Giống lép và Mùa củi

10/06/2019 06:01
Xuân Dương
(GDVN) - Một khi “Hạt giống đỏ” không thực sự đỏ thì cây dẫu có mọc trên mảnh đất màu mỡ cũng chỉ là dây leo, không thể thành cây chứ đừng nói là cây cao, bóng cả.

Ngàn đời nay, để có mùa màng bội thu, người nông dân nước Việt luôn nhớ câu thành ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Trong bốn yếu tố nêu trên, “Nước” chiếm vị trí số một, “Giống” nằm ở vị trí cuối cùng, nếu giống lép hay mang mầm bệnh thì hiển nhiên sản phẩm cuối cùng chỉ có thể là rơm chứ không phải “mùa vàng”.

Nếu hiểu “Nước” là quốc gia thì “Giống” là đội ngũ lãnh đạo kế cận.

Tại Pháp, Singapore và một số quốc gia khác người ta thành lập các “Trường hành chính quốc gia” để đào tạo nguồn lãnh đạo kế cận.

Tại Trung Quốc có ý kiến cho rằng nước này xây dựng đội ngũ kế cận từ các “Thái tử đảng”, cụm từ này đôi khi được thay thế bằng “Hạt giống đỏ”.

Tại Việt Nam, chủ trương “Luân chuyển hoặc điều động” cán bộ được hiểu là các “hạt giống đỏ” được sàng tuyển kỹ càng đưa về địa phương để ươm mầm, sau khi thành “cây” cứng cáp thì đặt vào những vị trí dự kiến.

Ngàn đời nay, để có mùa màng bội thu, người nông dân nước Việt luôn nhớ câu thành ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Ảnh minh họa: Hatgiongtamhon.vn
Ngàn đời nay, để có mùa màng bội thu, người nông dân nước Việt luôn nhớ câu thành ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Ảnh minh họa: Hatgiongtamhon.vn

Năm 2014, Bộ Chính trị điều động, luân chuyển 44 cán bộ trong đó một Ủy viên Trung ương (Sơn Minh Thắng) và một Ủy viên dự khuyết trung ương (Nguyễn Thanh Nghị) về các địa phương giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 25 người sẽ giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 19 người còn lại giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố. 

Trong danh sách công bố, có ông Phạm Văn Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân  tỉnh Sơn La.

Có thông tin cho rằng ông Thủy là em trai một vị lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu.

Theo Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cán bộ được điều động, luân chuyển phải làm việc tại vị trí mới trong thời gian ít nhất là 03 năm (36 tháng), trừ một số trường hợp đặc biệt, nếu như vậy thì đến năm 2017 ông Thủy đã có thể được đề bạt vị trí công tác mới.

Không biết vì sao đã gần sáu năm ông Phạm Văn Thủy vẫn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La mà chưa được luân chuyển?

Mới đây ông Thủy bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do một số sai phạm liên quan đến vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại tỉnh Sơn La.

Quan chức thực ra có mấy mặt? (2)
Quan chức thực ra có mấy mặt? (2)

Những người được lựa chọn, được đặt vào vị trí lãnh đạo tỉnh, thành phố chắc chắn phải là những người được tin cậy, được đánh giá là có khả năng phát triển.

Thế thì vì sao không ít người trong số đó như Trịnh Xuân Thanh (Hậu Giang), Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh (Đà Nẵng), Phạm Văn Thủy (Sơn La), Lê Trương Hải Hiếu (Thành phố Hồ Chí Minh),… lại bị kỷ luật, có người phải ngồi tù?

Những người nêu trên đều có thân nhân là cựu lãnh đạo cao cấp, sinh ra trong gia đình có đầy đủ mọi yếu tố về chính trị, kinh tế, được đào tạo bài bản nhưng vì sao lại trở thành những “hạt giống lép”?

