Tiền nâng lương từ năm 2018 của nhà giáo đi đâu?
Chia sẻ nỗi bức xúc với chúng tôi, một lãnh đạo đơn vị trường Trung học cơ sở thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang nói:
“Đơn vị tôi có 42 nhân sự, đợt 1 năm 2018 có 30 người được nâng lương thường xuyên.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV) |
Đợt 2 năm 2018 có 23 người được nâng lương thường xuyên, nâng chênh lệch thâm niên vượt khung và nâng phụ cấp thâm niên nghề (gọi chung là nâng lương thường xuyên-PV).
Như vậy, năm 2018, nhà trường có 53 người trong diện được nâng lương thường xuyên và tổng số tiền chi trả của đơn vị được cấp trên phê duyệt là 70.482.169 đồng.
Nhà giáo chúng tôi nghèo lắm, chủ yếu sống bằng lương. Với niên hạn trung bình 2 năm (đối với giáo viên hệ cao đẳng sư phạm); 3 năm đối với (Giáo viên hệ đại học sư phạm) thì việc nâng lương là niềm vui và cả sự chờ đợi.
Nếu giáo viên hoàn thành tốt công việc thì đến hẹn lại lên, nhưng đối với những giáo viên chẳng may có vi phạm gì thì việc nâng lương sẽ chậm lại.
Do vậy, niềm vui của việc được nâng lương là điều nhà giáo nào cũng có, cũng mong chờ.
Nhưng quyết định nhận đã lâu, sự chờ đợi của việc được truy cấp nâng lương ngày càng trở nên xa vời.
Mỗi khi giáo viên hỏi về việc đến bao giờ mới được nhận tiền truy cấp nâng lương là tôi lại thấy đau lòng.
Ai bao che cho bà Ngọc Hạnh nợ tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo phòng giáo dục? |
Sự bức xúc ngày một tăng khi nhà giáo này tiếp tục chia sẻ:
“Cuối năm 2018, vào ngày 23 tháng 11, Kế toán Phòng Giáo dục gửi email cho toàn ngành giáo dục huyện để thông báo với nội dung:
Kính gửi: Lãnh đạo các đơn vị trường học trực thuộc,
Theo ý kiến thống nhất của Phòng tài chính kế hoạch huyện Vĩnh Thuận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung kinh phí nâng lương đợt 1 năm 2018, yêu cầu các đơn vị trường đối chiếu theo bảng tính (đính kèm), nếu có vướng mắc liên hệ trực tiếp Chị Nhi phòng tài chính để thống nhất chỉnh sửa. SĐT 0919244669
* Đối với những đơn vị có thu học phí, Phòng tài chính dự kiến thu lại số tiền trích 40% của năm 2017 và năm 2018, trừ vào kinh phí đợt 1 năm 2018. Thông báo sau.
* Đối với những đơn vị đầu năm phòng tài chính cấp thiếu hệ số lương...(chi cho con người), nộp lại đề nghị+bảng tính+QĐ...về PGD tổng hợp trình phòng tài chính.
Hạn chót cuối ngày 26 tháng 11 năm 2018.
Sau thời gian trên đơn vị tự chịu trách nhiệm. Cảm ơn!
Khi thông báo thông tin cho Hội đồng sư phạm, ai cũng hào hứng vì nghĩ đến sẽ có một phần kinh phí nhỏ để mua quà, bánh, quần ,áo mới cho con trẻ ngày Tết.
Nhưng rồi, ngày qua ngày không thấy được bóng dáng của“ tiền truy cấp nâng lương” và sự chờ đợi được chi trả truy cấp nâng lương đã không còn hy vọng”.
Chủ tịch huyện Quế Võ chỉ đạo kiểm tra trường mầm non nghi bị rút ruột |
Câu hỏi của giáo viên “Tiền truy cấp nâng lương thường xuyên năm 2018 của chúng tôi đi đâu”? khiến cho tôi vô cùng day dứt và cảm thấy có lỗi đối với đồng nghiệp của mình.
Không phải chỉ có 53 nhà giáo mà thực tế có tới 1120 người đồng cảnh ngộ “mỏi mòn” chờ được chi trả tiền nâng lương thường xuyên
Tìm hiểu thêm về vấn đề chế độ nhà giáo bị “ xâm phạm”, chúng tôi được biết nhiều điều đáng kinh ngạc về việc quản lý tài chính của ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận.
Năm 2018, toàn ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận có 1120 nhà giáo của 33 đơn vị trường học và viên chức thuộc ngành giáo dục được nâng lương thường xuyên.
Nhưng cả 1120 người đều chờ đợi mà không hề mảy may nhận được tín hiệu trả lời từ cấp có thẩm quyền.
Hỏi nhà trường thì nhà trường đổ cho Phòng Giáo dục, hỏi Phòng Giáo dục thì Phòng Giáo dục lại đổ cho Phòng Tài chính- Kế hoạch và nỗi khổ của nhà giáo là chế độ bị xâm hại mà chẳng biết kêu ai.
Theo số liệu chúng tôi tìm hiểu được, năm 2018 ngành Giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã được phân bổ kinh phí chi đủ cho con người (trong đó có nguồn kinh phí chi trả cho việc nâng lương thường xuyên).
