Giao quyền tự chủ cho các trường ĐH vẫn còn nửa vời

03/11/2011 07:08
Thu Giáo
(GDVN) - Trong phiên họp sáng 2/11, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về các luật, trong đó có Luật Giáo dục đại học.
Trình bày trước Quốc hội về dự luật giáo dục đại học, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận, giáo dục đại học còn hạn chế như phương pháp quản lý chậm thay đổi, chưa bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, chưa phát huy sự sáng tạo của nhà giáo, nhà quản lý và người học. "Vì vậy, việc ban hành luật này là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của giáo dục đại học", Bộ trưởng Luận nói.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng cũng chỉ rõ, giáo dục đại học bộc lộ nhiều yếu kém, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục đại học chưa hoàn chỉnh.

Giao quyền tự chủ có phân loại

Theo giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ban soạn thảo đã lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhất là các thầy giáo để chuẩn bị dự thảo lần đầu khá công phu.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đồng tình cho rằng, dự thảo đã có quy định rất mở. “Các trường được quyền tự quyết định chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo, tự in ấn, cấp phôi bằng. Đây là văn bản quy định rộng rãi nhất quyền tự chủ của các trường so với các văn bản pháp luật và văn bản chỉ đạo từ trước đến nay”, ông Thuyết nói.

Nhưng theo ông, với hiện trạng các trường hiện nay, nếu buông hoàn toàn thì chưa thể tin tưởng, nên việc thực hiện quyền tự chủ phải có lộ trình và phân tầng đại học. “Các trường có thể vì quyền lợi của mình mà tuyển sinh bằng bất kỳ giá nào, cho điểm sinh viên rộng rãi để có bằng tốt mà không đảm bảo chất lượng”.

Về vấn đề trên, giáo sư Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của quốc hội nói: “Với thực trạng tại các trường đại học, nếu không phân loại các trường ra để giao quyền tự chủ xứng với khả năng thực hiện thì có thể dẫn tới tình trạng "vô chính phủ," không kiểm soát được chất lượng”.

“Chúng tôi ủng hộ dự thảo trong việc giao quyền tự chủ có phân loại. Trường đại học nào có khả năng đến đâu thì giao quyền tự chủ ở mức độ tương ứng đến đó. Hướng đến sẽ trao toàn quyền tự chủ cho các trường nhưng phải có lộ trình”, ông Thi nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, cần đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các trường tự quyết định những vấn đề chuyên môn, còn cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát hoạt động của trường và tập trung vào trách nhiệm chính là hoạch định chính sách, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, xóa bỏ dần cơ chế xin - cho. "Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học không làm thay việc của các trường", ông Thi nói thêm.

Chủ nhiệm Thi đề nghị, dự luật giáo dục đại học cần quy định rõ, trình độ giảng viên phải cao hơn trình độ đào tạo. Cụ thể, giảng viên cao đẳng ít nhất phải có trình độ đại học, còn giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu, dự thảo về việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học vẫn còn nửa vời.

Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập góp ý cho dự thảo: “Dự án Luật Giáo dục ĐH cần phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục ĐH phân tầng, thống nhất, rõ ràng và hiệu quả, tạo điều kiện phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục ĐH, triệt tiêu tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến trong quản lý giáo dục ĐH. Nếu dự thảo chưa hội đủ các yếu tố cần thiết thì tốt nhất là không nên thông qua”.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khi giao quyền tự chủ cho các trường thì nên giao thực sự chứ không phải phân cấp cho cấp dưới. Thực tế cho thấy, chuyên viên làm việc tại Bộ GDĐT không thể duyệt, thẩm định hàng trăm chương trình của các trường với một khối lượng công việc khổng lồ mà có thể khẳng định là đạt chất lượng được.
Từ nhiều năm trước, đề nghị xóa bỏ cơ chế xin - cho trong giáo dục đại học đã được đề cập đến nhưng vẫn chưa được thực hiện. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Từ nhiều năm trước, đề nghị xóa bỏ cơ chế xin - cho trong giáo dục đại học đã được đề cập đến nhưng vẫn chưa được thực hiện. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Băn khoăn về hội đồng trường, lợi nhuận và phi lợi nhuận

Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, dự thảo vẫn còn nhiều điểm cần phải bổ sung, kiện toàn. Trong đó, vấn đề gây nhiều băn khoăn là vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận.
    
Theo ông Đào Trọng Thi, Dự thảo cần làm rõ và cụ thể hơn khái niệm lợi nhuận và phi lợi nhuận. Ông cho hay, các nhà đầu tư cũng cần có lợi nhuận mới kêu gọi được xã hội hóa giáo dục, nhưng do đây là lĩnh vưc đặc thù nên Luật cần quy định rõ về mức độ lợi nhuận hợp lý.

Giáo sư Phạm Minh Hạc nhận định, thực trạng tuyển sinh vừa qua cho thấy tình trạng thương mại hóa giáo dục đại học đang ngày càng trầm trọng. Có trường công khai thuê người đi tuyển sinh viên, trả giá cho mỗi sinh viên đến nhập học, đòi hạ điểm sàn để tuyển sinh được nhiều, cốt chỉ vì lợi nhuận.

“Việc làm sao kiểm soát, khắc phục tình trạng này ở trong Dự thảo Luật còn chưa rõ ràng” ông Hạc nói.

Về điều này, ông Thuyết nêu quan điểm, phải chấp nhận hai loại hình trên, vì khi đầu tư, không mấy người không vì lãi. “Nhưng phải phân định rõ hai loại trường này để có chính sách cho từng loại hình trường về đất đai, thuế, nghiện cứu khoa học. Nếu quy định chung chung thì không thể điều hành được”, ông Thuyết nói.

Vấn đề Hội đồng trường cũng gây ‘nóng’ tại nghị trường, theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, trong Dự thảo Luật viết chủ tịch hội đồng trường là hiệu trưởng, giám đốc trường, học viện. Ông cho biết: “Trong văn bản góp ý với Bộ, tôi cũng nói chủ tịch hội đồng trường không thể là hiệu trưởng vì như thế là vừa đá bong vừa thổi còi. Lập ra hội đồng trường để giám sát công việc của ban giám hiệu nhưng hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường thì ai dám nói gì? Nếu cứ để kiêm nhiệm thì không làm được”.

Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, cũng cho rằng dự luật không nói rõ như thế nào là phi lợi nhuận, trong khi thực chất các trường ngoài công lập đang chạy theo lợi nhuận. Theo ông Nghị, trường ngoài công lập hiện nay phần nhiều không được cấp đất xây trường, phải đi vay vốn ngoài nên khó mà khuyến khích phi lợi nhuận được.

Trong bản kiến nghị vừa gửi lên Bộ Chính trị liên quan đến dự thảo Luật Giáo dục ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng cho rằng về cơ chế lợi nhuận, Nhà nước chưa có quy định hệ thống tiêu chí rõ ràng để xác định thế nào là phi lợi nhuận, thế nào là vì lợi nhuận.

Vì vậy, cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực để có cơ chế, chính sách phù hợp... Đồng thời, chỉ những cơ sở giáo dục ĐH chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng được Nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận  mới được quyền hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Tại hội nghị, các đại biểu hy vọng, khi luật giáo dục đại học được ban hành phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin - cho” đang phổ biến hiện nay mà nguồn gốc của nó chính là cơ chế quản lý một chiều: Nhà nước - nhà trường. Trong cơ chế này, Nhà nước vừa đưa ra chính sách vừa làm luôn nhiệm vụ giám sát.

Thu Giáo