Những ngôi trường hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, lãng phí không ai chịu trách nhiệm

05/06/2019 10:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhiều địa phương khác cũng muốn giải thể các trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động kém hiệu quả, nhưng vấp phải rất nhiều rào cản từ cả cơ chế lẫn dư luận.

Quốc hội khóa XIV đang họp và chuẩn bị thông qua dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Trong khi dư luận tập trung chú ý vào những tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại một số địa phương, có một sự lãng phí rất lớn kéo dài nhiều năm nay trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng ít được để ý cả trong dự thảo luật lẫn sự quan tâm của dư luận.

Đó là sự lãng phí của những trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng bỏ hoang hoặc tồn tại ngắc ngoải, bộ máy biên chế lên tới cả ngàn người vẫn tiếp tục bám vào bầu sữa ngân sách, không ít người sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về.

Những ngôi trường bỏ hoang, ngắc ngoải

Báo Tuổi Trẻ ngày 11/12/2018 có bài Nỗi niềm trường học không...trò, cho biết:

Năm 2013, Trung tâm Giáo dục dạy nghề - giáo dục thường xuyên huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa được đưa vào hoạt động sau khi xây mới với cơ sở vật chất khang trang, tổng vốn ngân sách đầu tư hơn 37,5 tỷ đồng, nhưng đến hết học kỳ I năm học 2018-2019, không có học sinh nào vào học bổ túc hoặc học nghề.

Khung cảnh như bị bỏ hoang của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa, ảnh minh họa: Báo Giáo dục và thời đại.
Khung cảnh như bị bỏ hoang của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa, ảnh minh họa: Báo Giáo dục và thời đại.

Oái oăm ở chỗ, dù không có học sinh hay học viên, nhưng bộ máy trung tâm gồm 11 cán bộ, giáo viên và nhân viên vẫn "phải duy trì" với tổng quỹ lương và chi phí khác mỗi năm hàng tỷ đồng.

Bên cạnh Mường Lát, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa được đầu tư hơn 36 tỷ đồng cũng "đóng cửa im ỉm", năm học 2017-2018 có 7 học sinh nhưng được hết học kỳ I thì bỏ hết.

Năm học 2018-2019, trung tâm này tuyển được 49 học sinh chủ yếu là bí thư chi bộ, trưởng bản của các xã đến học bổ túc trung học phổ thông, do trước kia mới học hết lớp 9.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Quan Sơn, Thanh Hóa năm học 2018-2019 cũng không tuyển được học sinh nào học bổ túc, không có lớp dạy nghề nào được tổ chức. [1]

Ở tỉnh lân cận Nghệ An, năm học 2016 – 2017, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Con Cuông tuyển sinh được 3 học sinh lớp 10, tình trạng này cũng diễn ra nhiều năm trước bởi tính đến năm học 2016-2017, tổng hợp học sinh khối 10, 11, 12 của toàn trung tâm chỉ có 21 học sinh.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng đồng bộ trên diện tích trên 33.000 m2, tổng ngân sách trên 39 tỷ đồng hoạt động èo uột, cơ sở xuống cấp nhanh chóng. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng đồng bộ trên diện tích trên 33.000 m2, tổng ngân sách trên 39 tỷ đồng hoạt động èo uột, cơ sở xuống cấp nhanh chóng. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Theo Báo Nghệ An, đây cũng là tình trạng chung của các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, dù mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh của các trung tâm từ 30 – 50 học sinh. 

Đơn cử như Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quỳ Châu, năm học 2016 – 2017 chỉ tuyển được 6 học sinh lớp 10, huyện Quế Phong tuyển được 8 học sinh…Riêng huyện Tương Dương, không tuyển được một trường hợp nào. [2]

Sang đến Hà Tĩnh, theo phản ánh của Báo Hà Tĩnh trong bài Thưa thớt học sinh, các trung tâm GDNN-GDTX "chết lâm sàng" đăng ngày 3/10/2017, tình hình cũng không khá hơn.

Gần 40 tỷ đồng ngân sách được đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê, nhưng khi hoàn thành thì gần như hoạt động tuyển sinh tê liệt, cơ sở vật chất lãng phí, xuống cấp.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Vũ Quang, huyện Đức Thọ cũng chung tình cảnh, cho dù cơ sở vật chất khang trang bề thế và tọa lạc ở vị trí "vàng". [3]

Biết lãng phí, nhưng cứ phải nuôi vì "cơ chế"

Báo Bình Phước ngày 25/11/2018 có bài, Giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên - cách làm riêng của Bù Đăng.

Huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã "có cách làm riêng", không để tiếp tục lãng phí nguồn lực và ngân sách nhà nước, ảnh: Báo Bình Phước.
Huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã "có cách làm riêng", không để tiếp tục lãng phí nguồn lực và ngân sách nhà nước, ảnh: Báo Bình Phước.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bù Đăng thành lập cuối năm 2016 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên với Trung tâm Dạy nghề huyện. 

