Kết thúc phiên thảo luận, danh sách chờ đăng ký phát biểu vẫn còn 54 đại biểu.
Trước đó, tại phiên thảo luận về nội dung này tại tổ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê được 170 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: Quochoi.vn |
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - đoàn Bắc Giang bày tỏ sự nhất trí cao với quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Theo bà Hà, có nhiều người không đồng tình với việc tăng tuổi hưu, nhưng bà cho rằng "việc tăng này là cần thiết".
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra nhiều lý do nên tăng tuổi hưu vì "thời điểm đã chín muồi". Theo bà, quy định tuổi nghỉ hưu đang áp dụng đã được quyết định gần 60 năm trước.
Trong khi đó, hiện nay tất cả các điều kiện về kinh tế-xã hội, lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân, điều kiện phát triển đất nước cũng thay đổi rất nhiều.
Bà Hà cũng dẫn thêm số lao động bổ sung hàng năm. Cụ thể, cách đây 15 năm, mỗi năm Việt Nam có thêm 1,2 triệu lao động mới, nay chỉ còn khoảng 400.000 người/năm. Dự báo 15 năm tới mỗi năm chỉ tăng 200.000 người lao động/năm.
Như vậy trong tương lai chúng ta sẽ vẫn thiếu lực lượng lao động.
Không người lao động bình thường nào đồng ý tăng tuổi hưu |
Bà Hà cũng cho rằng, việc tăng tuổi hưu đồng nghĩa với tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, lương hưu của lao động nữ cũng tăng theo.
Đặc biệt, bà Hà nhấn mạnh, việc tăng tuổi hưu còn tác động tích cực tới sự phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ. Do có thêm cơ hội trong đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm cũng như công tác cán bộ.
Giơ biển tranh luận tại hội trường, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – đoànThành phố Hà Nội - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và giờ làm thêm, phía Tổng liên đoàn đã trực tiếp lắng nghe người lao động chia sẻ.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, pháp luật của chúng ta là ý chí của người lao động được nâng lên thành luật. Thực tế, Tổng Liên đoàn đã đi đến rất nhiều địa phương ghi nhận các ý kiến của người lao động.
Cụ thể như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Đồng Nai, Tây Ninh…. phía Tổng Liên đoàn cũng đã mời các đại biểu của tỉnh cùng dự. Nhìn chung những cuộc gặp này, phía người lao động không đồng tình các phương án đưa ra.
Ông Hiểu cho biết, phía Tổng Liên đoàn đã có trách nhiệm tương tác và chia sẻ để người lao động hiểu hơn.
“Phía Tổng Liên đoàn cũng đề xuất phương án kèm theo các điều kiện, theo đó trong quá tình xây dựng luật, cần phải quan tâm tới việc người lao động là bên thế yếu trong quan hệ lao động. Chỉ có cách giải quyết được vấn đề này và thấu hiểu vấn đề này thì Luật chúng ta mới khả thi và nhận được sự đồng thuận của người lao động”, ông Hiểu nói.
Về vấn đề tăng tuổi hưu, trong phần giải trình tiếp thu các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là xu hướng tất yếu, cũng là yêu cầu thực sự cần thiết của Việt Nam hiện nay.
Thời điểm này việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như Nghị quyết 28 của Trung ương đã nêu rất rõ các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Bộ trưởng cho biết: “Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, hầu như các nước đều gặp phải khó khăn trong vấn đề này”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong đó có 4 vấn đề lớn, thứ nhất, các nước đều đi đến quyết định sớm khi còn thặng dư lao động; thứ hai là đều tiến hành lộ trình tăng tuổi chậm; thứ ba là thường người dân và người lao động không đồng tình, nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lâu dài thì các nước đều quyết định tăng tuổi hưu, nhất là gần đây Nga, Anh, Pháp, ... ; thứ tư trong vấn đề xử lý điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải phân loại đối tượng theo các nhóm.
Đây là 4 kinh nghiệm các nước đã đặt ra và chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình xử lý điều chỉnh tuổi hưu, phải phân loại đối tượng theo các nhóm. Khẳng định đích đạt đến là nữ năm 2035, với nam là năm 2029.
Trong khi đó, đến năm 2030, VIệt Nam thuộc nước phát triển trung bình cao; năm 2045, Việt Nam là nước phát triển nên chắc chắn tình hình sức khỏe và các điều kiện sẽ có nhiều thay đổi.
Bộ trưởng nêu, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ phân làm 3 nhóm: nhóm trong điều kiện lao động bình thường; nhóm lao động ngành nghề, lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm, vùng sâu, vùng xa có phụ cấp 0,7 sẽ có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật và nhóm nghỉ hưu muộn hơn có danh sách cụ thể, hiện áp dụng chủ yếu ở 3 đối tượng: 17 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nữ thứ trưởng và nhà khoa học.
“Từ năm 2014, theo đúng đánh giá của quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn đang già. Hiện chúng ta chỉ còn 400.000 lao động tăng thêm hàng năm.
Tiến tới chắc chắn thiếu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,2%. So với quốc tế, Việt Nam là một trong 8 nước đứng đầu có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất”, Bộ trưởng nêu thêm.
Chính phủ rút đề xuất ngày nghỉ 27/7 Về nội dung lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong dự thảo Bộ luật nêu rõ ý nghĩa, tính nhân văn. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu phát biểu thảo luận, Chính phủ xin Quốc hội rút nội dung này ra khỏi dự thảo. Bộ trưởng khẳng định, toàn văn dự án Bộ luật sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo, khoa học để trình Quốc hội xem xét. |