Sự việc trạm thu phí BOT Hòa Lạc – Hòa Bình liên tục xả trạm vào ngày 11, 12 vừa qua vì bị nhiều người dân phản đối một lần nữa lại cho thấy những bất ổn vẫn còn âm ỉ ở nhiều dự án BOT giao thông. Nếu không có giải pháp mang tính căn cơ cho toàn bộ các dự án thì rất có thể sẽ còn xảy ra những sự cố đáng tiếc ở các trạm khác.
Phải nhắc lại rằng khi trạm BOT Hòa Lạc – Hòa Bình đưa vào hoạt động thì đã vấp phải sự phản đối của nhiều người dân sống quanh khu vực.
Để giải quyết vấn đề này thì Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép giảm phí 50% của toàn bộ phương tiện của người dân trong vòng bán kính 5km quanh trạm.
Đến đầu tháng 5/2019 tiếp tục xảy ra sự việc người dân sống quanh khu vực tập trung phản đối mức thu phí. Sự việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Đến 10/6/2019, nhiều người dân tiếp tục phản đối, yêu cầu không thu phí cả xe chính chủ và không chính chủ của các gia đình quanh khu vực vì công việc phải qua lại thường xuyên tại đoạn đường này.
Trước sự việc BOT Hòa Lạc – Hòa Bình “thất thủ”, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phải báo cáo Thủ tướng chính phủ cho phép miễn thu phí đối với toàn bộ phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp (trong vòng bán kính 5km quanh trạm BOT) hoặc xây dựng hoàn trả tuyến đường 446 để cho người dân đi lại.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) đánh giá: “Việc người dân tập trung ở nhiều trạm BOT phản đối về mức thu phí, phản đối về vị trí đặt trạm cần phải được đưa ra tổng kết xem xét nghiêm túc. Trước khi xảy ra sự việc ở trạm BOT Hòa Lạc – Hòa Bình, đã từng xảy ra nhiều sự việc khác, vậy thì căn nguyên là gì?
Người dân phản đối là đúng hay sai, phải làm rõ, minh bạch? Cơ quan chức năng, chủ đầu tư làm đúng hay sai cũng phải minh bạch? Nếu như không minh bạch được thì sẽ luôn có nghi ngờ”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, phải xử lý nghiêm tất cả những cán bộ dính vào sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm ở các dự án BOT. ảnh: NQ. |
Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2019 về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Thủ tướng lưu ý, báo cáo phải nêu rõ tiến độ hoàn thành đối với từng trạm, khó khăn vướng mắc và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; biện pháp xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu tự động không dừng...
Theo ông Bảo: “Cần phải nhanh chóng đưa vào áp dụng thu phí không dừng, khi ấy sẽ lòi ra ngay số tiền thật thu được từng ngày, những đơn vị nào làm ăn gian dối không còn cách nào che đậy nữa và ngay khi đó phải tiến hành thanh tra, kiểm toán làm rõ tất cả những gì còn ẩn sau đấy.
Ai đứng sau các dự án BOT sai phạm, thất thoát nghìn tỷ đồng? |
Tôi vẫn luôn khẳng định rằng chủ trương đầu tư BOT là rất tốt, vì nguồn lực nhà nước không thể đảm bảo cho toàn bộ các công trình, nhưng cách làm của những cá nhân, đơn vị trực tiếp triển khai là có vấn đề nên mới dẫn tới sự phản đối của người dân.
Mục đích xây dựng hạ tầng là để người dân và doanh nghiệp đi lại thuận tiện, thúc đẩy kinh tế các địa phương và vùng miền.
Bản thân doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng họ cũng phải có lãi chứ không thể lỗ được. Khi mà mục đích đặt ra thực sự có lợi cho dân và doanh nghiệp thì tự khắc nhà nước đã thu được kết quả.
Tôi thấy lạ là sau rất nhiều các vi phạm được đề cập tới các dự án BOT mà Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã công bố thì chưa thấy có vị lãnh đạo nào của ngành giao thông bị xử lý chịu trách nhiệm?
Chưa thấy có ông lãnh đạo doanh nghiệp nào bị xử lý trách nhiệm? Và ở các địa phương cũng chưa thấy có cán bộ nào phải chịu trách nhiệm?”.