Một khi “Hạt giống đỏ” không thực sự đỏ thì cây dẫu có mọc trên mảnh đất màu mỡ cũng chỉ là dây leo, không thể thành cây chứ đừng nói là cây cao, bóng cả.

Đây phải chăng chỉ là thiếu sót nhỏ trong phương pháp lựa chọn hay là kết quả tất yếu của một “quy trình” mà dân chúng gọi là “Tứ ệ”: “Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”?

Tổng Bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng từng nêu câu hỏi:

“Nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045 nước ta sẽ thế nào?...”.

Trả lời câu hỏi này không phải chỉ là nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ trẻ đang được bồi dưỡng (trong đó có 44 người được điều động, luân chuyển năm 2014) mà còn là sứ mệnh của đội ngũ trí thức, những người lao động, doanh nhân, nhà giáo,…

Có ý kiến cho rằng hiện nay, “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực trong đó có cả lĩnh vực “quản lý biên chế, nhân sự”. [1]

Biểu hiện rõ nhất của “Nhóm lợi ích biên chế, nhân sự” là việc đưa người nhà hoặc “cánh hẩu” vào các vị trí trong hệ thống chính trị, không loại trừ trường hợp đổi tình lấy chức như bài báo đăng ngày 14/05/2016: “Đổi tình lấy chức cũng bị xử lý hình sự” (báo Phapluatplus.vn – Cơ quan của Bộ Tư pháp).

Một khi tồn tại “Nhóm lợi ích biên chế, nhân sự” thì thật khó để những người tài năng nhưng không thuộc hàng ngũ “con cháu các cụ”, không thuộc diện “Tứ ệ” chen chân vào bất kỳ vị trí nào trong hệ thống.

Tại Hà Giang, báo Nld.vn trong bài: “Cả nhà Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm quan” viết: “Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh khẳng định việc bổ nhiệm vợ, con, em trai, em rể… của ông làm lãnh đạo ở các sở, ngành là đúng quy trình (!?)”. [2]

Lò nóng và củi tươi đang cháy!

Báo Tienphong.vn đăng một bài viết khá đặc biệt với tiêu đề: “Gian lận thi cử Sơn La: Giúp “xem điểm thi” vì cùng quê Thanh Hóa?”.

Bài báo cho biết Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Nguyễn Thị H. khai tại cơ quan điều tra:

Do tình cờ gặp tại cổng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và biết 2 thí sinh Ngô Đức A. và Lê Văn T. là đồng hương quê Thanh Hóa nên đã nhận lời giúp xem điểm thi cho 2 thí sinh này”. [3]

Quê Thanh Hóa lên miền núi công tác, tình cờ gặp đồng hương dù chỉ là các cháu đang học phổ thông cũng lập tức giúp xem “kết quả chấm thi có đạt được với điểm số dự báo hay không”? [2]

Tình cảm “đồng hương Thanh Hóa” của Nguyễn Thị H. khiến người nghe không biết nên cười hay nên khóc.

Dẫu sao vẫn phải thừa nhận vị Phó phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La này rất “có tâm” với đồng hương của mình.

Nói đến Thanh Hóa, cho đến nay dư luận vẫn chưa quên câu chuyện “nâng đỡ không trong sáng” giữa một cựu Phó Chủ tịch tỉnh với một nữ cán bộ cấp phòng của sở Xây dựng.

Vụ này khiến ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh mất chức, phải về làm chuyên viên văn phòng Ủy ban Nhân dân.

Hàng loạt bài báo đặt nghi vấn chuyện “nâng đỡ không trong sáng” này thực chất có phải là “đổi tình lấy chức” như cụm từ mà Phapluatplus.vn sử dụng?.

Chuyện “đồng hương Thanh Hóa” ở Sơn La khiến người ngoài cuộc không thể không băn khoăn, liệu bà Phó phòng Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La kia có tình cờ gặp một một “đồng hương” ở “cổng Ủy ban Nhân dân tỉnh” và nhờ “đồng hương” ấy giúp xem “cái gì đó” có đạt được với “điểm số” mà bà í dự báo hay không?