Trung tâm được Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng quy hoạch trên diện tích 8.764 m2 với 22 phòng, 1 kho chứa nguyên vật liệu thực hành, 1 nhà ăn, 3 nhà xưởng, 1 sân sát hạch bằng lái xe A1. 

Cùng với đó là các thiết bị máy móc trị giá hàng tỷ đồng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp như thiết bị sửa chữa ôtô, xe máy; thiết bị điện cơ; thiết bị may công nghiệp; máy vi tính; thiết bị hàn; cắt gọt kim loại và thiết bị chế biến gỗ ghép thanh. 

Trung tâm hiện có 28 cán bộ, viên chức, nhân viên lao động, gồm 24 biên chế, 4 hợp đồng. Cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, nguồn nhân lực dồi dào, thế nhưng số lượng học viên, học sinh giảm mạnh theo từng năm. 

Năm 2011, Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện thu hút 1.231 học viên, nhưng đến năm 2016 chỉ 35 học viên đăng ký. Riêng năm học 2018-2019, trung tâm chỉ mở được 4 lớp giáo dục thường xuyên với 105 học viên. [4]

"Cách làm riêng" của Bù Đăng theo thiển ý của chúng tôi, là rất có trách nhiệm với tài sản, nguồn lực quốc gia khi không chấp nhận sự lãng phí kéo dài, cho dù "cơ chế" chưa cho phép.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư 14,8 tỷ đồng xây mới trên 5.000 m2, 2 tỷ đồng mua sắm thiết bị để rồi đắp chiếu vì không tuyển sinh được. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư 14,8 tỷ đồng xây mới trên 5.000 m2, 2 tỷ đồng mua sắm thiết bị để rồi đắp chiếu vì không tuyển sinh được. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.

Nhiều địa phương khác cũng muốn giải thể, nhưng rất chật vật vì vấp phải rất nhiều rào cản.

Báo Nhân Dân ngày 26/9/2018 cho biết, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái có công văn đề nghị các cơ quan chức năng cho giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Móng Cái;

Theo đó, chuyển toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của trung tâm này cho Phân hiệu Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tại Móng Cái thực hiện. 

Tuy nhiên, có một số quan điểm phản đối việc giải thể này với viện dẫn Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 chỉ đạo sáp nhập, chứ không nói đến "giải thể", cụ thể: 

"Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện”.

Ngoài ra, việc Luật Giáo dục hiện hành quy định "trung tâm giáo dục thường xuyên được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện" cũng đang là một rào cản cho việc giải thể các trung tâm hoạt động kém hiệu quả, không hiệu quả hoặc không đúng chức năng. [5]

Sự lãng phí ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng
Sự lãng phí ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng

Thậm chí có quyết định giải thể rồi, cũng phải chờ 3 năm theo quy trình, như trường hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. [3]

Năm 2017, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhưng phải chờ đến năm 2020 mới có hiệu lực.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyên Đức Thọ, ông Nguyễn Khoa Toàn cho biết: 

Hoạt động của trung tâm chỉ còn lại 1 lớp đào tạo liên kết với Trường Đại học Hà Tĩnh cho 23 học viên và một số đợt đào tạo lái xe A1 và trung tâm phải kéo dài tình trạng "sống dở, chết dở" này suốt 3 năm, đợi đến 2020 mới giải thể được.

Báo VietnamNet ngày 14/12/2018 dẫn nguồn tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước có 695 trung tâm giáo dục thường xuyên, bao gồm: 74 trung tâm cấp tỉnh, 621 trung tâm cấp huyện; 11.019 trung tâm học tập cộng đồng (cấp xã phường); 2.854 trung tâm ngoại ngữ – tin học. [6]

Bao nhiêu phần trăm trong số các trung tâm này hoạt động hiệu quả, bao nhiêu phần trăm hoạt động cầm chừng, hoạt động sai mục đích hoặc đắp chiếu? Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá như thế nào và giám sát của Quốc hội cho thấy thực chất hoạt động của các trung tâm này ra sao, chúng tôi xin phân tích trong bài viết tới.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/noi-niem-truong-hoc-khong-tro-20181210203057685.htm

[2]https://baonghean.vn/10-can-bo-giao-vien-day-21-hoc-sinh-124267.html

[3]https://baohatinh.vn/lao-dong-viec-lam/thua-thot-hoc-sinh-cac-trung-tam-gdnn-gdtx-chet-lam-sang/141380.htm

[4]http://baobinhphuoc.com.vn/Content/giai-the-trung-tam-giao-duc-nghe-nghiep---giao-duc-thuong-xuyen--cach-lam-rieng-cua-bu-dang-03715

[5]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/37730702-ban-khoan-quanh-de-xuat-giai-the-sap-nhap-trung-tam-gdnn-gdtx-mong-cai.html

[6]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/cong-bang-trong-giao-duc-cua-viet-nam-da-dat-o-muc-tuong-doi-494474.html

Hồng Thủy