Ai là người được hưởng lợi nhiều nhất?
Nhiều ý kiến cho rằng: Những quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đang làm giàu cho các trung tâm, các trường Đại học mà không giúp gì cho việc nâng cao trình độ cho giáo viên.
Lấy ví dụ, một trung tâm liên kết với trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường tổ chức ôn và thi chứng chỉ tin học.
Học tiếng Anh từ tiểu học đến đại học, giáo viên vẫn phải bỏ tiền mua chứng chỉ |
Điều đáng nói thí sinh phải nộp những mức tiền 800.000 đồng – 1,3 triệu đồng (bao gồm lệ phí thi và gói chống trượt).
Các thí sinh được hướng dẫn ôn thi buổi sáng trong vòng khoảng 1,5 tiếng đồng hồ, chiều thi ngay.
Anh N.T.A (Lạng Sơn) cùng vợ “cơm nắm muối vừng” xuống Hà Nội để ôn và thi loại chứng chỉ trên.
Bản thân anh T.A cũng thừa nhận: “Ôn thi như vậy thời gian chép cũng chẳng có chứ đừng nói đến học”.
Nhiều học viên đã từng ôn và thi chứng chỉ cho biết: Dẫu họ có học cả tháng chuyên đề về excel cũng chưa chắc đã làm được và thi đỗ.
Thế nhưng tại Đại học Tài Nguyên Môi trường tuần nào cũng tổ chức ôn và thi cuốn chiếu như thế.
Nếu chỉ cần 1,5 giờ đồng hồ mà có thể ôn và đào tạo được một thí sinh có thể thi và vượt qua kỳ thi chứng chỉ thì quả là …siêu nhân.
Câu chuyện phi lý này đang diễn ra tại nhiều trung tâm và các trường Đại học.
Có thể nói người được hưởng lợi nhất từ những quy định trên chính là các trung tâm và trường Đại học tổ chức ôn, thi và cấp chứng chỉ.
Trong các loạt bài phanh phui về tình trạng thi, cấp chứng chỉ 3 “không” tại các trường Đại học Đông Đô, Trưng Vương mà báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh.
Bên trong một lớp ôn thi chứng chỉ, sáng ôn, chiều thi (Ảnh: N.D) |
Chúng tôi cũng chỉ ra rất rõ sự bát nháo trong các hình thức thi kiểu này. Thí sinh được giám thị cho chép bài, các gói chống trượt và cam kết đỗ đảm bảo thi đỗ 100%. Nếu không thì sẽ hoàn lại tiền.
Như vậy với chất lượng ôn, thi và cấp chứng chỉ kiểu vậy thì thử hỏi chất lượng của đội ngũ viên chức giáo dục liệu có được đảm bảo.
Tuy đây chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tính minh bạch của ngành giáo dục vốn dĩ là ngành không cho phép sai phạm và tiêu cực.
Điều đáng nói, mặc dù đã bị xã hội và nhiều tờ báo lên án nhưng rất nhiều trường Đại học vẫn ngang nhiên tổ chức những lớp ôn, thi và cấp chứng chỉ bát nháo như trên.
Theo lời một tay “cò mồi” tên T. cũng thừa nhận: “Không thể dẹp bỏ được kiểu thi này. Bởi nếu trường này bị động thì trường khác sẽ ngay lập tức lên thay thế. Vì vậy các gói chống trượt hay thi 3 không sẽ vẫn tồn tại”.
Sau khi bị “hành” đủ kiểu thì giáo viên lại tiếp tục bị hành bởi một loại chứng chỉ khác là chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiệp vụ.
Sự bát nháo trong các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh và tin học đặt ra câu hỏi về chất lượng đào tạo (Ảnh: N.D) |
Theo phản ánh của nhiều giáo viên các địa phương: Việc ôn và cấp chứng chỉ trên chỉ giúp đem lại lợi ích cho các trung tâm và một số trường đại học.
Cô Yến, giáo viên Hòa Bình đến thời điểm này vẫn chưa thôi bức xúc vì mức học phí cao mà hiệu quả lại tỷ lệ nghịch.
Cô Yến nói: “Thực sự giáo viên chúng tôi bị hành lên bờ xuống ruộng. Đầu tiên là phải có chứng chỉ tiếng Anh, tin học.
Chúng tôi đã phải đóng để đi ôn và thi 4-5 triệu đồng. Sau đó đóng thêm 2,8 triệu đồng để tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Sơ sơ từng đấy tiền thì giáo viên chúng tôi lấy đâu ra.
Điều bức xúc thứ hai là chất lượng của lớp học vô cùng tệ. Giảng viên kiến thức lạc hậu, nhiều bạn đến chỉ bấm điện thoại.
