“Tội ác khi sinh ra, nó có thể dưới bất kỳ ngôn ngữ đẹp đẽ nào...”. (*)
Báo vietnamplus.vn đưa lại hình ảnh của hơn 30 năm tìm kiếm những cựu binh Mỹ chết trong Chiến tranh Việt Nam như một biểu tượng khép lại quá khứ và phát triển quan hệ đối tác toàn diện [1].
Hình ảnh của những quan tài phủ lá cờ Mỹ lại gợi tôi nhớ đến 5 năm qua, với hơn 3 năm học tại Mỹ, đọc và nghiên cứu lịch sử Chiến Tranh Việt Nam do người Mỹ viết và hình ảnh ông tôi, một lão thành từ thời kỳ tiền cách mạng Việt Nam, cùng tù ở Hỏa Lò với John McCain, một anh hùng Mỹ thời chiến tranh và những gì cá nhân tôi gánh chịu trong hơn 5 năm qua.
Tôi đã có thể vượt qua nỗi đau cá nhân để nói: “Tôi không phán xét đạo đức và lịch sử, nhưng tội ác vẫn là tội ác, dù nó được nhân danh những ngôn ngữ đẹp đẽ nào đi nữa”.
Vấn đề chỉ là, chúng ta có dám đối mặt với tội ác và sửa chữa nó hay không? Hay chúng ta chỉ tay ra chỗ khác và bảo rằng, đấy là vì tương lai thế giới, vì giáo dục, vì con trẻ…
Lá cờ dành cho Những Cựu Binh Mỹ, đang ở tù hoặc mất tích trong chiến tranh. (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Khi chúng ta bàn đến toàn cầu hóa, tự do thương mại, giá phải trả là bao nhiêu? Ai trả?
Cùng với toàn cầu hóa, chúng ta nói đến giáo dục toàn cầu, quốc tế hóa giáo dục, công dân toàn cầu và đặc biệt là mục đích “Lấy Con Người Làm Trung Tâm”, trong khi giáo dục xuống cấp ở toàn cầu là đáng ghi nhận, sự bế tắc về thiếu giáo viên có đào tạo và tư duy về giáo dục cho thời đại mà dữ liệu cá nhân trở thành miếng mồi ngon cho tất cả cùng nhảy vào khai thác?
Con Người là Trung tâm để yêu thương, để chăm sóc, để dạy dỗ nên Người, hay Con Người là đối tượng để chúng ta “vặt lông không đau”?
Tôi muốn lấy ví dụ và lá cờ của POW/MIA để nhắc lại một chân lý bất hủ, được ghi nhận trong suốt lịch sử phát triển nước Mỹ và nhân loại:
“Kẻ nào không nhớ quá khứ, thường phải lặp lại quá khứ” – George Santayana [2]
“Ai không mong đợi và thực hiện những quyền tự do cho kẻ khác, cũng sẽ không thể có được tự do cho chính bản thân mình” – A. Lincoln [3]
Nhân bàn về đạo đức và lịch sử, rõ là thế hệ nào biết thế hệ đó thôi, bởi đạo đức của mỗi thế hệ và mỗi thời đại nó là một sự khác nhau về nhận thức, nhất là trong thời đại “Quá Nhanh, Quá Nguy Hiểm”. [4]
Chỉ có điều, hình như càng đi vào bế tắc của kinh tế toàn cầu do toàn cầu hóa hơn 30 năm qua gây ra, người ta dần nhận ra, để số hóa, để “quốc tế hóa”, nhưng giá trị cổ điển lại “đắt” và hữu ích hơn nhiều so với những gì được gọi là “hiện đại” [4].
Bởi thế, trong mô hình đại học được đánh giá là ưu tú nhất và là biểu tượng cho đại học mới của Mỹ, mục đích giáo dục đại học đã được ghi nhận “Hãy học làm Người” [5]
Tại sao, tại sao thế kỷ 21 “Lấy Con Người làm Trung Tâm” lại nhắc lại đến một chân lý bao đời nay: Học làm Người?
Chả lẽ hóa ra, hơn 70 năm qua (nếu tính từ Tuyên Ngôn Liên Hợp Quốc về Nhân Quyền), hàng thế kỷ qua đi, chúng ta vẫn chưa là Người đúng nghĩa?
Hóa ra chưa.
Để tưởng nhớ đến sự trung thực và đáng kính trọng của John McCain, hãy đọc Sóng Mãi Không Dừng (Restless Wave) [6], hồi ký cuối cùng trước khi McCain chết vào 25/8/2018.
