Dân gian có câu "người chửa cửa mả" để nói đến mức độ nguy hiểm khi sinh con.
Mới đây, thông tin về sự cố khi đỡ đẻ tại Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã khiến không ít người cảm thấy đau lòng.
Theo thông tin phản ánh của anh Nguyễn Sỹ Chiến (chồng sản phụ Nguyễn Thị Tình, 37 tuổi, trú tại xã Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), sáng 30/6, chị Tình có dấu hiệu chuyển dạ khi thai 35 tuần nên đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ để thăm khám.
Trong quá trình thăm khám, chị Tình đã được nữ hộ sinh nghe tim thai 3 lần, đều thông báo thai bình thường.
Sau khi sản phụ được chỉ định sinh thường, kíp trực thông báo thai nhi vừa sinh ra đã chết, trên cổ có vết đứt dài được khâu lại. Gia đình cho rằng, bác sĩ thiếu kinh nghiệm, đã kéo đứt cổ bé khi đỡ đẻ.
Phía bệnh viện lại khẳng định thai nhi đã chết lưu trước đó và thừa nhận việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Tĩnh báo cáo tình hình vụ việc trên.
Đến nay, chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong của cháu bé, tuy nhiên qua sự việc đáng tiếc trên các sản phụ nên lưu ý đến tai biến khi sinh và đi khám sức khỏe thường xuyên để đề phòng những bất thường có thể xảy ra.
Tai biến sinh khó do kẹt vai
Theo nhóm bác sĩ Hồ Viết Thắng, Âu Nhựt Luân, Bộ môn phụ Sản Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian từ lúc sổ đầu tới khi sinh vai khoảng 60 giây được xem là có kẹt vai. Tỷ suất của kẹt vai vào khoảng từ 0,6-1,4%. [1]
Yếu tố nguy cơ cổ điển của đẻ khó do vai là thai to, đặc biệt thai to trong đái tháo đường thai kỳ thì nguy cơ bị kẹt vai cũng cao hơn.
Trong đái tháo đường thai kỳ, vai rất to so với đầu, nên kẹt vai có thể xảy ra ngay cả trong trường hợp thai không phải là quá to.
Khi đó, đầu thai nhi có thể vượt qua tiểu khung dễ dàng nhưng vai sẽ không thể vượt qua được hành trình trong khung chậu dẫn đến kẹt vai.
Trẻ bị kẹt vai trong khi sinh. (Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống) |
Những hậu quả do kẹt vai gây ra cho thai nhi và bà mẹ
Khi gặp tai biến kẹt vai khi sinh, tỷ lệ tử vong sơ sinh tăng cao do ngạt và tổn thương hành não do kẹt vai.
Khi đầu thai đã sổ, tử cung đã bị thu hồi một phần nên thời gian càng kéo dài thì càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến trao đổi qua nhau ở thai.
Thêm vào đó, việc cố gắng kéo thai bằng cách đặt một lực trên phần đầu thai nhi, kéo giãn cột sống cổ sẽ đưa thai nhi đối mặt với tổn thương hành não, nới chữa các trung tâm sinh tồn. Do các lý do này, tử vong sau sinh gia tăng đáng kể trong kẹt vai.
Bên cạnh đó còn tổn thương đám rối thần kinh vai, cánh tay và bàn tay, có thể gây ra hiện tượng rung hay tê liệt các bộ phận này. Thường thì các triệu chứng trên sẽ biến mất khi trẻ được 6 – 12 tháng.
Trong trường hợp thiếu oxy nặng (thường là hiếm), trẻ có thể bị tổn thương não thậm chí tử vong.
Đối với sản phụ gặp tai biến này có thể bị xuất huyết nghiêm trọng sau sinh và rách tử cung, âm đạo, cổ tử cung hoặc trực tràng.
Nguyên nhân khiến thai lưu cuối thai kỳ
Những thực phẩm phụ nữ mang thai cần phải đề phòng |
Có nhiều nguyên nhân gây ra thai lưu trong đó có một số nguyên nhân xuất phát từ chính thai nhi do: Thai dị dạng, phù nhau thai, vô sọ hay não úng thủy.
Dây rốn, bánh nhau bất thường khiến cho quá trình hấp thu dưỡng chất nuôi sống thai nhi không phát triển cũng khiến thai bị chết lưu.
Ngoài ra, trường hợp thai nhi quá 40 tuần tuổi mà vẫn chưa chuyển dạ hay có dấu hiệu chuyển dạ, thai có thể bị chết lưu do thiếu không khí và chất dinh dưỡng từ mẹ nếu như không kịp thời xử lý.
Đối với thai đôi hoặc đa thai thì các trường hợp thai chết lưu do nguyên nhân truyền máu cho nhau không đủ, một trong các thai sẽ tự tiêu biến mà không có biểu hiện khác thường nào.
Sự bất đồng trong nhóm máu mẹ và con cũng là nguyên nhân thai lưu trong 3 tháng cuối bạn cần lưu ý kỹ.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc, các mẹ cần phải thường xuyên khám tổng quát theo dõi thể trạng cơ thể định kỳ một cách đều đặn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://suckhoedoisong.vn/sinh-kho-do-ket-vai-mot-tai-biet-san-khoa-dang-so-nhat--n159862.html