Thành công trong Khoa học kỹ thuật không dành chỗ cho bảng điểm đẹp

09/06/2019 06:13
Hưng Long
(GDVN) - Người mẹ không đặt nặng thành tích điểm số trên lớp đã giúp cho con vượt qua được áp lực học hành, thi cử để rộng đường chinh phục ước mơ.

Người thầy mang tên Google

Lê Quang Trí – học sinh lớp 11A7, Trường Trung học phổ thông Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) quan sát một số tòa nhà ở Thị xã Long Khánh nếu gắn thêm các thiết bị chuyên biệt dành cho người khuyết tật thì sẽ gây khó khăn, phức tạp cho chủ tòa nhà nên phải sử dụng phương án tối ưu nhất.

Một người mắt sáng vào nhà cao tầng cũng cần phải có sơ đồ tòa nhà, hướng chỉ dẫn, rẽ phải, rẽ trái, vào nhà vệ sinh thì đọc bảng chỉ dẫn các thông tin. Đối với người khiếm thị để biết các thông tin sẽ được sử dụng thiết bị công nghệ.

Học sinh Lê Quang Trí trong ngày nhận giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật. (Ảnh: Q.T)
Học sinh Lê Quang Trí trong ngày nhận giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật. (Ảnh: Q.T)

Thế là, đề án “mắt thần” cho người khuyết tật có bảng mã QR ra đời. Bảng mã QR dùng để mã hóa thông tin và hướng dẫn cho người sáng mắt thì người khiếm thị được mã hóa lại các thông tin trên.

Người khiếm thị chỉ cần sử dụng điện thoại di động cài đặt ứng dụng và khi cầm điện thoại có camera đưa ra phía trước. Hoặc nếu không dùng điện thoại di động thì có thể là một thiết bị hỗ trợ có camera cài đặt sẵn ứng dụng để quét bảng mã QR.

Camera sẽ là công cụ hỗ trợ để nhận diện bảng mã QR và hướng dẫn người khiếm thị bằng chức năng dò đường.

Chủ tòa nhà chỉ cần dán bảng mã QR để tạo điều kiện cho người khiếm thị sử dụng ứng dụng trên điện thoại. Ứng dụng sẽ cho người khiếm thị biết ở vị trí nào có bảng mã QR và tìm đến với khoảng cách đủ gần và quét. Bảng mã QR chỉ cần có diện tích 15cmx15cm trong khoảng cách 1 mét.

Lúc này, đện thoại sẽ phát ra âm thanh, hướng dẫn người khiếm thị đi thẳng, quẹo phải, quẹo trái…

Khi gặp khó khăn trong quá trình làm đề án, Trí lên Google tra cứu các loại công nghệ hoàn toàn mới và dựa vào những kiến thức nền tảng của bản thân để nghiên cứu.

Trí khẳng định, quan trọng nhất, ứng dụng phải phát hiện vật thể ở vị trí nào để người khiếm thị có thể đến.

Do cuộc thi là nghiên cứu khoa học nên rất chặt chẽ trong nền tảng nghiên cứu. Trí chọn  thư viện TENSORFLOW hỗ trợ phát hiện vật thể dựa trên bảng mã QR.

Khi thực hiện đề án này, Trí chưa từng được học qua nên phải tự nghiên cứu, đọc trên mạng. Trí mong muốn đây là sản phẩm vì lợi ích chung cho cộng đồng, cho xã hội và đối với người có hoàn cảnh khiếm khuyết giác quan trong cuộc sống.

Từ dự án này, Trí đã chinh phục được đỉnh cao trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật 2019 của tỉnh Đồng Nai. Dự án của Trí giành được 1 trong 3 giải Nhất tại cuộc thi. Điều này có nghĩa, Trí tiến thêm một bước để dự thi giải quốc gia.

Lần đầu tiên dự thi giải quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trí được gặp những nhân vật từng nghe tên, biết nhiều trên mạng xã hội nhưng mới được trò chuyện trực tiếp.

Trí ấn tượng nhất là một thí sinh đi xe lăn có nhiều ứng dụng đã từng tham dự cuộc thi, biết thêm một số đề tài hay, học hỏi thêm được nhiều đề tài mới lạ.

