Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Yên Bái báo cáo và khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá trường hợp tử vong sau khi mổ sinh bằng phương pháp gây tê tủy sống của sản phụ Trần Thị Bích Lai, 28 tuổi - huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang khi sinh con tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên - Yên Bái.
Khi thấy các chỉ số sinh tồn cho phép, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên - Yên Bái đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái để cấp cứu. Ảnh Vietnamnet. |
Chiều 28/6, chị Trần Thị Bích Lai được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lục Yên để sinh đẻ vì có dấu hiệu chuyển dạ khi mang thai được 39 tuần.
Chị Lai đã từng mổ sinh do xương chậu hẹp, nên lần này các bác sĩ tiếp tục chỉ định mổ sinh bằng phương pháp gây tê tủy sống.
20h30 cùng ngày, chị Lai được các bác sỹ tiến hành mổ sinh và bé gái nặng 2,7kg chào đời. Sau khi mổ sinh 1 giờ đồng hồ, sản phụ Lai xuất hiện khó thở, kêu nghẹn cổ và nôn ra bọt hồng, chân tay tê, huyết áp tụt còn 90/40, mạch nhanh trên 100 lần.
Sau khi cấp cứu và hội chẩn ngay tại phòng mổ, có thể nguyên nhân sốc không hồi phục do ngộ độc thuốc tê, chưa loại trừ nguyên nhân thuyên tắc mạch ối, đe doạ tử vong.
Khi thấy các chỉ số sinh tồn cho phép, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên - Yên Bái đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái để cấp cứu.
Bệnh nhân Lai được bàn giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái lúc 1h15 ngày 29/6. Dù được các bác sĩ cấp cứu tích cực theo phác đồ nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân Lai được chẩn đoán đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Yên Bái yêu cầu: Trung tâm Y tế huyện Lục Yên rà soát lại việc tuân thủ các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong việc theo dõi, chăm sóc và xử trí các tai biến sản khoa trong và ngay sau đẻ.
Gặp gỡ, chia sẻ, động viên và cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình sản phụ cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.
Xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ và đạo đức nghề nghiệp, có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn về sản khoa cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện.
Tạm thời, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã tạm ngưng các kĩ thuật có sử dụng phương pháp gây tê tuỷ sống. Các trường hợp bệnh nhân nếu phải áp dụng phương pháp này sẽ được gửi lên tuyến trên.
Nếu gây mê tuỷ sống mọi trường hợp thì 10 ca có thể có 1 ca biến chứng như tụt huyết áp, chảy máu, ngừng tim... Ảnh minh họa: TTXVN. |
Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế trên cả nước có triển khai phẫu thuật mổ sinh (trong và ngoài công lập) không được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Cụ thể, các trường hợp sản phụ có nhau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật.
Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019 tại các địa phương vẫn xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau phẫu thuật mổ sinh bằng phương pháp gây tê tủy sống.
Với một số trường hợp sinh mổ, Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ không áp dụng phương pháp gây tê màng cứng, thay vào đó dùng phương pháp gây mê nội khí quản.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký công văn gửi các cơ Sở Y tế yêu cầu bác sĩ khi mổ sinh cho sản phụ có nhau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… không được dùng phương pháp gây tê tuỷ sống, thay vào đó dùng gây mê nội khí quản (gây mê toàn thân).
Qua ghi nhận cho thấy, việc áp dụng gây tê tuỷ sống với những trường hợp này có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Sẽ khó cho việc cấp cứu và nguy cơ tử vong cao.
Theo ông Tiến, thế giới đã áp dụng kỹ thuật gây mê tuỷ sống trong mổ sinh từ lâu, nhưng với các trường hợp người mẹ có bệnh tim, huyết áp; nguy cơ chảy máu như: nhau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật; suy giảm chức gan, thận, phổi… các bác sĩ sẽ áp dụng gây mê nội khí quản.
Tại Việt Nam, hầu hết các Bệnh viện đã áp dụng quy trình này. Tuy nhiên qua theo dõi, giám sát và thẩm định tại nhiều địa phương vẫn còn những cơ sở y tế gây tê tuỷ sống mọi trường hợp.
Sản phụ bị ung thư máu đã sinh em bé, thêm kỳ tích của y học Việt Nam |
Thứ trưởng Tiến cho biết: "Nếu gây mê tuỷ sống mọi trường hợp thì 10 ca có thể có 1 ca biến chứng như tụt huyết áp, chảy máu, ngừng tim...
Do đó để an toàn nhất cho sản phụ, Bộ Y tế có công văn chuẩn hoá quy trình cho những trường hợp đặc biệt”.
Để thực hiện phương pháp gây mê nội khí quản, người bệnh cần nhịn ăn. Nếu trót ăn, sẽ phải hút sạch dạ dày, phương pháp này phức tạp hơn nhiều so với gây tê tuỷ sống.
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp gây tê vùng, sản phụ sẽ được tiêm mũi gây tê vào cột sống. Từ đó thuốc phân tán sang vùng xung quanh làm tê liệt một vài bộ phận chịu áp lực nhiều nhất trong khi chuyển dạ.
Do đó, sản phụ vừa không đau, vừa hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên nhiều giờ sau sinh, sản phụ có thể vẫn còn cảm giác tê ở chân, thậm chí cảm thấy yếu ở chân thời gian dài sau đó. Đau lưng cũng là tác dụng phụ khá phổ biển sau thủ thuật đẻ không đau.