Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, của Đảng, cũng là bậc thầy vĩ đại của báo chí Cách mạng Việt Nam.
Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn viết báo, vẫn quan tâm dạy bảo người làm báo về quan điểm, phong cách, phương pháp làm nghề.
Bác đã để lại một khối lượng di sản báo chí đồ sộ với hơn 2.000 bài viết từ tiểu phẩm đến chính luận, trong đó có bài Bác viết cuối cùng cho thiếu nhi nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6/1969.
Bài báo “Phê bình và sửa chữa khuyết điểm ở Chi bộ Phú Thành (Nghệ An)” của Nhà báo Phạm Thanh, đăng trên Báo Nhân dân ngày 03/8/1969, là một trong những bài báo Chủ tịch Hồ Chí Minh xem trước lúc Người đi xa |
Một trong những điều Bác Hồ dạy làm báo là phải biết phát hiện. Lời dạy đó tôi được nghe khi bác đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô nhân dịp Đoàn đại biểu Đảng ta sang dự Đại hội Đảng Liên Xô lần thứ 21.
Thời ấy, tôi là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam cùng anh em theo dõi báo chí Liên Xô nhận thấy một chiến dịch lên án “Chế độ độc tài Stalin”.
Đang đại hội Đảng mà quảng trường Đỏ vắng người lại, có giàn giáo bắc cao bên lăng mộ Lê Nin và Stalin, chúng tôi nói chuyện với nhau, có thể Đại hội Đảng Liên Xô lần này có quyết định đưa thi hài Stalin ra ngoài, cái giàn giáo ấy bắc lên để xóa tên Stalin.
Bác Hồ nghe anh em phản ánh tình hình trên, buồn bã nói: “Dám thế kia à!”. Rồi sự thật đã diễn ra đúng như thế.
Đến thăm Đại sứ quán, Bác cho cán bộ nhân viên chụp ảnh chung với Bác.
Qua anh Tố Long là cán bộ phiên dịch hay chụp ảnh về Bác nói lại lời Bác: “Cháu nào biết tìm hiểu quan sát dự đoán việc đưa thi hài Stalin ra ngoài là có năng khiếu phát hiện đấy, nên đi làm báo”.
Từ năm 1962, con đường đời của tôi bước sang lối rẽ mới. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn – Đại học sư phạm Hà Nội khóa 1954 – 1975, tôi được điều về làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp cùng với các anh Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức tốt nghiệp cùng khóa.
Vài năm sau, lại được điều sang làm cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Đến khi về nước, bất ngờ nhận được quyết định tại nhà do Tổng biên tập Báo Nhân dân Hoàng Tùng ký.
Tiếp nhận tôi về Báo Nhân dân (bất ngờ vì tôi không có đơn xin về làm báo). Đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng báo đưa quyết định cho tôi và nói: “Anh là Đảng viên, cần chấp hành điều động về công tác ở Báo Đảng”.
Khi còn ở trường Đại học Tổng hợp, tôi có viết một số bài đăng trên các Báo Nhân dân, Báo Lao động, Báo Tổ quốc, Báo Hà Nội…
Nhưng chỉ viết về những hoạt động của nhà trường, nay làm báo chuyên nghiệp có khác gì, phải bơi trong bể lớn.
Chưa qua đào tạo ở trường báo chí nhưng được học tập trực tiếp lớp đàn anh đi trước cùng với những cố gắng không mệt mỏi, tôi đã từng bước trưởng thành trong nghề nghiệp.
Làm báo phải biết phát hiện, lời dạy ấy của Bác Hồ luôn in sâu trong tâm trí tôi, nhưng phát hiện ra vấn đề để viết đâu phải dễ.
Tôi cảm nghĩ người làm báo như một nhà địa chất, giữa vùng khoáng sản biết tìm kiếm phát hiện loại quặng nào có hàm lượng quý hiếm cao.
Trong những năm tháng đam mê nghề nghiệp, mài dũa ngòi bút, tôi thấy tự mình muốn phát hiện ra cái hay cái đúng cái sai thì phải có kiến thức nhiều mặt, phải biết lựa chọn quy trình tác nghiệp: Đi (đã đi phải đến); Nhìn (để quan sát tỉ mỉ chi tiết); Hỏi và nghe (nghe cả 2 tai để biết đánh những giá sự kiện mình đang tiếp cận); Tìm đọc sách báo (để biết những gì mình đang quan tâm tìm kiếm đã có ai đề cập đến vấn đề ấy chưa).