Chủ nô và Nô lệ thời Thực tế ảo |
Tôi mua cuốn này trong hành trình đi thăm các Cựu Binh Mỹ trong Chiến Tranh Việt nam, từ tháng 5/2018-8/2018, trong đó có văn phòng của McCain tại Arizona, trước khi ông chết.
Người xưa nói, “người chết quay đầu về núi, con chim sắp chết không nói dối”, McCain viết cuốn sách về những điều ông không thể nói lúc ông còn sống. Thông điệp chính về một cuộc đời con người Mỹ, đã sống, suy nghĩ và hành động như thế nào.
Nhưng, trong số 500 trang sách đó, hơn 3 chương nói về những sai lầm cơ bản của tư duy và triết lý Mỹ trong những chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là lời xin lỗi muộn màng của nước Mỹ với những tội ác mà họ gây ra cho thế giới và nhân dân các nước, dù nước Mỹ đã hành động dựa trên những “giả thiết sai” hay chỉ là “nghi vấn”…
Nhưng tội ác đã thực hiện, chỉ còn là lịch sử phán xét!
Chả ai có thể phán xét về những mất mát, tổn thương, đau khổ mà hàng triệu triệu người phải gánh vì những sai lầm của Mỹ trên thế giới bao thế kỷ qua.
Chả có ai có thể phán xét rằng người Mỹ sẽ đau khổ hơn vì những tội ác họ gây ra cho thế giới, hay những con người, những dân tộc phải gánh những nỗi đau tan nát do Mỹ gây ra…ai khổ hơn ai?
Với Việt Nam, chúng tôi lựa chọn khép lại quá khứ, khép chặt lại nỗi đau, dù đó là nỗi đau vẫn đang hàng ngày chảy máu trong im lặng, bởi đó là cách để sống, để tồn tại, để tiếp tục phát triển, mà tùy với mỗi cá nhân, đó là sự lựa chọn nào.
Tôi cũng đã lựa chọn khép lại quá khứ.
Nhưng có một sự thật khác, đó là có những người không muốn khép lại quá khứ đau thương, bởi họ muốn kiếm tiền, họ muốn thống trị thế giới, họ muốn chiếm lĩnh những dữ liệu toàn cầu dựa trên những kế hoạch vĩ đại như kết nối toàn cầu, hay vành đai con đường.
Trên thực tế phát triển của nhân loại, hầu hết thời gian, chúng ta đều sống theo phương thức “kẻ mạnh”, chà đạp lên nhau để mưu lợi, chứ mấy ai nghĩ đến tình nghĩa, nghĩ đến nhân quyền, nghĩ đến kẻ bất hạnh khác, đang đứng ngay cạnh mình, van xin mình, mong nhờ mình cứu giúp?
Lịch sử của hơn 100 năm thất bại trong xóa đói nghèo, nay được dùng để làm mục tiêu phấn đấu trong 10 năm nữa.
Lịch sử của hàng thế kỷ chất lượng giáo dục kém chất lượng, nay cũng được dùng để làm mục tiêu phấn đấu trong 10 năm nữa.
Lời lẽ đẹp đẽ, mục tiêu đẹp đẽ, nhưng liệu có giá nào ẩn sau những thứ đẹp đẽ đó không?
Lá cờ Mỹ và lá cờ đen của POW/MIA (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Liệu có giống như, hình ảnh của một lá cờ tự do - dân chủ - nhân quyền đầy sao của nước Mỹ bay phấp phới trên bầu trời trong xanh, nhưng chỉ ngay dưới đó thôi, thì lá cờ đen của POW/MIA đại diện cho những con người phải chết, bị tù đầy và chịu đựng mất tích không tên tuổi, những kẻ là nạn nhân và đối tượng phải trả giá cho nước Mỹ, cũng đang nằm ngay đó?
Tôi không phán xét, nhưng tôi đủ phẫn nộ để không giữ sự câm lặng cho những gì là sai trái trên thế giới này, nhất là với con trẻ và nhân danh giáo dục.
Khi cả thế giới chưa có cách gì để cải thiện về nhân quyền, về máu của trẻ con châu Phi vẫn đang chảy trên từng máy tính, từng smartphone, chúng ta nói đến xóa đói nghèo và giáo dục có chất lượng, giá đó ai trả? [7]
Khi cả thế giới đang im lặng đáng ngờ hơn 40 năm qua về những quy định bảo vệ quyền con người trong thế giới internet, trong những nghiên cứu khoa học ứng dụng AI và sử dụng con người làm thí nghiệm bất hợp pháp kéo dài hàng chục năm, ở những đất nước đói nghèo [8]; khi những đại diện của các tổ chức quốc tế lớn từng tuyên bố “các nước nghèo không có gì ngoài người dân, họ chỉ còn cách “vốn” hóa (human capital) người dân” [9], chúng ta đang nói đến ai vậy?
