Nghị quyết Trung ương 10 tiếp tục tạo ra một bước ngoặt về mới trong quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Nghị quyết này, Đảng đã xác định rõ kinh tế tư nhân là nền tảng của kinh tế thị trường.
Với quan điểm đó, tất cả đường lối chính sách của Đảng cũng như các chính sách quản lý của Nhà nước đang và sẽ chuyển hướng theo tinh thần đặt kinh tế tư nhân thành đối tượng trung tâm; Tạo lập điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp.
Điều này không chỉ nằm ở chủ trương, mà đã trở thành khuôn khổ pháp lý khi tháng 6/2017, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Quochoi.vn |
Vừa qua, trong báo cáo kinh tế - xã hội được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế".
Vậy đâu là giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân sớm đạt được mục tiêu trên?
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề trên.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những chính sách cho doanh nghiệp tư nhân có lẽ bây giờ đã khá đầy đủ rồi. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là thực hiện.
Ông Kiên cũng nhấn mạnh thêm là nếu doanh nghiệp tư nhân làm giỏi thì họ xứng đáng có được các danh hiệu, những ghi nhận cho sự đóng góp đó.
“Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh trong phát biểu gần đây rằng “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân. Theo tôi hiểu là ở khối doanh nghiệp Nhà nước làm tốt, chúng ta phong họ là chiến sỹ thi đua toàn quốc, trao tặng anh hùng lao động thì khối doanh nghiệp tư nhận cũng phải nhận được các danh hiệu đó.
Danh hiệu đó là danh hiệu của đất nước trao tặng cho những cá nhân, đơn vị có đóng góp cho đất nước chứ không phải là danh hiệu dành riêng cho những người làm trong khối doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta phải hiểu rộng ra như thế”, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng trước kia, chúng ta coi doanh nghiệp tư nhân là trụ cột phát triển kinh tế nhưng chỉ nói chung chung, là doanh nghiệp tư nhân thông thường, nhưng hiện nay đã nhận thấy rất rõ các tập đoàn tư nhân lớn để phát triển các chuỗi giá trị là cần thiết.
Ông Cường nói: “Chúng ta cần chú ý và xem xét việc hình thành các tập đoàn tư nhân dựa vào đâu, dựa vào gì?
Vì hiện nay phần lớn sự phát triển của các doanh nghiệp này đến từ khai thác lợi thế từ đất đai, tài nguyên, thương mại. Và nếu dựa vào con đường khai thác như thế này thì các nước phát triển đã đi từ thế kỷ 15-16.
Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải dựa vào sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị nhưng cũng cần có tính toán kỹ càng”.
Đối với các cấp chính quyền, đặc biệt là ở các thành phố lớn theo đại biểu Cường, các thành phố, đô thị lớn như Thành phố Hà Nội đang có chủ trương xây dựng chính quyền đô thị và đô thị thông minh.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam với thế giới |
“Đây vừa là yêu cầu, vừa là cơ hội đối với các doanh nghiệp tư nhân, giúp họ xác định được chỗ đứng trong thị trường và hướng vào các dịch vụ xây dựng đô thị thông minh.
Thực tế, các doanh nghiệp ra đời hầu hết có ý tưởng táo bạo, nhưng lại hạn chế về nguồn lực.
Vì vậy, để giúp doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp, các thành phố cần thúc đẩy hơn các trung tâm về khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp…”, đại biểu Cường nêu quan điểm.
Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, với quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiêp, hướng tới xây dựng chính quyền liêm chính, chính quyền phục vụ, kiến tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi các cơ quan công quyền hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, phải thể hiện được sự chuyển động này đừng để “trên nóng, dưới lạnh”.
Từ hàng loạt dự án triển khai, chúng ta cũng đã nhận thấy nếu được triển khai bởi các doanh nghiệp tư nhân thì tốc độ, hiệu quả cao hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước.
Trên thực tế hiện nay để phát triển kinh tế từng địa phương và kinh tế đất nước nói chung, nhiều dự án đã phải được áp dụng mô hình BOT hoặc BT, nhằm tận dụng nguồn lực và khả năng xây dựng, quản lý và khai thác hiệu quả từ các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cũng ngăn chặn được sự trì trệ và nguy cơ thất thoát nếu rơi vào doanh nghiệp nhà nước.
Các mô hình này cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công.
Theo các Đại biểu Quốc hội, với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trong nhiều năm qua, những doanh nghiệp tư nhân đang dẫn đầu, là niềm tự hào của Việt Nam với thế giới xứng đáng được tôn vinh.
Sự ghi nhận ấy cũng chính là động lực thúc đẩy khối kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, có thêm nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước.