Giáo dục thời copy, cắt, dán

14/06/2019 06:49
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Những lãnh đạo nhà trường, những giáo viên làm khác thì lại không đúng mẫu, không bám sát vào nội dung chỉ đạo, lại phải làm lại.

Chỉ một kỳ tuyển sinh vào lớp 10 nhưng chúng ta phải chứng kiến nhiều đề thi giống nhau gần như tuyệt đối tại một địa phương.

Nếu mọi người chú ý giữa địa phương này và địa phương khác, giữa năm này và năm khác cũng không khó tìm được những câu hỏi trong đề thi giống nhau một cách lạ kỳ. Đề thi của tỉnh mà còn như vậy nên đề kiểm tra của các trường còn thảm hại hơn nhiều.

Và đâu chỉ có mỗi đề thi, đề kiểm tra giống nhau bởi còn sáng kiến kinh nghiệm, còn kế hoạch, còn bản tự kiểm điểm cá nhân, bản xếp loại viên chức, đáng giá chuẩn nghề nghiệp cũng chỉ khác nhau có mỗi…cái tên.

Những cái “giống nhau” trong ngành giáo dục bây giờ nhiều vô kể và nó khá phổ biến.

Rất nhiều đề thi, đề kiểm tra, hồ sơ sổ sách chỉ khác tên trường, tên giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn)
Rất nhiều đề thi, đề kiểm tra, hồ sơ sổ sách chỉ khác tên trường, tên giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn)

Những đề thi giống nhau

Theo cơ cấu hiện nay, mỗi môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có một chuyên viên phụ trách và vị này thường có điểm xuất phát là giáo viên cấp trung học phổ thông.

Chính vì dạy học cấp trung học phổ thông rồi làm lãnh đạo một thời gian dài ở cấp học này nên khi ra đề cho cấp trung học cơ sở thường rất hay có những sai sót vì nắm không kỹ nội dung, kiến thức ở cấp học này.

Nhiều khi giáo viên trung học cơ sở được phân công đi phản biện đề, nhưng gặp phải giáo viên sợ lãnh đạo và yếu chuyên môn thì việc phản biện cũng chỉ là hình thức cho đúng quy trình.

Chính vì vậy, một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mà đã có nhiều đề thi đã “bị lộ” là có sai sót nghiêm trọng trong khâu ra đề như chúng ta đang thấy.

Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở Quảng Bình, giống đề kiểm tra học kỳ II, năm học 2018-2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Hới.

Đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 của Nghệ An giống đề kiểm tra học kỳ II năm học 2018-2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Thành.

Đề thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10 của Quảng Ngãi gần như giống với đề thi thử của trường Trung học cơ sở Nguyễn Bá Loan.

Đây chỉ là những đề thi được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng mà thí sinh, giáo viên và phụ huynh biết được. Còn những đề kiểm tra học kỳ giữa huyện này, huyện khác, trường này, trường khác giống nhau thì có lẽ nhiều không đếm xuể.

Đề thi giống nguyên xi là do chọn giáo viên ra đề chưa tốt

Thời đại bây giờ, nhiều khi mang tiếng là đề thi của Phòng, của Sở nhưng nhiều người khi được giao nhiệm vụ ra đề thì họ lấy trên mạng, xin nhau qua email để “tham khảo” nhưng rồi phần lớn là vẫn giữ nguyên hình hài đề thi mà các vị “tâm đắc” làm đề cho địa phương mình.

Nhiều chuyên viên Phòng, Sở chỉ copy, chỉnh, sửa vài chỗ lấy lệ và mặc nhiên đó là đề của mình, khi bị phát hiện những sai sót trong đề thì tìm cách chống chế để giữ uy tín.

Thực ra, không chỉ đề thi giống nhau, đề thi sai sót mà đáp án của kỳ thi tuyển sinh 10 thì cũng thường xuyên xảy ra những sự cố đáng tiếc. Có điều, khi thảo luận đáp án thì người chủ trì chấm thi- cũng là người ra đề thường tìm cách lấp đi những sai sót của việc ra đề.

Hơn nữa, hội đồng chấm thi đa phần là giáo viên nên họ cũng ngại chia sẻ những điều sai sót ra ngoài nên dù đáp án sai thì vẫn nằm trong vòng bí mật.

Đa phần các kế hoạch, biểu mẫu, giáo án, đề kiểm tra, bản tự đánh giá giáo viên cũng…giống nhau

Lâu nay, chúng ta mới nghe nói chuyện sáng kiến kinh nghiệm được xin xỏ, sao chép của nhau nhưng đó chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Bây giờ, đa phần các loại hồ sơ sổ sách, giấy tờ đều giống nhau đến kỳ lạ.

Nếu có cuộc tổng so sánh, đối chiếu các loại kế hoạch, giáo án, đề kiểm tra và các biểu mẫu đánh giá, xếp loại, bồi dưỡng chuyên môn trong ngành giáo dục thì phần nhiều đều na ná giống như nhau cả.

Vì sao việc ra đề tuyển sinh 10 vẫn thường xảy ra sai sót?

Nhiều khi, nó chỉ khác mỗi tên trường, tên giáo viên, còn lại phần “ruột” thì giống nhau từ đầu đến cuối.

Nhiều lãnh đạo, giáo viên ngại làm nên khi cần cái gì đó thì tra Google, nếu trên mạng không có thì nhắn tin, xin xỏ đồng nghiệp ở trường khác, địa phương khác.

Ngay cả kế hoạch năm học của Bộ ban hành hàng năm gửi về cho Sở Giáo dục các địa phương, Sở căn cứ vào nội dung kế hoạch của Bộ và chỉnh sửa chút chút gọi là rồi gửi về Phòng Giáo dục.

Phòng nhận được kế hoạch của Sở thì “thêm một chút gia vị” là gửi về các trường. Vẫn là hình thức phải giữ những nội dung chính của cấp trên mới đúng với nhiệm vụ trọng tâm năm học.

Làm khác là bị hoạch họe khi kiểm tra nên kế hoạch năm học giống từ Bộ xuống cơ sở và ngược lại. Lãnh đạo đã vậy nên một bộ phận giáo viên cũng làm thế cho...an toàn. Vừa khỏe lại vừa đúng với chỉ đạo của cấp trên.

Những lãnh đạo nhà trường, những giáo viên làm khác thì lại không đúng mẫu, không bám sát vào nội dung chỉ đạo, lại phải làm lại. Vì thế, ai dại gì mà rước họa vào thân

Thành ra, cái gì cũng giống nhau, hồ sơ sổ sách nào cũng na ná như nhau và ngành giáo dục nở rộ chuyện copy, cắt, dán, chỉnh sửa. Người này làm xong gửi email cho người khác, trường khác.

Và những đề thi mà dư luận đang thấy là chuyện có lẽ cũng rất…bình thường bởi đó là những trùng hợp "ngẫu nhiên, vô tình" mà thôi!

NGUYỄN NGUYÊN