tạo áp lực học tập cho các con vì muốn con được thoải mái về tư tưởng.

Chỉ biết động viên cháu là học tập 10 phần thì bố mẹ chỉ cố được một phần còn 9 phần là ở các con”.

Liên quan đến tỉ lệ chọi đầu vào lớp 10 ở Hà Nội, nhiều phụ huynh khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ nguyện vọng cần đầu tư mở rộng trường công lập để giảm áp lực thi cử.

Điều kiện học tập ở các trường tư thục không phải ai cũng có đủ tiền và không phải trường nào chất lượng cũng đảm bảo.

Theo chị Nguyễn Thúy Quỳnh ở Ba Đình, Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi) thì cách thi cử năm nay tạo áp lực cho các con và các cô rất lớn nên làm sao giảm áp lực để việc học đỡ nặng nề.

Thi cử cũng tạo cho phụ huynh nhiều áp lực (ảnh minh họa - Trinh Phúc).
Thi cử cũng tạo cho phụ huynh nhiều áp lực (ảnh minh họa - Trinh Phúc).

Chị Quỳnh tâm sự rằng: “Lứa tuổi của các con là vẫn còn được ăn, được chơi nhưng học cấp 2 hiện nay cứ sáng thò đầu ra là học. Con chị là đứa có ý thức học nhưng thấy thế cũng rất thương.

Cháu ra khỏi phòng thi tôi không dám hỏi con có làm được bài không. Mà chỉ biết đưa con đi ăn, tạo không khí vui vẻ.

Phụ huynh như tôi vì các con mà cố gắng hết sức, đồng hành với các con hết lòng. Cố gắng tạo môi trường thuận lợi, thoải mái để các con tự tin thi cử”.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng: Đề toán rất khó, hiếm có điểm 9, điểm 10
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng: Đề toán rất khó, hiếm có điểm 9, điểm 10

Cũng theo chị Quỳnh, cải cách thi cử như hiện nay các con rất vất vả.

Môn tiếng Anh năm ngoái chưa thi, năm nay đùng một cái là thi. Rồi thêm môn Lịch sử nữa.

Học Lịch sử đòi hỏi phải ghi nhớ sự kiện. Đề cương các con ôn tập rất dày.

Học ghi nhớ một trang giấy đã mệt nay cả một lượng kiến thức nhiều như vậy.  

Chị Quỳnh còn cho rằng, thi cử thế này không chỉ thương các con mà thương cả các cô nữa và chị kể: “Hôm ngày 30/5, chia tay lớp, phụ huynh tổ chức liên hoan.

Đến hôm đó các cô vẫn còn tranh thủ từng chút một để dặn lại các con cách làm bài.

Đến giờ phút chuẩn bị đi về rồi, cô giáo dạy tiếng Anh còn ra căn dặn các con phải làm bài thế này, thế kia.

Chưa hết, chia tay rồi mà cô giáo dạy toán vẫn giao đề cho hai bạn kém nhất lớp ở lại làm.

Đáng ra, ngày 31/5 các con còn phải đến trường để học nhưng do nhà trường cho mượn cơ sở vật chất để tổ chức thi nên phải dừng lại không thể ôn tập thêm nữa”.

Trinh Phúc