Đó là CON NGƯỜI, hay chỉ là con số và dữ liệu cho chúng ta kinh doanh?
Thưa với các lãnh đạo quốc tế, thưa với nước Mỹ, xin lỗi thì tốt, nhưng đừng để quá muộn rồi mới xin lỗi.
Đừng lấy tương lai của thế giới, của người dân, của nhân quyền, để đánh đu với những lợi ích toàn cầu, mà chỉ làm béo cho vài hãng công nghệ, vài quốc gia, muốn thống trị thế giới, và để vài mươi năm nữa, lại có ai đó viết hồi ký “Xin lỗi”?
Thế giới không cần những lời xin lỗi như vậy nữa!
Những bóng ma của quá khứ, Tư tưởng thống trị của vĩ đại |
Tội ác với con người và nhân quyền đã hoàn tất trong thời đại internet hóa hiện nay.
Ai phán xét?
Ai phán xét những hãng công nghệ đang xâm phạm về nhân quyền?
Ai phán xét những tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu không có những quy định, những thể chế và cấu trúc bảo vệ con người, trước khi tất cả lao vào “kết nối toàn cầu” với “giáo dục toàn cầu”?
Ai phán xét trách nhiệm những quốc gia, những lãnh đạo đã bỏ mặc cho những hãng công nghệ, những tập đoàn xuyên quốc gia kinh doanh kiếm lời trên dữ liệu lớn, và quên đi người dân của mình là con người [10]?
Hay chính các lãnh đạo quốc gia đã bắt tay với những tập đoàn lớn đó, để muốn tạo nên những “cú hích”, những chính phủ được bầu bán không phải là ý chí của nhân dân, mà dựa trên sự lèo lái của các tập đoàn công nghệ và truyền thông? [10]
Cá nhân tôi có thể khẳng định, chúng ta chưa biết, học sinh kết nối toàn cầu có lợi gì hơn, nhưng đó không thể là lý do để hy sinh quyền con người của chúng, hy sinh quyền được sống, được tự do, độc lập với những hãng công nghệ, những tập đoàn kinh doanh dữ liệu hay những chính phủ bất lương, muốn cầm cố và điều khiển cuộc đời kẻ khác, dựa trên những dữ liệu cá nhân và dữ liệu lớn được.
Đó là câu hỏi cho việc, ai sẽ phán xét gì từ lịch sử tội ác chống con người trên đây?
Tài liệu tham khảo:
(*) https://en.wikipedia.org/wiki/National_League_of_Families_POW/MIA_Flag
[1] https://www.vietnamplus.vn/photo-ky-niem-24-nam-ngay-binh-thuong-hoa-quan-he-viet-namhoa-ky/579779.vnp
[2] https://en.wikiquote.org/wiki/George_Santayana
[3] A. Lincoln, https://www.brainyquote.com/quotes/abraham_lincoln_105879;
[4] Xin cảm ơn vì đến trễ, Thomas Friedman
[5] Building the intentional university, https://mitpress.mit.edu/books/building-intentional-university
[6] https://en.wikipedia.org/wiki/The_Restless_Wave_(book)
[7] https://www.amnesty.org/en/latest/news/2017/11/industry-giants-fail-to-tackle-child-labour-allegations-in-cobalt-battery-supply-chains/
[8] https://www.hrw.org/world-report/2019/country-chapters/china-and-tibet; https://www.accessnow.org/cms/assets/uploads/2018/11/AI-and-Human-Rights.pdf; https://www.hrw.org/report/2019/05/01/chinas-algorithms-repression/reverse-engineering-xinjiang-police-mass-surveillance;
[9] WB, https://www.worldbank.org/en/publication/human-capital/brief/about-hcp
[10] The dark side of numbers: The role of population data systems in human rights abuse, https://www.jstor.org/stable/pdf/40971467.pdf; The Age of Surveillance Capitalism: The Fight for a Human Future at the New Frontier of Power, Shoshana Zuboff, https://www.amazon.com/Age-Surveillance-Capitalism-Future-Frontier/dp/1610395697; Who rules America?, G. W. Domhoff; Misbehaving, R. Thaler, https://www.amazon.com/Misbehaving-Behavioral-Economics-Richard-Thaler/dp/039335279X