Ngay khi Cách mạng tháng 8 thắng lợi, nước ta giành được độc lập thì một trọng những vấn đề mà Bác Hồ quan tâm đó là xây dựng đội ngũ cán bộ cho chính quyền cách mạng.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu non trẻ của nền cộng hòa, Bác Hồ đã luôn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.
Từ thời điểm đó, Bác đã căn dặn: “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”.
Bác Hồ luôn trăn trở làm sao có một thế hệ cán bộ chính quyền hết lòng vì dân, vì nước (ảnh tư liệu - nguồn baotanghochiminh.vn). |
Cụ thể, trên Báo Cứu quốc số 51, ngày 26/9/1945 đăng tải bài viết với bí danh Chiến Thắng, Bác Hồ viết:
“Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác – hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót.
Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước.
Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi.
Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem các chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi.
Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phế bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.