Đề thi Khoa học tự nhiên có mức độ phân hóa cao

26/06/2019 13:37
Thùy Linh
(GDVN) - Nhận xét về đề thi trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, các giáo viên cho rằng, đề ra không lắt léo, không đánh đố học sinh nhưng sẽ không có nhiều điểm 10.

Sáng 26/6, hơn 340.000 thí sinh dự thi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên  gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học. 

Sau khi hoàn thành các bài thi, theo đánh giá của các giáo viên, đề ra không lắt léo, không đánh đố học sinh nhưng sẽ không có nhiều điểm 10.

Cụ thể, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Giáo viên môn Hóa học, Trường Trung học phổ thôngTrần Phú (Hà Nội) cho rằng: 

Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa của Bộ, có tính phân hóa tương đối cao. Học sinh dễ dàng đạt được 5-6 ở mức nhận biết và thông hiểu.

Đề thi năm nay câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, không đánh đố, học sinh không mất nhiều thời gian để đọc đề. Đề có nhiều câu hỏi liên hệ thực tế về sinh thái, môi trường, sản xuất…

Trong đó, có khoảng 5-6 câu có nhiều đáp án và học sinh phải vận dụng rất nhiều kiến thức, có tư duy mới có thể giải quyết được vấn đề. 

Đối với đề thi này, học sinh để đạt được điểm 10 là khó nhưng đạt điểm 9 là có khả năng. Với thời gian 50 phút và mức độ đề như thế này, học sinh phải kiến thức thật chắc, thật sâu và có “tinh thần thép” mới có thể đạt điểm tối đa. 

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi trong tổ hợp Khoa học tự nhiên có mức độ phân hóa cao, “dễ thở”, nhẹ nhàng (Ảnh minh họa: Dương Hà)
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi trong tổ hợp Khoa học tự nhiên có mức độ phân hóa cao, “dễ thở”, nhẹ nhàng (Ảnh minh họa: Dương Hà)

Còn cô giáo Nguyễn Thị Nga, giáo viên Sinh học, Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội) thì nhận định: 

Đề thi có mức độ phân hóa cao, “dễ thở”, nhẹ nhàng. Bám sát chương trình, sách giáo khoa và hướng dẫn của Bộ. Mức độ khó của các câu hỏi tăng dần, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao. 

Đề có những câu hỏi ở những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được khoảng 5 điểm để xét tốt nghiệp.
 
Những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải có kiến thức chắc chắn, có tư duy tổng hợp, khả năng liên hệ thực tế, có kỹ năng làm bài tốt mới làm được bài ở mức điểm cao.

Đề thi chính thức môn Sinh học trong kỳ thi quốc gia 2019
Đề thi chính thức môn Sinh học trong kỳ thi quốc gia 2019

Dưới góc nhìn của thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) khẳng định:

So với đề thi chính thức kỳ thi quốc gia năm 2018, độ khó của đề thi năm nay được giảm đi tương đối rõ rệt và tập trung nhiều mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Số câu hỏi dễ và lí thuyết tăng lên. Số câu vận dụng cao giảm, chiếm khoảng 20% (8 câu),  đồng thời giảm về độ khó và độ dài so với đề thi năm 2018. Số câu đếm nhận định đúng/sai giảm rõ rệt, chỉ còn 8 câu. Đề thi có độ dài là 4,5 trang giấy thay vì 6 trang như các năm trước.

Đề tham khảo môn Sinh học bám sát cấu trúc 7 chuyên đề thuộc kiến thức lớp 12, bao gồm cơ chế di truyền và biến dị, quy luật di truyền, di truyền quần thể, di truyền người, ứng dụng di truyền, tiến hóa, sinh thái.

Nội dung kiến thức lớp 11 vào phần chuyển hóa vật chất và năng lượng. Đề thi có 1 câu thực hành, “mang hơi thở cuộc sống”, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức lí thuyết và vận dụng vào thực tế.

Các câu hỏi đếm nhận định đã giảm đi nhiều nhưng những câu hỏi phân tích biểu đồ, đồ thị, bảng biểu và câu hỏi thực hành lại yêu cầu học sinh cần thời gian tư duy, suy nghĩ nên cũng sẽ mất thời gian.

Sự điều chỉnh này tương đối hợp lí nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của kỳ thi, giải quyết các vấn đề tồn đọng ở các năm trước.

Ngoài ra, việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi như vậy cũng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới.

Với đề thi chính thức như năm nay sẽ giúp cho các giáo viên và học sinh giảm tải được áp lực trong việc dạy và học chuẩn bị cho kì thi quốc gia năm 2020.

Đề thi vẫn đảm bảo phân hóa được các đối tượng học sinh khác nhau và hơn hết thể hiện được chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy và học trong thời gian tới.

Thùy Linh