Đường và Đích

26/06/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - “Chọn đường” và “chọn đích” tùy thuộc vào bản lĩnh của minh quân hay bạo chúa.

Thế gian này chỉ con người là cần đường, chim chóc, thú vật, các loài thủy sinh và thế giới thực vật không cần đường.

Tổ tiên của loài người, các loài vượn người cổ đại cũng không cần đường. 

Từ khi thoát khỏi đời sống hoang dã, đường là thứ hình thành dưới gót chân chứ không phải trong đầu, do đi mãi mà thành đường. 

Bước vào kỷ nguyên văn minh, loài người dần dần coi nhẹ những con đường hình thành dưới gót chân, không ít người tung hô những con đường vẽ trong đầu dù đôi khi chẳng ai biết chính xác con đường đó dẫn người ta đến kết cục thế nào. 

Chính con người tạo ra các loại đường - đường bộ, đường biển, đường bay, đường lối - nhưng rồi lại trở thành nô lệ của đường.

Có những con đường không hiện diện trên bề mặt địa cầu nhưng vẫn có hàng triệu người hoặc hối hả hoặc lầm lũi bước theo.

Ảnh minh hoạ: Giadinh.net.vn
Ảnh minh hoạ: Giadinh.net.vn

Không có đường đi, không có thông thương, cuộc sống tự cung tự cấp chỉ thích hợp với thời kỳ mông muội, điều này hình như là đúng với tất cả các loại đường trong thời đại hội nhập.

Một bộ tộc, một quốc gia biệt lập với thế giới, khả năng đối diện với viễn cảnh diệt vong cao hơn các những nơi hình thành liên minh.

Có người vừa vẽ đường trong đầu, vừa tự vạch đường trên đất, nhưng nếu không có số đông bước theo, đường sẽ tự biến mất như chưa bao giờ tồn tại.

Nói đến “Con đường”, người ta liên tưởng đến điểm khởi đầu và kết thúc.

Không có điểm kết thúc, con đường trở nên vô định và những ai đi trên con đường đó, dù kiên định đến mấy thì cuối đời vẫn không tránh khỏi hoang mang.

Không biết điểm cuối của con đường cũng có nghĩa là không thể biết rốt cuộc mình chọn sai hay đúng.

Hầu hết “Con đường” đều có ngã rẽ hoặc giao lộ, không biết chọn ngã rẽ, cứ đi theo la bàn chỉ có thể là người ngây thơ hoặc cố chấp.

Quyền lực trị quốc và vai trò Quân vương
Quyền lực trị quốc và vai trò Quân vương

Chọn ngã rẽ, chọn đi vòng không hẳn là ngốc, ngốc là kẻ không biết chọn. 

“Chọn” nhiều khi là việc đau đớn bởi để đến với chân lý không hiếm trường hợp phải từ bỏ cái giáo điều đã thấm vào máu. 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng hỏi cán bộ:

Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?”.

Ngày nay, hỏi rằng có bao nhiêu quan chọn mất chức để dân no thì không thể trả lời bởi lựa chọn được xem là thượng sách của một bộ phận không nhỏ là “củng cố đời con”.

Trở lại ngày xưa, trước khi xuất hiện câu hỏi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Kim Ngọc (1917-1979) đã quyết định thực hiện “Khoán 10” với triết lý “Muốn có nhiều lương thực phải để người nông dân làm chủ ruộng đất của mình”.

Nói ông Kim Ngọc táo bạo hay liều lĩnh đều được bởi ông không đi theo con đường mà các Bí thư Tỉnh ủy khác đang đi.

Đích mà ông chọn là dân no, đường mà ông chọn không phải con đường có trong nghị quyết. 

Nếu tâm niệm, những thứ bản thân đã mất, đang mất hoặc có thể sẽ mất thực ra là do chúng chưa từng thực sự thuộc về mình thì việc chọn sẽ nhẹ nhàng bởi khen chê là việc của người đời, không phải của cát bụi.

Trái đất tròn và vì vậy chẳng có con đường nào thẳng tuyệt đối, tìm con đường không cong cả về phương diện địa hình lẫn ý nghĩa triết học đều là không tưởng.

Ngay cả sự tiến hóa của xã hội loài người cũng không theo đường thẳng mà là đường xoắn ốc.

“Chọn đường” và “chọn đích” tùy thuộc vào bản lĩnh của minh quân hay bạo chúa. 

Đất nước tôi - chim ưng hay bò sát?
Đất nước tôi - chim ưng hay bò sát?

Đất nước được dẫn dắt bởi minh quân thì đích đến là độc lập tự do cho dân tộc, là một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là một quốc gia cường thịnh sẵn sàng đối mặt và chiến thắng mọi lực lượng đối nghịch.

Những nơi bị thao túng bởi bạo chúa hoặc nhóm lợi ích đến mức ở đó dân chúng chỉ có thể nói chuyện với “bức tường” hoặc “đầu gối” thì cũng có nghĩa là quyền lực đang bước những bước cuối cùng về phía huyệt mộ.