Chắp thêm đôi cánh cho những ước mơ

Bước vào cuộc thi, ban giám khảo hỏi rất nhiều, góp ý thêm cho đề tài và thành viên ban giám khảo là các thầy giáo nổi tiếng. Các thầy từng viết nhiều sách giáo khoa chuyên tin. Trí muốn gặp những người mình từng ngưỡng mộ để có thể cố gắng phấn đấu hơn nữa trong cuộc sống,.

Khi đi thi, Trí mang tâm trạng hồi hộp xen lẫn hạnh phúc và niềm vui được giao lưu với mọi người.

Đêm trước bước vào cuộc thi, Trí rất lo lắng. Trí tản bộ ngoài đường và các thành viên trong đoàn của tỉnh Đồng Nai cũng đều mong muốn được vào vòng trong để đi tham dự cuộc thi quốc tế.

Báo cáo đề tài "Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị định hướng di chuyển trong các tòa nhà" của học sinh Lê Quang Trí. (Ảnh: Q.T)
Báo cáo đề tài "Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị định hướng di chuyển trong các tòa nhà" của học sinh Lê Quang Trí. (Ảnh: Q.T)

Các thành viên trong đoàn nuôi hy vọng vào vòng trong và thức đến gần sáng. Đến 5h, mọi người lại thức dậy để bắt đầu cho cuộc thi.

Giám khảo cuộc thi quốc gia đặt nhiều câu hỏi xoáy thẳng vào vấn đề. Trí tự nhận dự án có nhiều khuyết điểm là chủ sở hữu tòa nhà buộc phải dán các bảng mã QR, người khiếm thị phải cài đặt phần mềm…

Kỳ vọng để đưa dự án vươn ra thế giới thất bại. Dự án của Trí được chấm giải Nhì ở cuộc thi mang tầm cấp quốc gia. Trí vẫn đặt niềm tin, năm tới sẽ phấn đấu hơn nữa để vươn lên tầm cao mới.

Của bề bề không bằng có nghề trong tay 

Để có thành công này, Trí tự hào về người mẹ đã chắp thêm đôi cánh ước mơ của cậu luôn bay cao. Mẹ của Trí xác định trên bước đường chinh phục những dự án khoa học kỹ thuật không đặt nặng điểm số ở trên lớp.

Người phụ nữ ấy đã âm thầm tần tảo sớm hôm với nghề làm tóc, cho con được tự do khám phá, tự trải nghiệm cuộc sống xung quanh. Trí khẳng định, mẹ em hoàn toàn đặt niềm tin vào ước mơ của mình.

“Năm học lớp 9, mẹ đã cho em một mình đón xe lên Thành phố Hồ Chí Minh đến chợ Nhật Tảo, tự tìm đường và mua các thiết bị điện tử. Mẹ dạy cho em cách sống độc lập cho bản thân, không phụ thuộc vào người khác”.

Những lúc Trí học không mang về điểm số đẹp, mẹ lại đến bên cạnh để vỗ về an ủi. Tuyệt nhiên, Trí chưa bao giờ bị mẹ đánh một lần nào với bất cứ lý do gì. Ba của Trí làm nghề nhiếp ảnh, là điểm tựa giúp Trí có nghị lực, biết vươn lên để đứng dậy mỗi khi thất bại.

Trí vẫn không quên được người thầy quá cố - thầy Thành – giáo viên bộ môn Lý năm học lớp 9 ở Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Thị xã Long Khánh) và cũng là người đã đặt nền tảng cho Trí tiến sâu hơn vào bước đường nghiên cứu khoa học.

Thuở sinh thời, thầy Thành luôn ủng hộ trí phải luôn phấn đấu, rèn luyện để bước  lên từng nấc thang khát vọng. Trí không thể nào quên được kỷ niệm năm lớp 8, thầy Thành hướng dẫn làm mô hình đầu tiên để đi dự thi cấp Thị xã.

Năm lớp 9, thầy chỉ chủ nhiệm được 1 học kỳ rồi ngã bệnh nặng. Dù thầy không thể đứng trên bục giảng nhưng mỗi lần đến thăm, thầy Thành vẫn khuyên răn Trí không được tự mãn với những giải mô hình đồ chơi.

Một năm sau, thầy qua đời. Trí không quên lời căn dặn của thầy và tin thầy đang ủng hộ con đường mà em đã lựa chọn.

Hưng Long