Trường học hạnh phúc là khái niệm mới có ở Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng ở Thế giới họ đã thực hiện từ rất lâu rồi.
Học sinh khi đến trường các em không bị áp lực và cảm thấy có niềm vui. Những cảm xúc này có tính chất quyết định vì tâm hồn trẻ đang phát triển lại được sống trong cảm xúc tích cực thì các em sẽ học tập tốt hơn.
Theo thầy Hòa: "Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn coi trọng tiêu chí vì sự tiến bộ của mỗi học sinh, và sự tiến bộ được đánh giá trên bản thân, so với năng lực và thang bậc của từng em. Có như vậy mới công bằng và khuyến khích các em phát triển". Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ:
“Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của chúng tôi đã thực hiện mô hình này từ rất lâu rồi, với tiêu chí mọi học sinh đến trường đều được hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Các em không phải chịu áp lực của điểm số, của học tập, không bị mắng và không bị nhìn nhận dưới góc độ điểm số, có nghĩa là với em học giỏi và các em học chưa tốt đều được các thầy cô tôn trọng như nhau.
Hiện nay có rất nhiều trường luôn coi trọng thành tích và điểm số, những em không có thành tích như mong muốn thì bị nhìn dưới con mắt khác hay còn gọi là học sinh cá biệt, điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em.
Việc tiến bộ này phải phù hợp với từng em học sinh và tôi không lấy điểm số ra rồi gán cho mỗi em để đạt được cái giỏi, cái khá. Mỗi học sinh phải tiến bộ trong việc học tập, trong việc phát triển nhân cách, hình thành những phẩm chất, năng lực.
Sự tiến bộ ở đây là so với chính bản thân các em. Tôi vẫn thường nói với các thầy cô giáo và các phụ huynh rằng mỗi đứa trẻ sinh ra thì trời phú cho một cái gì đó, cha mẹ các em cũng để lại một cái gì đó về bộ di truyền gen và đó là cái có sẵn”.
Nó phù hợp với từng khả năng con người, từng gia đình và từng hoàn cảnh của đứa trẻ, về tâm lý khác nhau. Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng và hoàn toàn không thể đánh đồng.
Thầy Hòa nêu quan điểm:“Vậy nếu chúng ta so sánh, cào bằng, cứ lấy các chỉ tiêu đánh giá về điểm số ra rồi bắt học sinh như nhau cả, nền Giáo dục cứ tuân theo kỉ luật, tuân theo quy chế và bắt học sinh phải tuân theo hết thì hóa ra là chúng ta đào tạo người máy.
Chúng ta quên đi cái riêng biệt của mỗi học sinh thì sự tiến bộ của em đó sẽ không được đánh giá đúng mức, vì chúng ta cứ lấy học sinh giỏi ra để làm chuẩn thì đến bao giờ những em học kém mới vươn lên được?
Dưới con mắt của thầy cô là kém, nhưng sau này ra đời thì em đó có những mặt mạnh riêng, và chắc chắn sẽ thành công và đôi khi còn thành công hơn những em học vẹt, thực tế đã chứng minh điều này!
Cuộc đời cần nhiều những kỹ năng và khả năng học tập chỉ là một trong 100 hoặc 1000 khả năng đó thôi. Lâu nay chúng ta cứ coi kết quả việc học tập là tất cả nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
Vậy nên Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn coi trọng tiêu chí vì sự tiến bộ của mỗi học sinh, và sự tiến bộ được đánh giá trên bản thân, so với năng lực và thang bậc của từng em. Có như vậy mới công bằng và khuyến khích các em phát triển.
Còn nếu chúng ta cứ chạy theo điểm số và thành tích thì chính chúng ta và cả các em sẽ phải chịu áp lực học hộ bố mẹ và thầy cô, lúc đó mỗi ngày đến trường đều tăng thêm áp lực thì các em sẽ không phát triển được”.
Với tiêu chí 2 chỉ số là chỉ số hạnh phúc của mỗi học sinh và sự tiến bộ của mỗi học sinh, cái đó thay cho điểm số, thay cho đánh giá phân loại xếp loại học sinh.
Chỉ số đó sẽ tạo động lực cho học sinh phấn đấu học tập trên cơ sở tự giác, có như vậy thì khi những em đó ra xã hội sẽ rất thành công.
Cần phải làm gì?