Dạy thì cho có lệ cũng chẳng báu bở gì. Vậy mà chúng tôi phải đóng từng đấy tiền”.
Chứng chỉ được mua bán như mớ rau, con cá (Ảnh: N.D) |
Bằng nhiều tài liệu cũng như các lời phản ánh của giáo viên chúng tôi có cơ sở để đặt ra câu hỏi: Ai là người được hưởng lợi nhiều nhất từ những quy định trên?
Nếu cho rằng các loại chứng chỉ là cần thiết để nâng cao nghiệp vụ và chất lượng của giáo viên thì chúng tôi có thể cung cấp rất nhiều tư liệu về hình thức ôn, thi, cấp chứng chỉ bát nháo tại một số trường.
Do vậy để mỗi đồng tiền giáo viên bỏ ra đều được đền đáp xứng đáng thì việc tổ chức ôn, thi và cấp chứng chỉ các loại phải thực sự hiệu quả, chất lượng, công bằng và minh bạch.
Giáo viên cần nắm rõ quy định pháp luật để tránh bị lợi dụng
Khảo sát nhiều giáo viên, chúng tôi nhận ra những vấn đề mà các thầy cô đang bị ngộ nhận.
Thứ nhất: Đối với việc cấp chứng chỉ tiếng Anh và tin học. Nhiều giáo viên đang không hiểu rõ ý nghĩa của các loại chứng chỉ hiện hành.
Một loại chứng chỉ rất phổ biến và được nhiều người lựa chọn đó là chứng chỉ tiếng Anh các loại A, B, C với những lời chào mời hấp dẫn của các trung tâm: Không cần ôn, không cần học và không lo bị thi trượt.
Thực tế các trung tâm đang đánh vào tâm lý muốn có chứng chỉ nhanh chóng, giá rẻ của các thí sinh mà lại không tìm hiểu kỹ.
Trước đây, chứng chỉ ngoại ngữ được cấp theo Quyết định 177/QĐ-TCBT năm 1993 quy định chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C và và Quyết định 66/2008/QĐ-BGDĐT năm 2008 quy định Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.
Các lớp bồi dưỡng chức danh nghiệp vụ bị phản ánh là kém chất lượng (Ảnh: N.D) |
Tuy nhiên, Trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức và viên chức được quy định trong các Thông tư về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành là căn cứ vào Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014).
Ở thời điểm hiện tại, người học phục vụ cho việc thi công chức, viên chức đa phần sẽ thi các khóa cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng cho các chương trình đào tạo ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ và người học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối với chứng chỉ A, B, C hiện nay không còn được sử dụng phổ biến, việc chấp nhận chứng chỉ này hay không thì tùy thuộc vào đơn vị tuyển dụng.
Như vậy trước khi bỏ tiền ra mua, ôn và thi các loại chứng chỉ A, B, C thí sinh cần phải tìm hiểu rõ yêu cầu của đơn vị tuyển dụng để tránh tiền mất, tật mang.
Hiện nay tại Việt Nam chỉ có 8 trường điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm: Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Huế; Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ.
Chứng chỉ được cấp sau 3 ngày, không cần học, sau hôm đăng ký có thể đi thi hoặc làm bài thu hoạch (Ảnh: N.D) |
Thứ hai: Về nguyên tắc xét thăng hạng có nhiều điểm đáng chú ý
1. Việc cử giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương.
2. Giáo viên được tham dự xét thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ.
3. Giáo viên dự xét thăng hạng phải có đủ hồ sơ và các minh chứng theo quy định. Đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí không có minh chứng là các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan thì minh chứng là xác nhận của cơ quan sử dụng giáo viên về năng lực của giáo viên đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đó.
4. Việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật.
Như vậy việc cử giáo viên đi học thăng hạng là do cơ sở giáo dục chủ động cử. Đồng nghĩa giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghiệp vụ hoàn toàn tự nguyện.
Tuy nhiên nhiều địa phương lại lợi dụng tâm lý lo xa của thầy cô để mập mờ. Từ đó ép giáo viên phải đi học.
Theo phản ánh của nhiều giáo viên tại Hà Giang, Vĩnh Phúc họ gần như là bị ép đi học các lớp bồi dưỡng chức danh nghiệp vụ.
Cô Nguyễn Thị T. nói: “Tại địa phương tôi gần như 100% giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Số tiền tương đối lớn so với thu nhập của giáo viên”.
Từ những điều trên, giáo viên nên tìm hiểu thật kỹ các quy định pháp luật liên quan đến lợi ích sát sườn để tránh mất tiền oan.