Đề thi giống nguyên xi là do chọn giáo viên ra đề chưa tốt

07/06/2019 06:19
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Thay vì điều chỉnh, tự ra mới hoàn toàn, một số thầy cô lại lấy nguyên xi, thậm chí cả những câu hỏi mà mình vừa ra cho học sinh làm trong thi thử tại trường.

LTS: Sau sự cố khiến 6.400 học sinh tại Quảng Bình phải thi lại môn Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10, thầy giáo Kiên Trung cho rằng lỗi là ở công tác chọn giáo viên ra đề thi chưa tốt.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo chí phản ánh, chiều tối ngày 4/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp khẩn xin lỗi tất cả phụ huynh và thí sinh phòng thi số 25 (do giám thị ký nhầm vào ô giám khảo) và bàn phương án xử lý về sự cố đề thi môn Văn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 tại Quảng Bình và đề thi Văn học kỳ 2 của học sinh lớp 9, thuộc các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Đồng Hới có nội dung tương tự nhau ở cả 2 phần Đọc hiểu và Làm văn.

Ban chỉ đạo thi và tuyển sinh đã quyết định tổ chức thi lại môn Ngữ văn cho toàn bộ thí sinh trên địa bàn tỉnh.

Rất nhiều phụ huynh và thí sinh tại Quảng Bình xôn xao khi biết thông tin sẽ thi lại môn Ngữ văn.

Trường trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình). Ảnh: NP
Trường trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình). Ảnh: NP

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thi lại môn học này gây nhiều luồng dư luận trái nhiều, khiến phụ huynh và học sinh bất bình phản đối.

Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu ban chỉ đạo hội đồng thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh khắc phục sai sót để kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra nghiêm túc.

Ông Quang cũng yêu cầu công an phải sớm vào cuộc điều tra dấu hiệu tiêu cực liên quan việc trùng đề thi tuyển sinh.

Ông Hoàng Đăng Quang khẳng định việc để xảy ra sự cố bất thường ảnh hưởng rất lớn tâm lý học sinh và phụ huynh.

Báo Vietnamnet đưa tin (ngày 6/6), ngay sau khi kết thúc buổi thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Quảng Ngãi chiều 5/6, nhiều thí sinh phản ánh đề thi "có vấn đề". 

Theo các thí sinh, một số nội dung của đề thi chính thức môn Toán tuyển sinh vào lớp 10 tại Quảng Ngãi giống với đề thi thử của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bá Loan (huyện Mộ Đức).

Cách ly giáo viên ra trùng đề thi khiến 6.400 thí sinh phải thi lại
Cách ly giáo viên ra trùng đề thi khiến 6.400 thí sinh phải thi lại

Cụ thể, đề thi chính thức môn Toán có 6/8 ý của 2 bài (tổng 6 điểm) giống với đề thi thử của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bá Loan ngày 27/5. 

Liên quan đến phản ánh nêu trên, ông Đỗ Văn Phu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi, thừa nhận đề thi chính thức môn Toán có một số nội dung giống với đề thi thử của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bá Loan.

Tuy nhiên, theo ông Phu, việc này không ảnh hưởng đến đề thi chính thức.

Từ việc 2 đề thi môn Ngữ văn và môn Toán của tỉnh Quảng Bình và Quảng Ngãi trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm nay có những câu hoàn toàn giống nhau với đề thi học kỳ 2, đề thi thử của một trường trung học cơ sở, một Phòng giáo dục, ở góc độ chuyên môn, trải nghiệm của bản thân nhà giáo, tôi nêu ra đây một số thực trạng dễ nảy sinh.

Đó là giáo viên cốt cán của một số trường được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động ra đề  thi tuyển sinh vào lớp 10.

Khi vào làm đề, có một số giáo viên lựa chọn, sử dụng nguồn đề, câu hỏi có sẵn trong sách, tài liệu, máy tính của mình được phép đem vào khu vực cách ly.

Thay vì điều chỉnh, thay đổi, tự ra mới hoàn toàn, một số thầy cô lại lấy nguyên xi, thậm chí cả những câu hỏi mà mình mới vừa ra cho học sinh làm trong thi học kỳ, thi thử tại trường.

Theo nhiều thầy cô, cách ra đề như vậy vừa đỡ tốn công sức, thời gian suy nghĩ vừa tạo nên sự an toàn, chắc chắn cho bản thân (vì đã có sẵn).

Hơn nữa, cách ra đề như vậy, học trò của mình (đặc biệt diện học trò đi học thêm, ôn luyện) vô cùng lợi thế so với những học trò trường khác, học trò không đi học thêm mình.

Giám đốc sở Giáo dục Quảng Bình nói gì về 6.400 thí sinh phải thi lại môn Văn?
Giám đốc sở Giáo dục Quảng Bình nói gì về 6.400 thí sinh phải thi lại môn Văn?

Học thầy, trúng đề của thầy còn gì sướng bằng. Học sinh đỗ điểm cao là cái chắc.

Còn thầy cô giáo ấy được hưởng lợi không kém: tiếng tăm lan xa, số lượng học sinh tìm đến học thêm sẽ tăng lên, thu nhập càng cao.

Về khâu ra đề thi trong các văn bản, quy trình, hướng dẫn hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo dường như chẳng có quy định cụ thể, ràng buộc nào, các câu hỏi của đề thi tuyển sinh vào 10 không được phép trùng lặp lại đề thi thử, đề thi kiểm tra đã sử dụng trước đó của trường, của phòng giáo dục ở cùng địa phương hoặc khác địa phương.

Thực ra nguồn đề thi, câu hỏi hiện nay khá phong phú, đa dạng từ sách, từ mạng, từ chia sẻ của đồng nghiệp… rất khó kiểm chứng, quy trách nhiệm.

Ví dụ, thầy A được Sở Giáo dục và Đào tạo rút đi làm đề thi, thấy các đề, đáp án xin được của đồng nghiệp (lưu trong máy tính) cũng hay nên lấy ra sử dụng, đưa vào đề thi, nào ai biết đồng nghiệp của mình đã sử dụng đề ấy ở trường, ở Phòng giáo dục nơi đó rồi.

Vấn đề quan trọng nhất đối với  các sở giáo dục và đào tạo là phải lựa chọn chính xác các thầy cô giáo thật sự có đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn tốt.

Vào làm đề thi với thái độ, tinh thần làm việc, trách nhiệm cao, biết sáng tạo, tự làm được các đề thi đảm bảo chất lượng, yêu cầu.

Tuyệt đối không lựa chọn các thầy cô giáo có biểu hiện vụ lợi, coi việc ra đề thi (cố tình ra đề thi, dạng đề giống hoàn toàn đã sử dụng trước đó) để tạo tiếng tăm, dạy học thêm bằng mọi chiêu thức.

Thầy cô có tâm, có tài làm sao còn tồn tại các đề thi tuyển sinh vào lớp 10 giống nguyên xi như vậy gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận, học sinh và phụ huynh mấy ngày nay.

KIÊN TRUNG