Phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội, tạo điều kiện linh hoạt cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo, kinh tế…
Góp phần tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực và cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh cá nhân, nhằm xây dựng một xã hội học tập.
Các em học sinh sau 3 năm học ngoại ngữ tại trường đều được thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn khung tham chiếu châu Âu (Telc) đây là 1 trong 3 loại chứng chỉ mà Đại sứ quán các nước chấp nhận để cấp visa cho học sinh học nghề. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thành Công - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long, chia sẻ: “Với mục tiêu đổi mới mô hình đào tạo, thì những năm gần đây trường chúng tôi đã liên kết với Cộng hòa Liên bang Đức để áp dụng phương pháp đào tạo kép hay còn gọi là 9+.
Đội ngũ giáo viên là mục tiêu đổi mới hàng đầu của trường gồm những nhân sự và các thầy cô giáo được đào tạo ở nước ngoài về các lĩnh vực dạy nghề.
Học sinh được học chương trình rút gọn hơn so với hệ Trung học phổ thông bình thường nên các em có nhiều thời gian để tập chung học chuyên sâu về nghề.
Cũng chính vì vậy mà các giáo viên cũng có nhiều thời gian hơn để quan tâm, uốn nắn học sinh bằng chính những kinh nghiệm đã được học hỏi ở nước ngoài.
Mọi người cho rằng đi học tập ở nước ngoài hoặc sang làm việc thì rất là khó, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác biệt và mọi việc rất mở. Ở các nước như Malaysia hoặc Singapore… nếu học sinh giỏi tiếng Anh thì đều có thể tự xin việc”.
Về chương trình 9+ tại Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long, với các bạn đã tốt nghiệp Trung học cơ sở hoặc đang học ở các trường cấp 3 và trường nghề khác đều có thể chuyển sang theo học.
Với việc xét tuyển hồ sơ đã tạo thuận lợi cho các em học sinh muốn theo học chương trình đào tạo kép và các em hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn nghề mà mình muốn.
Chơi mà học
Đi kèm với đó là học sinh được đào tạo về ngoại ngữ, với phương pháp giao tiếp thực tế hàng ngày với các thầy cô giáo người nước ngoài và đó cũng là một thế mạnh của nhà trường.
Thầy Công cho biết: “Chúng tôi liên kết với các trường Đại học ở Đức, Canada, Anh, Nhật, Hàn Quốc…nên hàng năm đều có sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đến Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long để dạy ngoại ngữ và những kinh nghiệm thực tế cho học sinh.
Học sinh được học ngoại ngữ như vậy thì rất dễ tiếp thu, ngoài ra các em còn học được nhiều thứ văn hóa, kỹ năng sống…và những điều văn minh từ những nước phát triển.
Đó cũng sẽ là những hành trang cần thiết, tăng hiểu biết thực tế để các em bước ra đời, nhất là với những em có ý định ra nước ngoài làm việc hoặc du học.
Với những học sinh chưa từng học ngoại ngữ thì nhà trường áp dụng phương pháp truyền cảm hứng, giúp cho các em tự tin hơn khi tiếp cận với môn ngoại ngữ.
Thực tế vừa qua chúng tôi cũng đã tiến hành một vài lớp trải nghiệm tiếng Anh trong 4 tuần, hầu hết khi đến với lớp này các em đều ghét và ngại học tiếng Anh, nhưng chỉ sau vài buổi học thì hầu hết các em đã có cái nhìn thiện cảm hơn với môn này.
Với phương pháp khuyến khích, gây tò mò, tư duy hợp với lứa tuổi đã thúc đẩy được các em mạnh dạn trao đổi, phát âm, giao tiếp mặc dù chưa chuẩn nhưng hầu hất các em đều rất thích.
Kết quả thu được ngoài sự mong đợi khi các em hoàn thành lớp thử nghiệm này”.
Thầy Nguyễn Thành Công - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Công. |
Tại Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long, các em được đào tạo trong 3 năm với chương trình rút gọn gồm 7 môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa và Sinh học.
Học sinh sẽ học văn hóa với 3 buổi sáng trong tuần, 2 buổi còn lại học ngoại ngữ, các buổi chiều trong tuần sẽ được làm bài tập cùng với các thầy cô giáo.