Ra mắt cuốn sách Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí |
Anh chị em làng báo bây giờ đã trưởng thành lớn mạnh lên nhiều, có điều kiện thuận lợi hơn thời chúng tôi cách đây 23 năm. Tuy vậy, khái niệm làm báo – phát hiện thì nhà báo nào, thời nào cũng cần phải có.
Với suy nghĩ ấy, tôi xin đưa tới đồng nghiệp một số dẫn chứng vừa là ký ức, vừa là kinh nghiệm bản thân để cùng trao đổi.
Trong chiến tranh, khi làm phóng viên chiến tranh ở khu 4 và đi trên đường Trường Sơn quyết thắng, tôi đã viết hàng trăm bài phản ánh khí thế anh hùng của quân và dân ta trong chiến đấu và sản xuất.
Một lần, được tin trận đánh máy bay Mỹ ở phía Tây Hà Tĩnh, ta bắn rơi tại chỗ 1 máy bay chiến đấu, bắt sống 1 giặc lái, đồng thời bắn rơi tại chỗ 1 trực thăng đến cứu giặc lái, bắt sống cả tổ lái 3 người.
Sau một đêm vượt qua bom đạn, tỉnh đội Hà Tĩnh đưa tôi lên trận địa. Đến nơi gặp ngay cả ổ giặc lái đang ngồi chụm vào nhau trên 1 tấm phản trong căn nhà lá của dân địa phương, tưởng thế cũng đã đủ tài liệu viết bài, nhưng tôi thấy cần được đến tận nơi trực thăng rơi, dù phải đi bộ lội suối, vượt đèo nhiều giờ đồng hồ.
Giữa thung lũng, hai bên là rừng núi, nhận ra chiếc trực thăng nằm đó, tôi lên khoang lái thấy chiếc đồng hồ vẫn chạy, nhìn lên thân máy bay thấy những sợi dây rừng quấn chặt trục cánh quạt như nó đang bị thắt chặt cổ.
Thế là tài liệu đã hoàn chỉnh với những chi tiết hay, tôi viết ngay bài ghi nhanh về trận đánh máy bay Mỹ ở phía Tây Hà Tĩnh “Mỹ đã mất cả chì lẫn chài”.
Sau Hiệp định Paris 1973, có một sự kiện gây ấn tượng mãnh mẽ và gây hứng thú nhất với tôi là đi viết về chiến dịch Mỹ rà phá bom mìn trên sông Bạch Đằng, Hải Phòng.
Dưới tán dù che nắng bên cửa sông, tôi cùng một sĩ quan hải quân theo dõi máy bay trực thăng Mỹ từ hạm đội 7 bay vào rà phá bom mìn.
Đường bay của nó cứ zic zac trên sông phía Bắc lại lượn sang phía Nam và ngược lại. Tôi hỏi anh sĩ quan tại sao nó lại bay như thế? Anh vỗ vai tôi trả lời: “Ông ơi, đó là đường bay thắng lợi trong đàm phán rà phá”.
Anh giải thích thêm, trên bàn đàm phán, phía Mỹ định nghĩa con sông là 1 dòng chảy, trên đó tàu thuyền có thể đi lại.
Báo chí luôn đồng hành với Đảng, Chính phủ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa |
Phía ta định nghĩa con sông được cấu tạo bởi hai bờ. Mỹ chọn định nghĩa ấy cốt để khi nước thủy triều rút xuống, mới cho máy bay đi rà phá, giảm bớt công sức tiền của.
Phía ta định nghĩa khi nước triều lên, nước ngập cả bãi bồi, con đê, mà bom mìn Mỹ thả xuống đâu phải chỉ có giữa lòng sông.
Quan sát một sự kiện cần tìm ra nguyên nhân vì sao có sự kiện đó. Từ đường bay zic zac của máy bay Mỹ, tôi phát hiện ra 2 định nghĩa cho 1 dòng sông.
Trong chiến tranh hay trong hòa bình xây dựng đất nước, đi đâu, định viết vấn đề gì, 2 từ “phát hiện” luôn hiện hữu trong đầu tôi.