Từ báo cáo thống kê tài chính, nguồn dự toán và bổ sung đã được điều chỉnh tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, toàn ngành giáo dục huyện Vinh Thuận còn tồn quỹ tiền lương là: 5.055.821.009 đồng.
Thế nhưng đó chỉ là số liệu trên giấy còn tiền đã “bốc hơi", đã không cánh mà bay”, chế độ nhà giáo dù ít ỏi vẫn không được chi trả.
Và nhà giáo vẫn đang dài cổ ngón, chờ.
Nhìn bảng tổng hợp số liệu, chúng tôi đã không khỏi giật mình khi mà con số tồn tiền lương của nhiều đơn vị trường học lên đến hàng tỷ đồng. Cụ thể:
Trường tiểu học Vĩnh Bình Bắc 1, tồn quỹ lương : 1.034.136.083 đồng nhưng kinh phí chi trả truy cấp nâng lương thường xuyên của đơn vị này chỉ có vỏn vẹn…70.085.353 đồng.
Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Phong Đông tồn quỹ lương: 1.502.516.781 đồng và kinh phí chi trả truy cấp nâng lương thường xuyên của đơn vị này cũng chỉ ngót nghét …143.018.249 đồng.
Và, không phải chỉ riêng 2 trường nói trên tồn quỹ lương và nợ truy cấp, số các trường tồn quỹ lương từ trên 800 triệu đến hơn một tỷ đồng lên tới hàng chục trường…
Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám dùng biên bản giả chữ ký để chạy tội |
Và 33/33 đơn vị trường học của huyện này cùng chung hoàn cảnh không có tiền chi trả nâng lương thường xuyên cho nhà giáo.
Luật ngầm bất thành văn của Lãnh đạo ngành Giáo dục huyện Vĩnh Thuận
Cùng chung nỗi bức xúc với vị lãnh đạo trường trung học cơ sở nói trên, một lãnh đạo đơn vị trường tiểu học chia sẻ tiếp:
Năm 2018, theo như hướng dẫn của Phòng Giáo dục, những đơn vị trường học chúng tôi không được dự toán kinh phí nâng lương thường xuyên vì phải chờ nguồn kinh phí bổ sung và Phòng Giáo dục có hướng dẫn sau.
Quyết định phân bổ ngân sách của năm 2018 đã thể hiện rõ các nguồn kinh phí được cấp, trong đó chỉ có 2 nội dung đó là chi lương và các khoản đóng góp theo lương của 12 tháng và 14% kinh phí chi cho hoạt động giảng dạy và học tập.
Chính vì không được phân bổ kinh phí cho chi trả truy cấp nâng lương nên chúng tôi không thể thực hiện được nội dung này, đồng thời cũng không thể chi trả khi Phòng Giáo dục chưa cho phép.
Khi phân bổ kinh phí chi cho hoạt động giảng dạy và học tập thì trường nào biết trường đó vì không có sự công khai.
Khi nhìn thấy bảng tổng hợp tồn nguồn chi lương nhưng đã được sử dụng hết mà không phục vụ cho mục đích chi lương, bản thân thấy choáng váng vì sự tùy tiện này.
Email do kế toán Phòng Giáo dục gửi cho toàn ngành giáo dục huyện ngày 23 tháng 11 năm 2018 thì đã chứng minh rõ ràng rằng, cho đến cuối năm 2018, các trường chưa được phân bổ “bổ sung kinh phí nâng lương đợt 1 năm 2018”.
Vị Hiệu trưởng trường tiểu học cho biết thêm: Trưởng phòng Giáo dục có luật riêng và thường tuyên bố hùng hồn trên các cuộc họp hiệu trưởng thường kỳ:
“Đơn vị nào mất đoàn kết, thưa kiện là cắt tối đa kinh phí”. Có lẽ từ “ luật ngầm” này nên các trường không dám phản ứng việc nợ lương giáo viên vì sợ bi quy chụp “mất đoàn kết, thưa kiện”
Những câu hỏi đầy hoài nghi về số tiền 5.055.821.009 đồng tồn quỹ lương là hoàn toàn có cơ sở.
Câu hỏi đặt ra, số tiền tồn lớn như vậy đã được sử dụng vào mục đích gì trong khi nguồn kinh phí phân bổ chi cho hoạt động giảng dạy và giáo dục của một số đơn vị trường học luôn rất thấp( chỉ xấp xỉ 10-12%) còn một vài đơn vị khác lại vượt ngưỡng ( 24-25%).
Dựa vào cơ sở nào mà Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận lại phân bổ kinh phí cho con người một cách hào phóng đến mức gây ra dư thừa lớn như vậy?
Trong khi chế độ chính đáng của nhà giáo lại bị đưa qua, đẩy lại một cách vô trách nhiệm đến mức đáng sợ.
Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những khuất tất về công tác quản lý tài chính của ngành Giáo dục huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang.
Đồng thời chỉ đạo ngành giáo dục sớm chi trả chế độ truy cấp nâng lương thường xuyên năm 2018 cho 1120 nhà giáo chúng tôi.