Các em còn được học các môn năng khiếu mà bản thân các em có tố chất về môn đó, trao đổi ngôn ngữ tiếng Anh, lồng ghép dạy kĩ năng sống trong khi vui chơi, học năng khiếu…
Với nhiều lựa chọn thì học sinh có thể chọn học thêm ngoại ngữ mà mình thích như tiếng hàn Quốc, Nhật, Trung, Đức…như vậy chỉ cần hết năm lớp 10 là hầu hết học sinh đã rất tự tin giao tiếp ngoại ngữ.
“Trong năm lớp 10 các em được làm quen và định hướng nghề theo sở thích với những buổi học thực tế ở các nhà máy, doanh nghiệp… nơi có nghề mà các em muốn theo học và trong 1 năm đó các em sẽ được tìm hiểu cặn kẽ.
Năm lớp 11, nhà trường sẽ tiếp tục phân luồng học sinh, những em nào quyết định học và thi vào đại học sẽ được bồi dưỡng các môn văn hóa để khi tốt nghiệp lớp 12 các em sẽ có đủ kiến thức để thi tiếp.
Những em học sinh quyết định học nghề sẽ được định hướng và học chuyên sâu từ năm lớp 11. Học sinh sẽ được đào tạo nghề và thực hành trực tiếp với các giáo viên nước ngoài.
Sau 3 năm cùng với tay nghề và vốn ngoại ngữ đã được đào tạo, các em đủ điều kiện làm cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam hoặc tiếp tục ra nước ngoài làm việc.
Những em học nghề sẽ được học ngoại ngữ với những từ chuyên môn dành riêng cho nghề đó, ví dụ học cơ khí thì giáo trình ngoại ngữ sẽ chuyên về cơ khí.
Em nào học công nghệ thông tin thì giáo trình ngoại ngữ sẽ chuyên về công nghệ thông tin.
Đó cũng là một phương pháp học giúp cho các em nắm bắt được vốn từ chuyên ngành và sát thực tế hơn là các em phải học một giáo trình rộng.
Văn hóa ăn trưa tại trường thực chất cũng là giờ học kỹ năng sống, học sinh cùng ngồi ăn trưa với các thầy cô giáo nước ngoài.
Đây cũng là dịp để các em trò chuyện, tìm hiểu văn hóa của các nước, việc này cũng tăng thêm sự hiểu biết của các em và cũng là thời gian rèn luyện nghe nói ngoại ngữ. Có thể nói đây là những giờ học không áp lực nhưng kết quả lại rất là lớn”, thầy Công chia sẻ
Đặc biệt, các em học sinh sau 3 năm học ngoại ngữ tại trường đều được thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn khung tham chiếu châu Âu (Telc) đây là 1 trong 3 loại chứng chỉ mà Đại sứ quán các nước chấp nhận để cấp visa cho học sinh học nghề.
Chứng chỉ này nằm trong chương trình hợp tác của Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long với Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức thi và cấp chứng chỉ (Telc) cho học sinh có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn.
“Theo tổng kết những năm trước đây, với mô hình của trường chúng tôi đào tạo thì hầu hết sau 3 năm học sinh đều rất giỏi ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp rất mạnh dạn và các em được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đón nhận.
Học sinh sau khi tốt nghiệp 3 năm học nghề tại trường sẽ được thi sát hạch tay nghề và cấp bằng, việc này do các trường nghề của Đức thực hiện, bằng nghề đó có giá trị ở Đức cũng như các doanh nghiệp nước ngoài khác, đó cũng là một lợi thế.
Những em có tay nghề giỏi sẽ được các doanh nghiệp bên Đức đón nhận sang đó làm việc, các doanh nghiệp sẽ trả phí đào tạo nghề tại Đức để các em nâng cao tay nghề trong 3 năm tiếp theo.
Các em sẽ được hưởng hàng tháng với chi phí đào tạo khoảng 900 Euro, cùng 700 Euro sinh hoạt phí và tiền bảo hiểm.
Từ năm thứ 2, tùy vào tay nghề thì các em sẽ được hưởng lương và dần dần đảm nhiệm các công việc trong dây chuyền sản xuất.
Thường thì những em đó sẽ được định cư lâu dài ở Đức với những công việc tốt, thu nhập cao. Đó là điều mà nhiều trường dạy nghề khác không có”, thầy Công nói.
Hiện tại mức học phí tại Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long là 600 nghìn đồng học văn hóa, phí học nghề là 700 nghìn đồng và ngoại ngữ là 700 nghìn đồng 1 tháng.