Chẳng hạn vào quý I, đầu quý II/1995, cả nước sôi sục lên vì cơn sốt xi măng. Tất cả các bài tin trên các báo đều thông tin như giải thích của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, xi măng khan hiếm tăng giá là do cung không đáp ứng cầu.
Là phóng viên nhiều năm theo dõi các lĩnh vực công – thương nghiệp, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy xuất hiện “cơn sốt xi măng” này.
Trước trách nhiệm đối với xã hội, tôi đã đi quan sát nhiều cửa hàng bán lẻ xi măng ở Hà Nội, thấy người ta xếp hàng, đưa chứng minh thư nhân dân ra cho người bán xem, để rồi nhận được 1 tờ phiếu mua 2 bao xi măng.
Lạ thật, mẹ con bà bán rau bỏ ngay gánh rau trên vỉa hè, mấy cô “ca – ve” mắt xanh mỏ đỏ, rồi mấy ông bán phở, mấy bà bán bún… mà tôi biết mặt.
Có cầu đâu mà xếp hàng mua. Chẳng qua, họ xếp hàng được một tờ phiếu, có nghĩa được lợi 100 nghìn đồng ngay tại chỗ.
Tôi lại về cả ba nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Hải Phòng tìm hiểu, được biết cả ba cơ sở đều sản xuất vượt mức kế hoạch sản lượng hai quý đầu năm.
Vậy cung có thiếu đâu mà xi măng lại sốt? Như vậy, tôi đã đi đã đến, đã nhìn, đã thấy, đã nghe và phát hiện ra đây là “cơn sốt giả”, tôi viết ngay bài phóng sự điều tra đăng trên Báo Nhân dân: “Sốt xi măng, trách nhiệm thuộc về ai?”.
Chỉ một hai ngày sau bài viết, thị trường xi măng trở lại yên bình, cửa hàng bán lẻ xi măng ít người đến mua, giá xi măng vừa được nâng từ 700 nghìn lên 1,2 triệu đồng/tấn phải hạ xuống như cũ; Mấy anh đầu cơ bỏ tiền ra đút lót cửa hàng để mua được xi măng bán giá cao, nay phải bán chạy bán tháo để giảm thua lỗ.
Bài viết này được Giải A giải thưởng Báo chí toàn quốc cho tất cả các loại hình báo chí năm 1995.
Xin nói thêm một phát hiện nữa liên quan có tính thời sự về giải thưởng báo chí viết về Xây dựng Đảng đang diễn ra.
Đó là bài viết “Phê bình và sửa chữa ở chi bộ Hợp tác xã Phú Thành”, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đăng trên Báo Nhân dân cách đây đúng 50 năm.
Trước tình trạng tổ chức Đảng cơ sở nhiều nơi có những biểu hiện sai trái, lãnh đạo quan liêu, mất dân chủ, đảng viên sa sút phẩm chất cách mạng thì Chi bộ này là một nhân tố mới, đã tổ chức cho quần chúng công khai phê bình sự lãnh đạo của Chi bộ, thẳng thắn nói ra những khuyết điểm của lãnh đạo, sự thiếu gương mẫu của đảng viên làm quần chúng mất lòng tin.
Sau những buổi họp lắng nghe ý kiến quần chúng, người thay mặt Chi bộ chân thành nhận lỗi và xin lỗi nhân dân, đồng thời nêu lên những biện pháp khắc phục sai sót khá cụ thể:
Một là, cán bộ đảng viên phải “Xuống đội, lội đồng” có nghĩa phải bám sát sản xuất, không chỉ xách túi ra trụ sở, phải lao động như xã viên mới được tính công điểm.
Hai là, “Không ăn, không nợ”, có nghĩa không được dùng công của hợp tác xã để liên hoan chè chén, không vay quỹ hợp tác xã để mua sắm đồ dùng gia đình, ai đã vay phải hứa trả đúng hạn.
Đây là bài báo cuối cùng Bác Hồ đọc, khi Bác mất, bài này vẫn được trải trên bàn làm việc, Bác đặt cặp kính lão lên giữa bài và ghi bút tích bên bài “Cắt dán lưu về Đảng”.
Bài này đang được để trong hộp kính tại căn phòng nhà 67 trong Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh. Từ Hà Nội đạp xe vào Nghệ An giữa mùa nắng lửa gió lào, tôi phát hiện ra cách làm của Chi bộ này để viết, thật chẳng uổng công.
(Nhà báo Phạm Thanh)