Tuy nhiên, không ít thời điểm đất nước cần đến vị “Bạo chúa thông minh”, người sẵn sàng tiêu diệt nhiều kẻ ác để làm yên thiên hạ.

“Bạo chúa thông minh” không đáng sợ bằng những kẻ giả dạng minh quân nhưng chỉ biết đến phe nhóm, dòng tộc mà gạt dân chúng sang hai bên đường, bắt dân chúng quỳ gối tung hô nhưng không được phép ngẩng đầu nhìn kiệu vàng, lọng tía. 

Chọn đường trước khi chọn đích là hồ đồ, chọn đích trước khi chọn đường tuy không hồ đồ nhưng không phải lúc nào cũng thành công. 

Nhiều văn sĩ, triết gia đưa ra lời khuyên, rằng hãy lựa chọn theo sự mách bảo của trái tim.

Dù là chân lý song chẳng ai nhìn thấy, nghe thấy trái tim mách bảo thế nào.

Người theo chủ nghĩa vật chất liên tưởng đến một sự thật, rằng nhân loại, gần như toàn bộ, trái tim luôn nằm bên trái và rằng thực ra thì trái tim không thể đưa ra sự lựa chọn chính xác nếu thiếu sự thông tuệ trong bộ não.

“Ý nghĩ cho rằng trái tim luôn ở “bên trái” có thể khiến người ta nghi ngờ những lẽ phải mà “bên trái” ấy hướng tới, từ nghi ngờ đến phủ nhận chỉ có một giới hạn mong manh” là một đoạn trong bài “Lịch sử và nghịch lý trái tim bên trái” đăng từ năm 2014. [1]

Có một lời khuyên rất nhân văn liên quan đến trái tim:

Mỗi người chỉ có một trái tim, nhưng lại có hai ngăn. Một ngăn chứa niềm vui, một ngăn đựng nỗi buồn. Đừng cười lớn tiếng, nếu không sẽ khiến bi thương bên cạnh thức giấc”.

“Ta chỉ cho ngọn lửa, chúng sinh thắp đuốc mà đi”
“Ta chỉ cho ngọn lửa, chúng sinh thắp đuốc mà đi”

Nếu phải rơi nước mắt trước đám đông thì có nghĩa là bi thương đã tỉnh giấc.

Người có dũng khí sẽ không để nước mắt của mình lan sang khóe mắt đồng loại, không làm được việc đó thì sự bất lực trở nên đáng trách. 

Không xem nhẹ hay phủ nhận vai trò của trái tim - thứ trời sinh ra đã nằm bên trái -  trong việc định hướng sự lựa chọn không chỉ là lời khuyên mà là định hướng bắt buộc với bậc chính nhân quân tử.

Nói theo kiểu biện chứng là công nhận phản biện, công nhận mâu thuẫn, là đả phá độc quyền - thứ luôn cản trở sự phát triển xã hội loài người.

Những thứ mơ trong đầu luôn đẹp chẳng qua vì chúng ta cho là nó đẹp, những thứ gặp trên đường không phải lúc nào cũng đẹp bởi chúng là sản phẩm của các cá nhân hoặc cộng đồng với những quan điểm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau về sự hoàn mỹ.

Kinh thánh lưu truyền câu chuyện Chúa trời rẽ biển tạo nên con đường cho dân Do Thái trốn khỏi xiềng xích của người Ai cập. 

Đức Phật không tạo đường đi cho phật tử, Ngài nói: “Ta không thể cứu rỗi bất kỳ ai, ta chỉ cho ngọn lửa, chúng sinh thắp đuốc tìm đường mà đi”.

Dẫu tạo ra đường đi như Chúa Trời hay chỉ đường đi như Đức Phật thì các ngài ấy cũng không hề vẽ lên cầu vồng bảy sắc ở cuối mỗi con đường.

Không gieo vào tâm tưởng chúng sinh viễn cảnh tươi đẹp ở đích đến vì cả Chúa Trời lẫn Đức Phật đều biết, con đường đưa nhân loại thoát khỏi đời sống hoang dã, thoát khỏi kiếp nô lệ là chặng đường dài mà hai bên đường là vô số nấm cỏ.

Không những thế, đích của chúng sinh không phải luôn giống đích của người dẫn đầu và không phải ai cũng muốn đích của số còn lại cũng chính là đích của mình.

Đích là nơi mà con người phải tự tìm bằng năng lực bản thân chứ không phải những viễn cảnh được các đấng tối cao định trước.

Bởi vậy Đức Phật dạy rằng: 

“Ta là Phật đã thành; Chúng sinh là Phật sẽ thành”. 

Chọn đường và chọn đích như lời Đức Phật, lại không phải là việc của Phật.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lich-su-va-nghich-ly-trai-tim-ben-trai-post140973.gd

Xuân Dương