Quan điểm Giáo dục từ bao lâu nay của các thầy cô giáo đều bị bó cứng trong những quy chế, quy định, mục tiêu, phân loại đánh giá học sinh và đánh giá giáo viên.
Như nghị quyết 29 đã chỉ ra lâu nay chúng ta nặng về một nền Giáo dục cung cấp kiến thức, chứ không quan tâm tới sự phát triển cá tính của từng con người.
Suốt ngày thầy cô chỉ nghĩ đến chuyện dạy học, nhồi nhét cho học sinh với tất cả kiến thức có trong một cuốn sách giáo khoa.
Thầy Hòa chia sẻ: “Tôi đã đọc hàng nghìn quyển học bạ nhiều năm nay từ lớp 6 đến lớp 9 thì những học sinh giỏi đều được phê câu đầu tiên là : Ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật tốt.
Như vậy là vô hình chung người ta đào tạo những học sinh theo cách đó và ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật tốt chính là đầu ra của học sinh.
Không quy định nhưng vô hình chung đó là mục tiêu Giáo dục của chúng ta, một mục tiêu không có văn bản, nhưng đã tồn tại mấy chục năm nay.
Việc ngoan vâng lời không có gì sai nhưng nó thể hiện một nền Giáo dục đào tạo ra những con người chỉ biết phục tùng, chỉ biết nghe theo và đó cũng là tàn dư của mục tiêu Giáo dục nô lệ thời phong kiến đế quốc.
Ngoan, vâng lời thì mới dễ điều khiển, dễ cai trị. Còn mục tiêu hiện nay của thời đại xã hội chủ nghĩa, thời 4.0 thì con người phải là năng động, phải tự chủ, phải sáng tạo”.
Nhà trường đưa ra rất nhiều quy chế kỷ luật bắt học sinh phải theo, bắt ne bắt nẹt học sinh.
Trong lớp phải ngồi ngoan, khoanh tay trên bàn và im lặng suốt giờ này qua giờ khác, năm này qua năm khác và thầy cô và cha mẹ nghĩ vậy là ngoan, vâng lời.
Nhưng đã bao giờ thầy cô hay cha mẹ thử đặt địa vị mình vào đứa trẻ trong suốt 12 năm ngồi như vậy thì có chịu được không, có chăng chỉ là những cái máy mới chịu được?
“Nếu như học sinh có phản ứng tự nhiên gì đó, không ngoan và vâng lời thì thầy cô bức xúc, không còn bình tĩnh nữa và sẽ dẫn đến tự tạo áp lực cho chính bản thân và tiếp theo sẽ dễ dẫn đến bạo lực.
Vậy muốn xây dựng trường học hạnh phúc thì cái khó là thay đổi quan niệm của các thầy cô giáo và các nhà quản lý trước hết là về mục tiêu, không phải là chỉ ngoan, vâng lời.
Mà phải đào tạo các em là những người biết tự chủ, năng động, sáng tạo, biết phản biện và phải cho phép các em thể hiện bản thân.
Có như vậy mới phát huy hết khả năng của mỗi em và bản thân các em cũng sẽ thấy hạnh phúc”, thầy Hòa nói.
Mục tiêu hiện nay của thời đại xã hội chủ nghĩa, thời 4.0 thì con người phải là năng động, phải tự chủ, phải sáng tạo. Ảnh: Tùng Dương. |
Những học sinh có sự khác biệt như hay nghịch trong lớp, nói chuyện, làm việc riêng và thậm chí nghe bạn phát biểu sai thì đứng lên phản biện luôn mà quên không xin phép thầy cô.
Chúng ta phải chấp nhận những cái đó chứ không phải vì không giơ tay khi phát biểu thì thầy cô lại phạt, đó là hành động chặn đứng những suy nghĩ, những tự chủ của em đó thì làm sao mà học sinh phát triển được.
Các thầy cô và các nhà quản lý phải thay đổi mục tiêu và chấp nhận sự khác biệt của học sinh, kể cả chấp nhận các em có lỗi vì ai mà không có lỗi.
Theo thầy Hòa:“Kinh nghiệm của tôi là 100 lần vấp ngã thì chỉ cần 1 lần thành công và đó sẽ là lần thành công cả đời, chứ làm sao mà có được 100 lần thành công trên 1 lần vấp ngã.