Nhiều người dân tập trung phản đối mức thu phí tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình. ảnh: TTXVN. |
Sự việc người dân tập trung phản đối mức thu phí và vị trí đặt trạm BOT đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trước đây, trong số đó có:
Trạm BOT cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) bị nhiều người dân phản đối vào sáng 4/3/2016, do chủ đầu tư xây trụ bê tông lên cầu Việt Trì cũng để ô tô phải đi vào cầu mới.
Trạm thu phí Thanh Nê đặt tại xã Bình Minh (Kiến Xương, Thái Bình) để thu phí cải tạo tuyến đường 39B từ thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) đển thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) cũng bị nhiều người dân phản đối ngay khi đưa vào hoạt động thu phí từ 1/1/2017.
Sáng 13/3/2017, nhiều người dân tập trung phản đối tại trạm BOT Tam Nông (Phú Thọ) vì cho rằng vị trí đặt trạm vô lý; chủ đầu tư chỉ thảm lại nhựa, nâng cấp 12km quốc lộ 32 trên nền đường cũ nhưng thu phí 35 nghìn đồng – 180 nghìn đồng/lượt xe.
Một trường hợp khác là trạm BOT Bến Thủy – Nghệ An: Trong ngày 2/4 và 6/4/2017 nhiều tài xế ô tô đã dùng tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng mua vé qua cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2, nhằm phản đối việc thu phí.
Một trường hợp khác là trạm BOT Cầu Rác – Hà Tĩnh cũng vấp phải sự phản đối của người dân vì cho rằng họ không đi qua tuyến đường tránh nhưng vẫn phải trả phí cho công trình này.
Còn tại trạm BOT Quán Hàu – Quảng Bình, nhiều người dân cũng đã phản đối việc thu phí vào tháng 6/2017, trên nhiều ô tô dán dòng chữ “không đi đường tránh sao phải đóng phí”.
Trạm BOT Bờ Đậu (Thái Nguyên) bị nhiều xe ô tô căng băng rôn phản đối vào 27/7/2017
Một trường hợp khác là trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang từ ngày thu phí 1/8/2017 đã có rất nhiều người dân tập trung phản đối vì cho rằng vị trí đặt trạm bất hợp lý.
Liên quan đến các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT, tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Bộ Giao thông vận tải đã triển khai kiểm tra, giám sát doanh thu 11 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc.
Tuy nhiên, tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, minh bạch trong quản lý thu phí, thay đổi phương thức quản lý phương tiện giao thông trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại… còn chậm, không hoàn thành việc thu phí tự động không dừng theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 gửi tới Quốc hội kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 16,2 năm và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công, xác định sai, tăng tổng mức đầu tư.
Thí dụ, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức hợp đồng BOT 20,17 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT830 và ĐT824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An theo hình thức hợp đồng BOT 10,6 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT 98,7 tỷ đồng…
Sai phạm còn thể hiện ở khâu phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội.
Sử dụng doanh thu từ trạm thu phí bổ sung vốn chủ sở hữu nhà đầu tư trong giai đoạn thi công dự án chưa hợp lý như dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - thành phố Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.
Chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ; nghiệm thu, thanh toán sai... là những vi phạm tiếp theo được phát hiện qua kiểm toán.
Theo báo cáo, kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng, trong đó, sai khối lượng là 115,4 tỷ đồng; sai đơn giá 228,2 tỷ đồng, sai khác 492,8 tỷ đồng.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí giá trị xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán.
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại ở các dự án BOT giao thông, ông Bảo cho rằng: “Dứt khoát phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu và tất cả những cán bộ có liên quan. Nếu như không thanh tra, kiểm toán thì làm sao mà biết được số tiền đội lên, thời gian thu phí cũng đội lên… tất cả những cái đó cuối cùng dân phải chịu hết.
Tài chính thất thoát là một chuyện nhưng có quá nhiều sai phạm xảy ra ở nhiều dự án như vậy thì rõ ràng những cán bộ cso trách nhiệm ở cơ quan nhà nước đã gây ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức, uy tín của Đảng.
Muốn giải quyết bất ổn tại các trạm BOT, phải xử nghiêm cán bộ vi phạm. Vì vậy, tôi mong rằng tới đây bên cạnh các quy trình đảm bảo minh bạch, ngăn chặn vi phạm ở các dự án thì phải đưa những cán bộ nào đã dính sai phạm ra xử lý, như vậy nhân dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”.