Trở lại trường hợp Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo, đây mới là hình thức kỷ luật trong đảng.

Tiếp theo liệu sẽ có xử lý theo các điều khoản pháp luật quy định hay “nghiêm túc rút kinh nghiệm” thì còn phải chờ.

Vấn đề người dân thấy rõ nhất là cho đến nay, chưa có bất kỳ cán bộ, đảng viên nào trong số những người liên quan đến vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình nộp đơn xin từ chức kể cả những người vừa bị kỷ luật như hai ông Phạm Văn Thủy, Hoàng Tiến Đức.

Trận đánh quyết định, công phá “Nhóm lợi ích Quan-Doanh”
Trận đánh quyết định, công phá “Nhóm lợi ích Quan-Doanh”

Trong bối cảnh đó, câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải  (Thành phố Hồ Chí Minh) viết đơn xin từ chức chỉ sau ít giờ nhận nhiệm vụ rất đáng để suy ngẫm.

Nhận xét việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - cho rằng:

Ứng xử như vậy là thiếu tôn trọng với tổ chức và cũng là tự mình thiếu tôn trọng bản thân.

Bởi vì nói cho cùng, muốn người ta tôn trọng, đánh giá đúng được mình thì trước hết phải tôn trọng mình và phải có ứng xử chuẩn mực… Tổ chức tôn trọng cá nhân thì cá nhân cũng phải tôn trọng tổ chức”. [4]

Phát biểu của bà Tâm có nghĩa là khi tổ chức đã phân công công tác thì không được từ chức, từ chức là “thiếu tôn trọng với tổ chức”.

Nói cách khác, cứ như ý kiến của người từng là Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì cán bộ trong hệ thống chính trị không được phép từ chức khi tổ chức đã phân công công tác.

Vậy thì hàng trăm bài báo viết về “Văn hóa từ chức” có phải chỉ là việc làm của những người “rỗi hơi”?

Cứ như bà Tâm, khi “tổ chức” đã chọn một nhân sự, đặt họ vào vị trí thì duy trì chức vụ của họ là việc của “tổ chức”, cá nhân không được phép từ chức?

Nếu đã thế, không thể nói những người “tay nhúng chàm” không chịu từ chức đang mặt dày trước dư luận mà chỉ là họ phải tuân thủ một “quy trình” bây giờ mới được bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bật mí!

Đánh giá vai trò cấp ủy, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định:

Vẫn còn cấp uỷ chưa khẳng định được trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; có biểu hiện "trên nóng dưới lạnh", "trên có chính sách, dưới có đối sách"; dù có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nhưng chưa khai thác, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật”. [5]

Nếu giả dụ chuyện "trên có chính sách, dưới có đối sách" được cấp dưới áp dụng vào việc luân chuyển, điều động cán bộ thì “chính sách” có thể thành công?

Những “hạt giống” dù “đỏ” mấy nhưng được đưa về địa phương mà ở đó “cấp uỷ thụ động, trông chờ, ỷ lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân” thì việc bị thui chột là khó tránh và vì vậy việc tìm kiếm người tài cho các vị trí lãnh đạo có nên theo hình thức thi tuyển công khai, minh bạch?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nhom-loi-ich-dang-dua-dat-nuoc-dung-truoc-nhung-nguy-co-kho-luong-538588.html

[2] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ca-nha-bi-thu-tinh-uy-ha-giang-lam-quan-20160917225532658.htm

[3]https://www.tienphong.vn/giao-duc/gian-lan-thi-cu-son-la-giup-xem-diem-thi-vi-cung-que-thanh-hoa-1423791.tpo

[4]https://dantri.com.vn/blog/su-khon-ngoan-kin-ke-cua-ong-doan-ngoc-hai-20190607013203057.htm

[5] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/toan-van-bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-ve-chuan-bi-dai-hoi-dang-13-539309.html

Xuân Dương