Nếu chúng ta cứ đào tạo kiểu ngoan, vâng lời như hiện nay thì sẽ dẫn đến việc học sinh không dám chấp nhận cái mình đã sai, không chấp nhận được vấp ngã thì sau này ra đời khi các em gặp những rủi ro, vấp ngã sẽ không vươn lên được.
Ngay từ trong nhà trường đã không để các em tự chủ, không để học sinh có sai, các em phải chấp nhận sự sai sót đó là tất yếu, phải chỉ cho học sinh thấy những cái sai và các em phải thay đổi.
Chứ cứ sai là kỷ luật, phạt, ruồng bỏ, miệt thị thì các em luôn luôn nghĩ phải đi đúng con đường, không bao giờ dám nói hay có ý kiến vì sợ sai.
Thành công từ việc chúng rút ra được những bài học quý giá từ những lần vấp ngã, thất bại và mỗi lần như vậy là một viên gạch xây nên thành công”.
Những ai cần thay đổi?
Xây dựng trường học hạnh phúc thì bản thân các thầy cô phải thay đổi quan điểm về mục tiêu Giáo dục, quan điểm về tâm lý của trẻ nhỏ, để đào tạo học sinh trở thành những con người biết tự chủ chứ không phải là đào tạo ra thiên tài.
Ai cũng mong muốn đào tạo con mình phải siêu, nhà trường nhồi nhét kiến thức theo kiểu đào tạo bác học, chính từ mong muốn học sinh phải khác biệt, phải giỏi đông tây kim cổ thì sẽ dẫn đến tự tạo áp lực cho mình.
“Hiệu trưởng, quản lý và các thầy cô giáo phải cởi mở, thương yêu và tôn trọng học sinh và hãy đào tạo các em trở thành một con người lao động bình thường chứ đừng nghĩ phải đào tạo thành ngôi sao.
Trước đây tôi nghĩ, ở trường thì học trò chỉ có nghe lời và tuân thủ... |
Có như vậy thì không ai bị sức ép, bên cạnh đó nên đi kèm với sự thương yêu chỉ bảo học sinh thì tất cả đều cảm thấy hạnh phúc.
Đó là việc rất dễ nhưng rất khó đối với mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc. Đầu óc của chúng ta đã bị đóng cứng mấy chục năm nay rồi.
Phụ huynh cũng phải thay đổi suy nghĩ, ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của chúng tôi thì thầy cô thay đổi, quản lý thay đổi, học sinh thay đổi và phụ huynh cũng thay đổi.
Về tư tưởng, chúng tôi đã phải thuyết phục phụ huynh hiểu được phương pháp Giáo dục mới là vì con người, không vì điểm số”, thầy Hòa cho biết.
Đối những học sinh hay thể hiện sự khác biệt ở trong lớp, quậy phá, thích làm những điều khác mọi người thì sẽ có 2 dạng. Dạng thứ nhất là về tâm lý không bình thường và dạng thứ hai là do tính cách của trẻ.
“Nếu ở dạng tâm lý thì ta phải xử lý theo kiểu tâm lý, học sinh phải được hỗ trợ về tâm lý một cách tích cực, hơi kỳ công và em đó sẽ thay đổi nhưng phải phân biệt để có sự hỗ trợ thường xuyên.
Còn nếu chúng ta luôn coi nó là một đứa trẻ quậy phá, không hỗ trợ về tâm lý và ứng xử như với những trẻ bình thường thì em đó sẽ bị ức chế và càng ngày sẽ càng nặng hơn.
Còn dạng thứ hai là do tính cách, có những học sinh rất là trầm tính, có em lại sôi nổi, có em hào hứng ham hoạt động thì tất cả đó gọi chung là tính cách và là hiện tượng bình thường hay còn gọi là khí chất.
Giáo dục là phải phát hiện được những cái bộc lộ đó, xem mặt nào mạnh để hướng dẫn những em đi vào đúng quỹ đạo.
Cái gì tích cực thì phát huy nó, ví dụ em đó học rất giỏi nhưng thầy cô dạy bài cũ và bắt em đó phải theo mọi người, như vậy em đó sẽ chán và dẫn đến nghịch phá.
Với những em như vậy, nếu thầy cô tâm lý thì chỉ cần giao cho một vài bài khó là tự khắc em đó sẽ hứng thú làm bài mà quên đi nghịch ngợm”, thầy Hòa nhấn mạnh.